Samsung xuất mạnh phiên bản mới Note 20 'thúc' kim ngạch xuất khẩu Việt Nam tăng vọt

Tính chung 8 tháng đầu năm, ước tính xuất siêu gần 12 tỷ USD. Việc xuất siêu tăng được cho rằng sẽ tác động tích cực tới tỷ giá hối đoái, tới dự trữ ngoại hối, trong bối cảnh Việt Nam đang rất cần giữ ổn định giá trị đồng nội tệ và cần có thêm nguồn lực để chuẩn bị cho phục hồi kinh tế.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 8 tháng năm 2020 ước tính đạt hơn 336 tỷ USD, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 174,11 tỷ USD, tăng 1,6%; nhập khẩu đạt hơn 162,21 tỷ USD, giảm 2,2%.

Trong đó, vực kinh tế trong nước vẫn tiếp tục là điểm sáng về hoạt động xuất nhập khẩu khi kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu 8 tháng đều tăng so với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu đạt gần 61 tỷ USD, nhập khẩu đạt hơn 72 tỷ USD, tăng 2,9%.

Cán cân thương mại hàng hóa 8 tháng ước tính xuất siêu gần 12 tỷ USD

Cán cân thương mại hàng hóa 8 tháng ước tính xuất siêu gần 12 tỷ USD

Còn tính riêng tháng 8 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính 26,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với tháng trước, chủ yếu do Công ty Samsung đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm phiên bản mới Note 20.

Tính riêng về kim ngạch xuất khẩu, tính chung 8 tháng ước tính đạt hơn 174 tỷ USD, tăng 1,6%. Có 27 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, gồm điện thoại và linh kiện đạt; điện tử, máy tính và linh kiện; hàng dệt may; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng; giày dép; gỗ và sản phẩm gỗ…

Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng nông sản đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Dẫn đầu là mặt hàng hoa quả. Đáng chú ý nhất sản phẩm gạo đạt 2,2 tỷ USD, tăng 10,4% về giá trị và giảm 1,7% về lượng.

Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, mặc dù tình hình dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp tại quốc gia này. Tiếp đó là Trung Quốc, EU, ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản…, những quốc gia này cũng đang chịu ảnh hưởng lớn của đại dịch Covid-19, tăng trưởng kinh tế sụt giảm do thực hiện các lệnh giãn cách xã hội, đóng cửa đất nước để hạn chế sự lây lan của đại dịch.

Ở chiều nhập khẩu, tháng 8/2020 ước tính đạt 23 tỷ USD. Tính chung 8 tháng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt hơn 162 tỷ USD. Có 29 mặt hàng đạt kim ngạch nhập khẩu trên 1 tỷ USD, là điện tử, máy tính và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng; điện thoại và linh kiện; ô tô; nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép… Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Tiếp đó là Hàn Quốc, ASEAN, Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU.

Như vậy, từ thị trường xuất nhập khẩu, tính chung 8 tháng năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu gần 12 tỷ USD. Nhận định về tình hình xuất siêu tăng mạnh trong những tháng qua, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc nền kinh tế xuất siêu được xem là điều đáng mừng. Bởi xuất siêu lớn sẽ tác động tích cực tới tỷ giá hối đoái, tới dự trữ ngoại hối, trong bối cảnh Việt Nam đang rất cần giữ ổn định giá trị đồng nội tệ và cần có thêm nguồn lực để chuẩn bị cho phục hồi kinh tế.

Tuy nhiên, cũng có lo ngại cho rằng, xuất siêu tăng mạnh cũng có nghĩa là sản xuất trong nước suy giảm, giảm nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất. Bởi Việt Nam là nước phụ thuộc vào nguyên vật liệu đầu vào nhập khẩu, nên nhập khẩu tư liệu sản xuất giảm chứng tỏ sản xuất trong nước có sự sụt giảm.

Đ.M

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/samsung-xuat-manh-phien-ban-moi-note-20-thuc-kim-ngach-xuat-khau-viet-nam-tang-vot-577207.html