Sân bay Nusantara sẽ mở cửa thương mại từ cuối năm nay

Ngày 24/9, Tổng thống sắp mãn nhiệm Joko Widodo của Indonesia cho biết sân bay Nusantara tại thủ đô mới Nusantara ở Đông Kalimantan của nước này sẽ bắt đầu mở cửa cho các chuyến bay thương mại từ cuối năm 2024.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã bắt đầu làm việc tại dinh tổng thống mới ở thủ đô tương lai Nusantara từ tháng 6/2024. Ảnh: Dinh Tổng thống Indonesia

Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã bắt đầu làm việc tại dinh tổng thống mới ở thủ đô tương lai Nusantara từ tháng 6/2024. Ảnh: Dinh Tổng thống Indonesia

Theo hãng tin Straits Times, sân bay Nusantara vốn được thiết kế để dành cho khách hàng VVIP – những người có khả năng chi tiêu lớn, có địa vị kinh tế xã hội hoặc chính trị cao. Tuy nhiên khi phát biểu với truyền thông ngày 24/9, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết: “Tôi đã ra lệnh cho Bộ trưởng Giao thông thay đổi tình trạng của Sân bay Nusantara thành sân bay thương mại”.

Ông Widodo cũng cho biết, sân bay sau khi mở cửa sẽ có khả năng phục vụ 200.000 hành khách mỗi năm trong ngắn hạn và mục tiêu dài hạn là 7 triệu hành khách mỗi năm.

Tổng thống Indonesia nhận định việc thay đổi tình trạng của sân bay sẽ có lợi đối với cộng đồng sinh sống xung quanh nơi này.

Động thái thay đổi tình trạng của sân bay còn được kỳ vọng sẽ khuyến khích du khách đến thăm Nusantara. Trước đó, du khách sẽ phải đến thành phố Balikpapan, cách Nusantara 2 giờ lái xe để có thể lên các chuyến bay thương mại.

Theo kế hoạch ban đầu, sân bay dự kiến được đưa vào hoạt động từ tháng 8, trước Quốc khánh lần thứ 79 của Indonesia vào 17/8. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị trì hoãn. Tính tới hiện tại, các báo cáo mới nhất cho biết nhà ga và các tuyến đường tiếp cận chính của sân bay gần như đã hoàn thành, nhưng công việc xây dựng các cơ sở hỗ trợ khác vẫn đang được tiến hành.

Được xây dựng với chi phí 284,8 triệu USD, sân bay Nusantara có đường băng dự kiến dài 3.000m và rộng 45m, đủ lớn để chứa các máy bay thân rộng thường được sử dụng cho các chuyến bay quốc tế.

Trước đó vào năm 2019, quyết định di dời thủ đô từ Jakarta tới Nusantara, Kalimantan đã được Tổng thống Joko Widodo công bố do các nguyên nhân như ô nhiễm môi trường, chất lượng không khí, lũ lụt và tắc đường. Đồng thời việc di dời thủ đô sang nơi mới cũng phục vụ mục đích tăng cường phát triển ở miền đông Indonesia của nước này.

Nusantara đang được xây dựng theo 5 giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên của siêu dự án trị giá 30 tỷ USD - bao gồm xây dựng các trụ sở cơ quan nhà nước, cơ sở hạ tầng cơ bản sẽ được hoàn thành vào cuối năm nay. Hãng truyền thông địa phương Kompas cho biết việc xây dựng các công trình quan trọng như văn phòng tổng thống và 4 tòa nhà của các Bộ sẽ được hoàn thành và sẵn sàng trước Ngày Quốc khánh Indonesia vào tháng 8.

Giai đoạn cuối cùng của quá trình xây dựng Nusantara dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2045 khi Nusantara được kết nối với các thành phố xung quanh như Balikpapan và Samarinda.

Với động thái này, Indonesia đã trở thành quốc gia Đông Nam Á thứ ba di dời thủ đô của mình sau hai nước cùng khu vực là Malaysia và Myanmar.

Tương tự với Indonesia, các văn phòng chính phủ Malaysia trước đây cũng được đặt ở các địa điểm trên khắp Kuala Lumpur. Tuy nhiên vì tình hình tắc đường ngày càng tồi tệ, sự di chuyển giữa các nơi dần trở thành trở ngại chính trong các quy trình hành chính của quốc gia này. Do đó, chính phủ Malaysia đã di dời tất cả các cơ quan tới một địa điểm tập trung hơn để tạo thành một trung tâm quản lý hành chính hoạt động có hiệu quả - thủ đô hành chính Putrajaya vào năm 2003.

Tại Myanmar, thủ đô mới với cái tên Naypyidaw mà theo tiếng Burma có nghĩa là “nơi ở của các vị vua” được chính thức chuyển đổi vào tháng 3/2006 từ thủ đô cũ Yangon. Thủ đô mới được đặt tại một địa điểm gần thành phố Pyinmana, cách Yangon khoảng 320km về phía Bắc và có diện tích 7.054km vuông.

Ngân Hà

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/san-bay-nusantara-se-mo-cua-thuong-mai-tu-cuoi-nam-nay-33753.html