Sân chơi bình đẳng

Hội nghị trực tuyến giữa các nhà lãnh đạo Anh và Liên hiệp châu Âu (EU) được đánh giá tích cực, tiếp thêm động lực cho đàm phán về quan hệ thương mại song phương thời 'hậu Brexit'. Tuy nhiên, vấn đề 'sân chơi bình đẳng' là đòi hỏi chủ chốt, nhưng cũng là trở ngại lớn, mà chỉ khi cả hai bên cùng nhượng bộ mới có thể vượt qua, để có được thỏa thuận vào cuối năm nay như mục tiêu đề ra.

Hội nghị cấp cao trực tuyến hôm 15-6 có sự tham dự đầy đủ của các nhà lãnh đạo hai bên, gồm Thủ tướng Anh B.Johnson, Chủ tịch Ủy ban châu Âu U.Leyen, Chủ tịch Hội đồng châu Âu C.Michel và Chủ tịch Nghị viện châu Âu D.Sassoli. Đây cũng là lần đầu Thủ tướng Anh trực tiếp đàm phán với giới lãnh đạo EU kể từ sau khi Anh rời EU ngày 31-1-2020. Bởi thế, cuộc thảo luận cấp cao đã đem đến động lực chính trị mới cho tiến trình đàm phán về quan hệ Anh - EU thời “hậu Brexit” vốn đang bế tắc. Trong tuyên bố chung sau hội nghị, lãnh đạo hai bên khẳng định lại cam kết hợp tác vì lợi ích của người dân Anh và EU, hỗ trợ các kế hoạch đàm phán tăng cường nhằm mục tiêu đạt một thỏa thuận toàn diện và cân bằng trước khi kết thúc giai đoạn chuyển tiếp Brexit vào cuối năm 2020.

Cuộc thảo luận cấp cao Anh - EU trực tuyến diễn ra sau khi một loạt vòng đàm phán được tổ chức, cả khi dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, song vẫn chưa có dấu hiệu “ra khỏi ngõ cụt”. Ngoại trừ cam kết “tiếp tục đàm phán”, hầu hết các nội dung thảo luận đều chưa có bất kỳ tiến triển nào sau bốn vòng thương lượng từ hồi tháng 1. Tuy nhiên, trong vòng đàm phán mới nhất tuần trước, hai bên nhất trí thiết lập lịch trình làm việc mới, dày đặc hơn, với tần suất đối thoại hằng tuần, thay vì hai, ba tuần một lần như trước đây. Ít nhất năm cuộc đàm phán đã được lên kế hoạch tổ chức từ ngày 29-6 tới 27-7 tới.

Rào cản lớn nhất vẫn là bất đồng giữa hai bên trong một loạt vấn đề mấu chốt, nhất là liên quan các quy định về doanh nghiệp. Quan điểm về đánh bắt cá còn nhiều khác biệt, khi Anh kiên quyết phản đối yêu cầu của EU đòi “tiếp cận lâu dài” với vùng biển của Anh. Hai bên cũng tranh cãi về các tiêu chuẩn môi trường, tài chính và xã hội; luôn duy trì lập trường cứng rắn, không nhượng bộ. EU tuyên bố không vì mục tiêu đạt thỏa thuận mà “hy sinh lợi ích”, còn chỉ trích đối tác ứng xử trong đàm phán chỉ như “trọng tài”, chứ không phải “cầu thủ” trực tiếp tham gia trận đấu. Nhìn chung, mấu chốt bế tắc nằm ở bốn vấn đề, gồm chia sẻ ngư trường Anh với EU; vai trò của Tòa án Công lý châu Âu (ECJ); cơ chế giải quyết tranh chấp; và quy định về “sân chơi bình đẳng”.

Trong đó, “sân chơi bình đẳng” là rào cản lớn nhất, khi cả hai bên đều đòi hỏi, song không thống nhất được các quy định cụ thể liên quan. Với lập luận “sân chơi bình đẳng” là yếu tố cốt yếu để thiết lập quan hệ đối tác kinh tế, EU yêu cầu Anh chấp thuận nguyên tắc bình đẳng, nhất là các vấn đề liên quan trợ cấp nhà nước, lao động và môi trường. Trong khi Luân Đôn cũng đòi hỏi bình đẳng cho nước Anh trong thỏa thuận thương mại tự do với EU, tương tự những gì EU ký với các đối tác như Canada hay Nhật Bản. Anh cũng đòi giữ nguyên quy định hiện hành liên quan quyền đánh bắt cá trong vùng biển của Anh; bác đề xuất của EU về vai trò của ECJ giải quyết tranh chấp giữa Anh và EU sau Brexit...

Trước nhiều bất đồng như vậy, trong khi còn ít thời gian đối thoại, giới lãnh đạo hai bên đã xác định, không thể tháo gỡ bế tắc trong đàm phán nếu khăng khăng giữ quan điểm. Tại hội nghị trực tuyến, Anh đã nhận được tín hiệu tích cực từ EU, khi các đối tác cam kết cùng London nỗ lực sớm đạt đồng thuận chung cho vấn đề thương mại và an ninh, tránh kịch bản kinh tế hai bên rơi vào tình trạng rối ren sau Brexit. Hai bên cũng nhắc lại cam kết không gia hạn thời kỳ chuyển tiếp, kết thúc ngày 31-12-2020. Đồng nghĩa hai bên chỉ còn hơn sáu tháng để chuẩn bị thích ứng với môi trường hoạt động kinh doanh, thương mại mới, nghiêm ngặt hơn và khác xa các quy định hiện nay.

Chưa có bước đột phá sau hội nghị cấp cao trực tuyến Anh - EU. Song, ít nhất hai bên đã khẳng định quyết tâm chính trị ở cấp cao nhất với mục tiêu đạt thỏa thuận về mối quan hệ thương mại toàn diện và cân bằng trong tương lai. Điều này tùy thuộc những nhượng bộ sắp tới hai bên đưa ra, nhằm biến cam kết chính trị thành hành động cụ thể.

NINH SƠN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/44892402-san-choi-binh-dang.html