Sân khấu Việt chuyển mình với công nghệ kỹ thuật

Để không bị tụt hậu, sân khấu Việt gần đây đã ứng dụng công nghệ kỹ thuật hiện đại để phục vụ vở diễn. Nhiều chuyên gia đánh giá, đưa công nghệ kỹ thuật số vào sáng tạo sân khấu để nâng cao hiệu quả nghệ thuật, tăng sự mới lạ với khán giả và bắt kịp xu hướng thời đại là việc làm cần thiết, đúng đắn khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển như vũ bão.

Theo NSND Lê Huy Quang, những nước có nền sân khấu tiên tiến, sàn diễn từ lâu đã được hiện đại hóa với khả năng quay nhiều chiều, nhiều tầng, lớp, có thể lên cao hay xuống thấp, mở rộng hay thu hẹp, sử dụng những cầu diễn tự động nối khán giả với nghệ sĩ để tạo điều kiện tốt nhất cho sự tìm tòi, sáng tạo trong trang trí, dàn dựng, mở ra không gian linh hoạt, biến hóa.

Trong khi đó tại Việt Nam, sân khấu các rạp hát đa phần đã cũ kỹ, nghèo nàn, lạc hậu về nhiều phương diện. Lâu nay, sân khấu của ta vẫn luôn chỉ là sàn diễn cố định vài chục mét vuông tồn tại từ đầu đến cuối vở diễn với những riềm, cánh gà cố định và chung cho tất cả các loại hình nghệ thuật cho nên khó tránh khỏi nhàm chán, thiếu sáng tạo. Nhưng thực tế cũng cho thấy, nhiều nhà hát cũng như giới làm nghề ở nước ta thời gian qua đã ứng dụng công nghệ kỹ thuật hiện đại để đưa vào các tác phẩm tạo được dấu ấn với người xem.

Vở diễn thực cảnh Ký ức Hội An được áp dụng công nghệ tối tân, tạo hiệu ứng ấn tượng

Vở diễn thực cảnh Ký ức Hội An được áp dụng công nghệ tối tân, tạo hiệu ứng ấn tượng

Có thể kể đến vở Hừng Đông (tác giả Nguyễn Thế Kỷ) – tác phẩm sân khấu tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại để tăng hiệu quả thị giác. Một màn hình LED cỡ lớn được dựng trên sân khấu với những mảng đồ họa thay đổi liên tục, tạo hiệu ứng chuyển động đầy sinh động với những gam màu mà có lẽ trước đây không nhiều sân khấu có được.

Bên cạnh đó, việc tận dụng một màn hình LED để thay đổi bối cảnh cũng giúp giảm thiểu thời gian chuyển cảnh. Nhờ vậy, cảm xúc của khán giả được liền mạch, xây dựng và đong đầy một cách dễ dàng. Bên cạnh đó, âm nhạc của vở cải lương có sự kết hợp biểu diễn của ban nhạc đường phố với âm thanh điện tử hiện đại, phù hợp với giới trẻ nhưng lại rất phù hợp với các cảnh tượng trong quá khứ.

Khán giả cũng từng rất ấn tượng với vở cải lương Vua Phật (tác giả Bùi Hữu Dược, chuyển thể cải lương NGƯT Triệu Quang Vinh, đạo diễn - NSƯT Triệu Trung Kiên). Tác phẩm sân khấu này đã khắc họa hành trình của Trần Nhân Tông từ khi ngài là thái tử, đến lúc lên ngôi vua, đánh quân xâm lược giữ nước, sau đó ngài lên ngôi thái thượng hoàng, một thời gian thì quyết định xuất gia, tìm con đường giúp dân giúp nước qua tu đạo.

Góp phần làm Vua Phật tạo tiếng vang chính là việc đạo diễn Triệu Trung Kiên khéo léo sử dụng ngôn ngữ điện ảnh vào vở diễn với hai màn hình LED lớn thay cho phông nền. Những thước phim đẹp, chất lượng nghệ thuật cao về cảnh hoàng cung, núi thiêng Yên Tử, bến thủy, chợ quê… được lồng vào tạo chiều sâu và cảm giác thật cho người xem.

Ngoài ra, tại Việt Nam có hai vở diễn thực cảnh nổi tiếng, xác lập nhiều kỷ lục và đang là sản phẩm nghệ thuật kích cầu du lịch, đó là Ký ức Hội An và Tinh hoa Bắc Bộ. Thành công của Ký ức Hội An đến từ nhiều yếu tố, ngoài sự đóng góp của những chuyên gia về lịch sử, kiến trúc, văn hóa cũng như hàng nghìn nghệ sĩ biểu diễn là hệ thống âm thanh, ánh sáng tối tân, hiện đại nhất hiện nay. Việc tạo ra các hiệu ứng sân khấu ngoạn mục bằng công nghệ ánh sáng đã giúp Ký ức Hội An đẩy mọi giác quan của khán giả lên đỉnh điểm với những màn cao trào đầy cảm xúc.

Trong khi đó, chương trình thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ với một sân khấu trên mặt nước rộng 4.300m2 và được trang bị hơn 600 thiết bị âm thanh và chiếu sáng, hệ thống đạo cụ hỗ trợ quy mô lớn, dàn âm thanh ánh sáng tiên tiến nhất hiện nay. Nhờ vào sự kết hợp công nghệ tiên tiến cùng với hàng trăm diễn viên biểu diễn, Tinh hoa Bắc Bộ mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt và đáng nhớ về văn hóa Việt Nam.

Gần đây, chương trình xiếc Phù thủy đại chiến của Liên đoàn Xiếc Việt Nam thực hiện cũng làm người xem ấn tượng. Đây là lần đầu tiên khán giả ở nước ta được chứng kiến nghệ thuật xiếc kết hợp với nghệ thuật sân khấu hiện đại. Thay vì chỉ có sân khấu tròn của rạp xiếc như cách làm truyền thống, ê-kíp chương trình đã dàn dựng sử dụng sân khấu nổi 4D, kết hợp sử dụng 3 loại sân khấu khác nhau nhằm tạo không gian mới lạ và đa dạng trò diễn. Đây cũng là lần đầu tiên trên sân khấu Việt Nam có cảnh diễn kết hợp tương tác của diễn viên đu dây trong bể kính nước.

Hoặc chương trình Đại lộ di sản tại chùa Tam Chúc (Hà Nam), sân khấu chương trình được sử dụng bằng công nghệ hình ảnh như đoàn rước từ từ đi lên từ mặt nước, không gian chùa Tam Chúc lung linh với hình ảnh ánh sáng chiếu rọi vào 6 quả núi và hơn hai vạn bông hoa đăng. Chương trình Thanh âm từ thiên nhiên tại Hà Nội, nhà sản xuất sử dụng công nghệ màn Gauze, Hologram 3D đẹp mắt mở ra không gian bay bổng mới lạ, giúp cho phần trình diễn của các ca sĩ cùng những màn múa đương đại nổi bật và truyền cảm xúc tới khán giả. Ngoài ra, sự xuất hiện của những thiết bị nghe nhìn hiện đại cũng được đưa vào những vở diễn như Tứ Phủ, Ionah, Mai Hắc Đế…

NSND Trần Quốc Chiêm cho rằng, việc áp dụng công nghệ kỹ thuật số vào sáng tạo sân khấu để nâng cao hiệu quả nghệ thuật là yêu cầu bắt buộc. Các trang thiết bị hiện đại cho sân khấu như dựng cảnh, thiết kế sân khấu điện tử, hiệu ứng ánh sáng, âm nhạc, tiếng động… nếu được đầu tư có chiều sâu sẽ giúp nghệ thuật sân khấu phát triển, khán giả thưởng thức nghệ thuật cũng không cảm thấy nhàm chán.

Hoàng Anh

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/san-khau-viet-chuyen-minh-voi-cong-nghe-ky-thuat-92564.html