San lấp vùng đệm vịnh Hạ Long xây khu đô thị: Nỗi lo biến dạng di sản

Việc san lấp vùng đệm vịnh Hạ Long làm khu đô thị đang được dư luận quan tâm không chỉ căn cứ pháp lý của dự án mà quan ngại hơn là nỗi lo biến dạng di sản.

Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch làm rõ một số nội dung liên quan đến vụ việc san lấp vùng đệm vịnh Hạ Long làm khu đô thị (Khu đô thị tại khu 10B, phường Quang Hanh, TP. Cẩm Phả).

Theo đó, Bộ này đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường làm rõ: Bản đồ vịnh Hạ Long tỉ lệ 1/50.000, số đăng ký KHXB:6-472/CXB-QLXB ngày 18-6-1998 được đăng tải trên trang điện tử của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) có đủ cơ sở pháp lý theo quy định pháp luật Việt Nam không? Nếu có đủ cơ sở pháp lý thì thông tin thể hiện trên bản đồ có đủ cơ sở để xác định phạm vi, diện tích khu bảo vệ I và II của Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.

San lấp vùng đệm vịnh Hạ Long xây khu đô thị: Nỗi lo biến dạng di sản. Ảnh minh họa

San lấp vùng đệm vịnh Hạ Long xây khu đô thị: Nỗi lo biến dạng di sản. Ảnh minh họa

Với Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch, Bộ Xây dựng đề nghị làm rõ: Ranh giới vùng đệm I và II của Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long đã được cơ quan có thẩm quyền Việt Nam và UNESCO chấp thuận ở thời điểm nào? Nếu đã được xác nhận, chấp thuận thì theo hồ sơ, tài liệu và quy định nào của pháp luật ?

Cùng với đó, Bộ Xây dựng đề nghị 2 Bộ này làm rõ tính pháp lý của dự án. Cụ thể là làm rõ thẩm quyền việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường thuộc cấp nào? Đồng thời, nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án tại quyết định của UBND tỉnh Quảng Ninh đã phù hợp với quy định pháp luật chưa?

Việc san lấp vùng đệm vịnh Hạ Long xây dựng khu đô thị trở lên “nổi tiếng” khi tháng 11/2023, Đoàn liên ngành tỉnh Quảng Ninh tiến hành kiểm tra việc thực hiện thi công dự án và xác định chủ đầu tư dự án khu đô thị tại khu 10B chưa thực hiện đúng những nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, chưa xuất trình được hồ sơ mặt bằng thi công và biện pháp thi công, chưa báo cáo UBND TP. Cẩm Phả xem xét…

Sự việc đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chỉ đạo làm rõ cho thấy tính nghiêm trọng của vấn đề.

Đúng - sai trong các thủ tục hay căn cứ pháp lý của cơ quan chức năng, nhà thầu, đơn vị thi công, chúng tôi không bàn thảo. Điều khiến người viết lo lắng là sự biến dạng rồi dần mất đi nét nguyên bản của vịnh Hạ Long- di sản đã tồn tại hàng triệu năm, 2 lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới.

Điều này không phải không có căn cứ, thậm chí đã có những bài học nhãn tiền về việc can thiệp thô bạo hay tốc độ đô thị hóa quá nhanh tại những điểm du lịch làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên vốn có.

Đầu tiên có thể kể tới Khu du lịch Sapa, tỉnh Lào Cai. Lần đầu tiên đặt chân tới Sapa năm 2005 , ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là khung cảnh bình dị, nguyên sơ, người dân bản địa thân thiện, có phần nhút nhát. Kết hợp với thời tiết và địa hình độc đáo, Sapa thành công lưu giữ hình ảnh đẹp và gieo vào lòng du khách mong muốn quay trở lại.

Nhưng, Sapa ngày nay như một đô thị thu nhỏ, dịch vụ mọc lên như nấm với muôn hình vạn trạng, thị trấn Sapa nhỏ bé bị ngộp thở trước bê tông cốt thép, trước “người xe như nước” và thương mại văn hóa một cách phản cảm. “15 năm quay trở lại Sapa, tôi thực sự buồn, cảm thấy đổ vỡ, Sapa hiện giờ không còn là cô sơn nữ giản dị e ấp mà trở thành cô gái thị thành sành điệu”, chị Hải Yến- một du khách từ tận Đăk Lăk xa xôi chia sẻ.

Hay như với Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc - một Tam Đảo với thời tiết mát mẻ, bình yên, giản dị giúp du khách có khoảng thời gian sống chậm lại sau bao lo toan cuộc sống đã lùi xa vào lý ức của người dân mà thay vào đó là sồn ào, náo nhiệt.

Vịnh Hạ Long liệu có như thế? Liệu rằng với sự can thiệp từng bước của con người, vịnh Hạ Long còn giữ được nét nguyên sơ, còn gieo thương nhớ vào lòng du khách?

Du lịch vốn được mệnh danh là ngành công nghiệp “xanh” khi không tạo ra khí thải như sản xuất thuần túy, thậm chí còn là ngành mang lại lợi nhuận cao và giá trị xã hội to lớn. Tuy nhiên, phát triển du lịch như thế nào, tận dụng các điểm du lịch ra sao để vừa đem lại giá trị kinh tế vừa giữ được nét nguyên bản truyền lại cho thế hệ mai sau là bài toán khó. Làm được điều này không chỉ cần một tầm nhìn xa, rộng mà còn cần một tấm lòng chân thật, không vụ lợi.

Hải Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/san-lap-vung-dem-vinh-ha-long-xay-khu-do-thi-noi-lo-bien-dang-di-san-290858.html