Sản phẩm OCOP bứt phá nhờ nền tảng thương mại số

Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp, Bộ NN&PTNT phối hợp với Ban Thanh niên nông thôn (Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) và TikTok Việt Nam thực hiện chương trình 'Chuyến xe OCOP' từ tháng 4/2023 . Đến nay đã thu hút hơn 300 triệu lượt xem và mang về doanh thu hơn 100 tỷ đồng cho ngành hàng OCOP.

Các hoạt động livetream bán hàng OCOP ngày càng thu hút người tiêu dùng – Ảnh:VGP/Đỗ Hương

Các hoạt động livetream bán hàng OCOP ngày càng thu hút người tiêu dùng – Ảnh:VGP/Đỗ Hương

Theo đó, Chương trình “chuyến xe OCOP” đã trải dài xuyên suốt 14 tỉnh thành từ Bắc Cạn, Sơn La, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Cần Giờ (TPHCM) đồng thời sẽ tiếp tục mở rộng, nâng tầm hơn nữa quy mô chương trình trong giai đoạn tới.

Bằng nỗ lực hợp tác chặt chẽ cùng sự hưởng ứng rộng rãi từ cộng đồng nhà sáng tạo và nhà bán hàng, người dùng và các chủ thể doanh nghiệp, chương trình đã tạo ra giá trị gia tăng cho các sản phẩm OCOP, góp phần mang lại những tác động tích cực đối với kinh tế địa phương và ngành nông nghiệp. Thành công này đến từ nỗ lực chung tay của Chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức xã hội hướng đến xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 800 phiên live gắn logo “Chợ phiên OCOP” được thực hiện xuyên suốt 6 tháng qua, thu hút hơn 300 triệu lượt xem và mang về doanh thu hơn 100 tỷ đồng cho ngành hàng OCOP. Với quy mô được đầu tư lớn cùng tần suất diễn ra đều đặn theo tuần, Chương trình đã kết nối với hơn 500 nhà sáng tạo và nhà bán hàng uy tín để đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với cộng đồng, đẩy mạnh kết nối giao thương sản phẩm, từ đó góp phần lan tỏa rộng rãi giá trị văn hóa vùng miền.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, Bộ NNN&PTNT cho biết: “Chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh đã được Đảng, Chính phủ, xác định là giải pháp, là xu hướng tất yếu để các đơn vị sản xuất kinh doanh nâng cao năng lực, lợi thế cạnh tranh, tồn tại và phát triển. Việc hợp tác với nền tảng mạng xã hội đóng vai trò quan trọng giúp giải bài toán lâu dài cho lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ nông sản. Hợp tác góp phần củng cố và hiện thực hóa mục tiêu và định hướng của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, góp phần gia tăng giá trị của nông sản của các địa phương, thiết thực tái cơ cấu ngành nông nghiệp.”.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM chia sẻ: “Là trung tâm kinh tế mũi nhọn của cả nước, TPHCM tập trung đa dạng các đơn vị kinh doanh và hàng hóa từ khắp cả nước, bao gồm các sản phẩm nông nghiệp. Chúng tôi đặc biệt đánh giá cao nỗ lực của các bên trong việc hợp tác, thúc đẩy đào tạo nâng cao năng lực và chuyển đổi kỹ thuật số tư duy cho các chủ thể bán hàng nông sản.

Thông qua chương trình, hàng trăm chủ thể OCOP và nhà bán nông nghiệp có cơ hội tiếp cận công nghệ và quảng bá nông sản trên nền tảng số. TPHCM sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ chuyển đổi số, xúc tiến thương mại số cho các sản phẩm OCOP nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung”.

Nguồn:https://baochinhphu.vn/san-pham-ocop-but-pha-nho-nen-tang-thuong-mai-so-102231022080039182.htm

Theo baochinhphu.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/kinh-te/618925-san-pham-ocop-but-pha-nho-nen-tang-thuong-mai-so.html