Sản phẩm OCOP Mật ong hoa nhãn: Góp thêm 'vị ngọt' cho cuộc sống

Xã Nhị Quý, TX. Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, từng được mệnh danh 'Vương quốc nhãn' với giống nhãn địa phương mà người dân thường gọi là 'nhãn da bò' hay 'nhãn giồng Nhị Quý'. Về sau có thêm một số giống nhãn khác như: Nhãn tiêu quế, nhãn xuồng cơm vàng… Nhờ vào huê lợi hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ vườn nhãn mà nhiều nông dân địa phương đã trở nên khá giả.

Đó là câu chuyện làm ăn của nông dân Nhị Quý vào những năm 90 của thế kỷ trước. Còn hiện nay, trải qua những thăng trầm với nhiều giống nhãn, cây nhãn đã không còn mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân. Cùng với đó là quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng nên diện tích đất trồng nhãn ở xã Nhị Quý vì thế cũng dần bị thu hẹp.

Tuy nhiên, dựa vào lợi thế tận dụng diện tích đất trồng nhãn hiện có ở địa phương, anh Trần Văn Vọng, Chủ Cơ sở Trại Ong Xanh (ấp Quý Chánh, xã Nhị Quý) đã phát triển nghề nuôi ong lấy mật trong nhiều năm qua. Và gần đây, sản phẩm Mật ong hoa nhãn của anh Vọng đã được công nhận sản phẩm OCOP xếp hạng 3 sao thứ 10 của TX. Cai Lậy.

Mùa nhãn ra hoa ở xã Nhị Quý.

Mùa nhãn ra hoa ở xã Nhị Quý.

Kể cho chúng tôi nghe về nghề nuôi ong lấy mật từ hoa nhãn, anh Vọng cho biết: "Tôi đã bắt đầu làm nghề này từ năm 20 tuổi. Sau khi tốt nghiệp THPT thì tôi lên TP. Hồ Chí Minh làm việc được 2 năm, rồi trở về quê phụ việc nuôi ong lấy mật của gia đình người cô ruột. 5 năm sau, với kinh nghiệm tích lũy được, tôi bắt đầu gầy dựng nghề nuôi ong lấy mật cho riêng mình vào năm 2012 với 50 thùng ong".

Theo anh Vọng, nghề nuôi ong không khó. nhưng để nuôi ong lấy mật thành công đòi hỏi người nuôi phải am hiểu về vòng đời, sự sinh trưởng và đặc tính của loài ong để tạo được đàn ong khỏe lấy được nhiều mật trong thời gian ngắn. Hơn nữa, người nuôi ong phải biết cách di chuyển các thùng ong đến những nơi có nguồn mật hoa dồi dào. Ngoài ra, nghề nuôi ong lấy mật còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết. Vào mùa nắng thì thời gian thu mật ong được rút ngắn hơn. Còn ngược lại, thời tiết mưa nhiều thì thời gian thu mật lâu hơn, mật ong bị lỏng và nhạt.

Cầu ong đến ngày thu hoạch mật.

Cầu ong đến ngày thu hoạch mật.

“Từ 50 thùng ong gầy dựng ban đầu, đến năm 2017, tôi đã mở rộng quy mô nuôi ong lấy mật với 500 thùng ong. Trong mỗi thùng ong, bố trí từ 7 đến 8 cầu ong. Bản thân không có đất vườn và do đặc thù của nghề nuôi ong lấy mật nên tôi phải tìm đến nhiều vườn trồng nhãn của bà con trong xã Nhị Quý để đặt nhờ các thùng ong. Sau này, khi mở rộng quy mô nuôi ong lấy mật, thì tôi thuê đặt thùng ong trong các vườn trồng nhãn của bà con. Nghề nuôi ong lấy mật nhọc nhằn ở chỗ là thức ăn của ong chủ yếu là phấn hoa thiên nhiên nên khi mùa hoa nhãn ở xã Nhị Quý kết thúc thì tôi phải đưa đàn ong đến những nơi khác để tìm nguồn phấn hoa” - anh Vọng chia sẻ thêm về quá trình khởi nghiệp của mình.

Anh Vọng bên các cầu ong đến ngày thu hoạch mật.

Anh Vọng bên các cầu ong đến ngày thu hoạch mật.

Nếu tính ra nghề nuôi ong lấy mật đã gắn bó với anh Vọng hơn 15 năm. Nhờ nắm bắt được quy trình nuôi ong lấy mật nên sản phẩm mật ong hoa nhãn có lượng nước trong mật ong thấp, mật có màu vàng nhạt, sóng sánh và có hương thơm của phấn hoa tự nhiên. Chính vì thế, mật ong hoa nhãn của anh Vọng được các công ty chế biến mật ong ưa chuộng. Hằng năm, sau khi trừ các khoản chi phí, anh Vọng có thu nhập từ 100 đến 300 triệu đồng từ nghề nuôi ong lấy mật.

Qua thời gian gắn bó với nghề nuôi ong lấy mật và mong muốn phát triển sản phẩm mật ong đặc trưng của quê hương lên một tầm cao mới, không chỉ đơn thuần thu hoạch mật ong rồi bán cho các công ty chế biến mật ong. Gần 2 năm nay, anh Vọng đã liên kết với một cơ sở sản xuất ở tỉnh Long An thực hiện khâu hạ thủy phần mật ong để đảm bảo độ đặc của mật ong trên 80%, hàm lượng đường glucose từ 40% - 45% đủ tiêu chuẩn xuất khẩu; sau đó đóng chai thành phẩm với thương hiệu Mật ong hoa nhãn. Niềm vui của anh Vọng được nhân lên khi vào tháng 8-2024 vừa qua, UBND TX. Cai Lậy đã công nhận sản phẩm Mật ong hoa nhãn là sản phẩm OCOP được xếp hạng 3 sao.

Anh Trần Văn Vọng, chủ Cơ sở Trại Ong Xanh với sản phẩm Mật ong hoa nhãn được công nhận sản phẩm OCOP xếp hạng 3 sao.

Anh Trần Văn Vọng, chủ Cơ sở Trại Ong Xanh với sản phẩm Mật ong hoa nhãn được công nhận sản phẩm OCOP xếp hạng 3 sao.

Chia sẻ về kế hoạch phát triển sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới, anh Vọng cho biết: "Hiện tại, Cơ sở Trại Ong Xanh luôn đảm bảo số lượng Mật ong hoa nhãn đạt tiêu chuẩn chất lượng. Điều làm cho tôi trăn trở nhất là đầu ra của sản phẩm sau khi được công nhận sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, để góp phần làm phong phú, đa dạng các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Tiền Giang nói chung và TX. Cai Lậy nói riêng, thì các cấp, các ngành cần có chính sách hỗ trợ cho chủ thể sản phẩm OCOP gặp khó khăn trong vấn đề chế biến để tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng. Điều này có nghĩa là làm sao chế biến những sản phẩm đơn thuần thành sản phẩm giá trị gia tăng có thể bảo quản được lâu, tiện dụng và đưa được vào bày bán ở các siêu thị, thậm chí có thể xuất khẩu ra nước ngoài mang thương hiệu sản phẩm OCOP".

Phó Chủ tịch UBND xã Nhị Quý Nguyễn Thanh Tuấn cho biết, từ khi Nhị Quý được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), rồi NTM nâng cao, địa phương luôn quan tâm hỗ trợ các chủ thể phát triển sản phẩm OCOP. Trong thời gian qua, UBND xã hướng dẫn hộ kinh doanh Cơ sở Trại Ong Xanh lập hồ sơ, thủ tục đăng ký để được công nhận sản phẩm Mật ong hoa nhãn trở thành sản phẩm OCOP. Sau đó tiếp tục hỗ trợ giới thiệu, quảng bá sản phẩm trên các trang thông tin điện tử.

Bên cạnh đó, các hội - đoàn thể của xã giới thiệu, bán sản phẩm cho người tiêu dùng. Cụ thể, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã giới thiệu, bán sản phẩm OCOP Mật ong hoa nhãn trong các đợt tổ chức “Phiên chợ quê” tại xã; hay giới thiệu, bán sản phẩm trong Ngày hội Phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp của TX. Cai Lậy và tỉnh Tiền Giang. Sắp tới, địa phương sẽ phát triển thêm một số sản phẩm OCOP khác như: Nhãn xuồng cơm vàng đất cát giồng, rượu Thiên Quý Tửu…

Bằng sự gắn bó và tâm huyết với nghề nuôi ong lấy mật, giờ đây ngoài việc gầy dựng cho mình có được cơ ngơi vững chắc với nguồn thu nhập ổn định, anh Trần Văn Vọng còn góp thêm và làm đa dạng các sản phẩm OCOP của TX. Cai Lậy. Đây là cách để người đàn ông ngót nghét gần 40 tuổi đời như anh Vọng vừa phát triển đặc sản quê mình bằng một “hương vị” khác, vừa góp thêm “vị ngọt” cho cuộc sống.

ĐỨC TÂM - HÀ NAM

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202409/san-pham-ocop-mat-ong-hoa-nhan-gop-them-vi-ngot-cho-cuoc-song-1022448/