Sản phẩm OCOP thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn ở Hậu Giang

Tỉnh Hậu Giang đã tập trung phát triển các sản phẩm OCOP gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Từ đó đã tạo ra được những sản phẩm chất lượng, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp của địa phương và đời sống cho người dân nông thôn.

Gắn bó với nghề làm bánh kẹo gần 25 năm, mỗi tháng cơ sở Tân Bạch Nguyệt của chị Từ Thị Nguyên Mai, ở ấp Trường Khánh 1, xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp cung ứng cho thị trường vùng ĐBSCL từ 10-15 ngàn cái bánh pía và nhiều loại kẹo. Với mong muốn đưa sản phẩm của gia đình đi xa hơn, năm ngoái chị Mai đã quyết định tham gia chương trình OCOP cho sản phẩm bánh pía của gia đình. Theo chị Mai, từ khi được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao, sản phẩm bánh pía của gia đình được người tiêu dùng đón nhận tích cực hơn, sản lượng tiêu thụ tăng hơn nhiều so với trước đây.

Các sản phẩm OCOP góp phần để huyện Phụng Hiệp khai thác tối đa nguồn nguyên liệu nông sản, thủy sản tại địa phương

Các sản phẩm OCOP góp phần để huyện Phụng Hiệp khai thác tối đa nguồn nguyên liệu nông sản, thủy sản tại địa phương

Theo chị Mai: “Tôi tham gia Chương trình OCOP giúp thương hiệu của mình đi xa hơn. Sản phẩm OCOP được người ta biết đến nhiều. Đi vào siêu thị, đi nước ngoài sản phẩm của tôi cũng có tiếng lên và người ta tin tưởng mặt hàng mình hơn".

Bên cạnh phát triển mới sản phẩm, thời gian qua huyện Phụng Hiệp còn phối hợp với các sở, ngành tỉnh hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện các sản phẩm theo hướng nâng cao chất lượng và hoàn thiện bao bì mẫu mã, quy trình sản xuất, hoàn thiện sản phẩm và công tác xúc tiến thương mại phát triển thị trường, quảng bá sản phẩm, ứng dụng các sàn thương mại điện tử như: Voso, Postmart, Shopee, Lazada... để giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm và thực hiện bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm, hồ sơ công bố chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Đến nay, nhiều sản phẩm đặc biệt là sản phẩm OCOP của huyện Phụng Hiệp được doanh nghiệp và siêu thị lớn chủ động đặt hàng và phân phối sản phẩm. Từ đó, các chuỗi giá trị OCOP được hình thành và hoạt động hiệu quả, khai thác tối đa nguyên liệu nông sản, thủy sản tại địa phương.

Bà Võ Thị Phương Trang - Chủ cơ sở sản xuất rượu thủ công truyền thống Út Tây, ở ấp Tân Long A, xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, hiện có 4 sản phẩm đạt OCOP 4 sao cấp tỉnh, đồng thời cũng đạt sản phẩm OCOP tiêu biểu vùng ĐBSCL, bày tỏ: “Nguồn nguyên liệu để làm ra sản phẩm rượu Út Tây thì làm từ gạo, tấm gạo cho nên Út Tây cũng góp phần nâng tầm giá trị của hạt gạo và đồng thời cũng góp phần tạo chuỗi sản xuất tuần hoàn, hướng tới kinh tế xanh. Hy vọng rằng nông sản Hậu Giang sẽ có một bước phát triển mới, nâng tầm giá trị của tất cả các mặt hàng nông sản".

Lãnh đạo HTX Kỳ Như ở huyện Phụng Hiệp (có nhiều sản phẩm chế biến từ cá thát lát đạt chuẩn OCOP) giới thiệu, quảng bá các sản phẩm

Lãnh đạo HTX Kỳ Như ở huyện Phụng Hiệp (có nhiều sản phẩm chế biến từ cá thát lát đạt chuẩn OCOP) giới thiệu, quảng bá các sản phẩm

Với lợi thế về thổ nhưỡng và sự đa dạng về sản phẩm nông nghiệp, cùng với trợ lực từ các chương trình dự án, đến nay huyện Phụng Hiệp đã có 42 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, chiếm 15% tổng sản phẩm OCOP của tỉnh Hậu Giang. Các sản phẩm OCOP của huyện thuộc 16 chủ thể ở 15 xã, thị trấn trong huyện. Các sản phẩm sau khi được cấp chứng nhận OCOP đều được đưa đi xúc tiến thương mại nên sản lượng bán ra tăng 50%-60% trước khi được công nhận. Tổng doanh thu từ các sản phẩm OCOP của huyện năm qua đạt gần 100 tỷ đồng.

Trong năm nay, huyện Phụng Hiệp đề ra mục tiêu xây dựng ít nhất 5-7 sản phẩm OCOP đạt 3-4 sao cấp huyện, hoàn thiện hồ sơ đăng ký đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh và dự trù 07 sản phẩm vào cuối năm. Các sản phẩm được tập trung xây dựng trong năm nay được chia làm hai nhóm. Nhóm thực phẩm, gồm: Trà mãng cầu Hưng Thịnh, Nước mắm đồng Thiên Lộc, Mắm cá đồng Thiên Lộc, Lạp xưởng Vinh Lộc, Kẹo đậu phộng Tân Bạch Nguyệt. Nhóm sản phẩm dược liệu và sản phẩm từ dược liệu, gồm: Dầu xoa bóp Thảo dược phương thuốc gia truyền Út (Nóng), Dầu xoa bóp Thảo dược phương thuốc gia truyền Út (Lạnh).

Hiện các chủ thể này đã được các ngành chuyên môn của huyện Phụng Hiệp hỗ trợ các thủ tục như: Tư vấn hoàn thiện phiếu đăng ký sản phẩm, phương án, kế hoạch kinh doanh, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm đầu ra và các hóa đơn chứng từ kèm theo; hướng dẫn triển khai và xác nhận bảo vệ môi trường của cơ sở; viết câu chuyện sản phẩm và một số thủ tục khác có liên quan cho đến khi hoàn thành hồ sơ để báo cáo Hội đồng phân hạng cấp huyện, tỉnh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong 1 lần về làm việc tại tỉnh Hậu Giang đã tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP của cơ sở sản xuất rượu thủ công truyền thống Út Tây

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong 1 lần về làm việc tại tỉnh Hậu Giang đã tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP của cơ sở sản xuất rượu thủ công truyền thống Út Tây

Ông Lê Như Lê - Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp cho biết: “Chúng tôi đang vận động và tìm các nguồn để hỗ trợ thêm cho các hợp tác xã, đặc biệt là các Hợp tác xã có sản phẩm OCOP. Chúng tôi sẽ hỗ trợ thêm về vốn, giúp các cơ sở sản xuất, chế biến cải tiến, đưa khoa học công nghệ vào trong sản xuất để tạo các sản phẩm ngày càng tốt hơn. Bên cạnh đó thì chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển thêm một số sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương".

Thực hiện chương trình OCOP, mục tiêu của huyện Phụng Hiệp hướng đến việc phát huy nội lực, tiềm năng, thế mạnh trong nông nghiệp, đưa kinh tế địa phương phát triển bền vững, nâng cao đời sống người dân nông thôn, góp phần vào chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Mỗi sản phẩm OCOP được công nhận cũng là những viên gạch để Phụng Hiệp thực hiện Nghị quyết số 05 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển nông nghiệp bền vững gắn với du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, mở ra cơ hội cho “ngành công nghiệp không khói” ở địa phương này bứt phá.

Tấn Phong/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/san-pham-ocop-thuc-day-phat-trien-kinh-te-nong-thon-o-hau-giang-post1127664.vov