Sẵn sàng cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, hơn 100 chợ truyền thống và ba chợ đầu mối nông sản - thực phẩm chủ lực tại TP Hồ Chí Minh đã tạm ngừng hoạt động. Ngành công thương thành phố đã kích hoạt các kịch bản, phương án bảo đảm việc cung ứng hàng hóa thiết yếu trên địa bàn luôn ổn định… Vì vậy, người dân yên tâm không lo thiếu nguồn hàng, tránh đổ xô mua sắm nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Người tiêu dùng mua sắm hàng hóa tại một siêu thị Satramart. Ảnh: CTV

Người tiêu dùng mua sắm hàng hóa tại một siêu thị Satramart. Ảnh: CTV

Nguồn hàng hóa dồi dào

Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) Nguyễn Anh Ðức cho biết, đơn vị đã tăng trữ lượng hàng hóa thiết yếu từ ba đến năm lần và bảo đảm cung cấp đều đặn với giá cả bình ổn trong ít nhất sáu tháng tới đối với những mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu và các sản phẩm phòng dịch Covid-19. Từ ngày 8/7, toàn bộ hệ thống siêu thị Co.opmart tại TP Hồ Chí Minh sẽ mở cửa phục vụ người dân từ 6 giờ sáng cho đến khi hết khách, có thể kéo dài đến 24 giờ mỗi ngày. Hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra tại TP Hồ Chí Minh cũng giữ ổn định giá 12 nhóm hàng hóa thiết yếu và phối hợp cùng nhà cung cấp để bảo đảm giữ giá những mặt hàng này luôn thấp hơn hoặc bằng giá thị trường. Saigon Co.op tổ chức 25 kho lưu động tại TP Hồ Chí Minh để tăng trữ lượng hàng hóa và tăng tính kịp thời trong việc cung ứng hàng hóa, nâng tần suất cung ứng hàng lên từ hai đến ba lần/ngày, luôn có hàng hóa mới bổ sung. Tình trạng hết hàng trên quầy, kệ trong vài ngày gần đây chỉ mang tính cục bộ do lượng người mua sắm tăng đột biến.

Cùng chung quan điểm, Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) Lâm Quốc Thanh cho biết, hệ thống phân phối của SATRA đã dự trữ lượng hàng hóa đủ cung cấp trong một tháng. Trường hợp cấp bách, trong vòng một tuần, đơn vị có thể huy động thêm 100% lượng hàng dự trữ. Trước sức mua tăng liên tục trong những ngày gần đây, hệ thống bán lẻ của SATRA đã chủ động tăng lượng đơn đặt hàng từ các nhà cung cấp. Các mặt hàng tươi sống như: thịt heo, cá, rau, củ, quả đã được dự trữ từ sớm với số lượng tăng gấp ba lần so với trước đây. Các mặt hàng nhu yếu phẩm và các sản phẩm phòng dịch đã được chuẩn bị đủ với giá bình ổn. Lượng hàng hóa cung cấp của hệ thống bán lẻ SATRA từ chiều 6/7 đến nay đã tăng gấp năm lần. SATRA cũng đang tăng cường số lượng nhân viên đến các cửa hàng, siêu thị để phục vụ người dân tốt hơn.

Các hệ thống bán lẻ khác như MM Mega Market, Aeon Việt Nam, Lotte Mart… trên địa bàn thành phố đều đã làm việc với các nhà cung cấp để gia tăng lượng hàng hóa lên gấp ba đến bảy lần so với ngày thường, nhất là những mặt hàng thực phẩm tươi sống và cam kết giữ giá bán ổn định. Riêng lượng hàng hóa dự trữ lên đến 60 ngày đối với các sản phẩm thiết yếu; một số mặt hàng lên đến 90 ngày. Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố Nguyễn Nguyên Phương khẳng định, lượng hàng hóa thiết yếu cung ứng ra thị trường không thiếu, đang được duy trì ổn định và đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Bên cạnh việc phối hợp với các doanh nghiệp bán lẻ kịp thời tăng lượng hàng, tăng thêm thời gian và đa dạng hình thức bán hàng..., Sở Công thương đang chủ trì, phối hợp các hệ thống phân phối lớn và các doanh nghiệp bình ổn thị trường chủ lực tổ chức các điểm bán hàng hóa hỗ trợ cho những địa bàn có điểm bán lẻ phải tạm ngưng hoạt động. Phối hợp các hiệp hội ngành nghề tổ chức các chương trình phân phối hàng hóa đến tận tay người dân ở các khu vực cách ly, phong tỏa thông qua việc triển khai các chương trình "Siêu thị mini 0 đồng", "Chợ nghĩa tình"... Vì vậy, người dân không nên lo lắng, tụ tập quá đông và đổ xô đi mua sắm gây tắc nghẽn các điểm bán lẻ và gia tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh…

Siêu thị Co.opmart bảo đảm nguồn thực phẩm dồi dào, phong phú cho người tiêu dùng chọn mua.

Siêu thị Co.opmart bảo đảm nguồn thực phẩm dồi dào, phong phú cho người tiêu dùng chọn mua.

Ðiều chỉnh hình thức giao dịch

Sau khi tạm ngừng hoạt động ba chợ đầu mối chủ lực, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh đã đề nghị Sở Công thương 22 tỉnh, thành phố khu vực Ðông và Tây Nam Bộ hỗ trợ thông tin đến các thương nhân trên địa bàn đang kinh doanh hàng hóa tại ba chợ đầu mối (Hóc Môn, Bình Ðiền, Thủ Ðức) tạm ngừng vận chuyển hàng hóa vào chợ; tổ chức giao dịch, đưa hàng trực tiếp đến các chợ truyền thống. Ðề nghị UBND thành phố Thủ Ðức, các quận, huyện, đơn vị quản lý các chợ đầu mối tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đến các thương nhân, nhân dân trên địa bàn chuyển sang các hình thức giao dịch khác như: bán hàng qua điện thoại, trực tuyến, theo đơn đặt hàng và các hình thức phù hợp khác nhằm giảm tiếp xúc trực tiếp, bảo đảm các biện pháp an toàn phòng, chống dịch bệnh. Sở Công thương thành phố đã thống kê và thông báo cụ thể những điểm bán hàng hóa thiết yếu đang hoạt động ở từng quận, huyện và TP Thủ Ðức cho người dân biết rõ để thuận tiện trong việc mua sắm.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Phan Thị Thắng đã chỉ đạo, yêu cầu Sở Công thương xây dựng phương án điều chỉnh phương thức tổ chức kinh doanh, giao dịch hàng hóa nhằm bảo đảm lượng cung ứng lẫn điều kiện an toàn khi thực hiện giãn cách xã hội. Tăng cường theo dõi diễn biến thị trường, nắm bắt tình hình sản xuất, phân phối, lưu thông hàng hóa để chủ động điều phối, không để xảy ra hiện tượng khan hiếm hàng hóa. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai chương trình bình ổn thị trường, hoạt động kết nối cung - cầu, bán lẻ, bảo đảm nguồn cung ứng hàng hóa. Ðồng thời, UBND thành phố yêu cầu UBND thành phố Thủ Ðức và các quận, huyện phải quản lý chặt chẽ, nắm bắt tình hình phòng, chống dịch tại các chợ trên địa bàn, kịp thời báo cáo cho các cấp có thẩm quyền trong trường hợp xảy ra tình huống khẩn cấp liên quan đến công tác phòng, chống dịch tại chợ. Hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị quản lý chợ trên địa bàn xây dựng phương án tổ chức hoạt động chợ phù hợp, bảo đảm an toàn.

Cùng với đó, tổ chức cung ứng thực phẩm cho người dân theo phương án cung ứng của thành phố, bổ sung các điểm bán hàng đồng giá và thực hiện bán hàng đăng ký trước; huy động phương tiện vận chuyển sẵn có để cung ứng hàng hóa thiết yếu kịp thời, liên tục. Tăng cường huy động các nguồn lực tại chỗ, thường xuyên, liên tục phối hợp các đơn vị đầu mối, các hệ thống phân phối chủ lực tổ chức tiếp nhận và phân phối hàng hóa cho người dân trên địa bàn theo phương thức bán hàng đăng ký trước, bán hàng đồng giá…

HOÀNG LIÊM

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/san-sang-cung-ung-du-hang-hoa-thiet-yeu-654297/