Sẵn sàng để Vũng Tàu trở thành Trung tâm Du lịch đẳng cấp quốc tế
Việc quy hoạch lại khu vực Bãi Sau, khu Nam Vũng Tàu, chuẩn bị các tiện ích phục vụ du khách và sẵn sàng đón nhận những dự án du lịch lớn cho thấy lãnh đạo thành phố Vũng Tàu đã chuẩn bị cho kịch bản chuyển Vũng Tàu thành điểm đến của du khách quốc tế theo đúng như yêu cầu của Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị đề ra.
Du lịch chất lượng cao phù hợp với định hướng của tỉnh
Theo Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị đặt ra nhiệm vụ phát triển thành phố Vũng Tàu thành Trung tâm Du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế. Đây cũng là mục tiêu của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong thời gian qua.
Theo định hướng của Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh còn phát triển các đô thị, nhất là đô thị du lịch ven biển theo mô hình đô thị xanh, bền vững, có hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại; tạo môi trường sống an toàn, trong lành, chất lượng vượt trội, đáng sống, hấp dẫn du khách.
Song song đó, phát triển các cơ sở dịch vụ, phục vụ du lịch đồng bộ, hiện đại, đẳng cấp với loại hình du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí trở thành sản phẩm mang tính đặc trưng, phát triển các khu du lịch phức hợp, đẳng cấp quốc tế.
Điều đáng nói trong những năm qua, ngành Du lịch tỉnh nói chung, thành phố Vũng Tàu nói riêng đã khẳng định được thương hiệu thành phố biển không những với các địa phương trong cả nước mà còn các nước trong khu vực.
Theo ông Nguyễn Văn Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã xác định du lịch là một trong 5 trụ cột kinh tế quan trọng.
Với chiến lược và sự quan tâm đầu tư đúng định hướng, trong nhiều năm trở lại đây, Bà Rịa - Vũng Tàu đã có những bước chuyển lớn, ngày càng khẳng định được thương hiệu cũng như chất lượng du lịch, không chỉ thu hút lượng khách trong nước mà còn là điểm đến lý tưởng của nhiều du khách nước ngoài.
Tuy nhiên, để phát triển Vũng Tàu thành trung tâm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế, Bà Rịa – Vũng Tàu còn khá nhiều việc cần làm. Đó là tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối vùng như: Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường Vành đai 4, nâng cấp cảng hàng không Côn Đảo, xây dựng cảng tàu khách quốc tế và hệ thống đường thủy nội địa.
Với các cơ sở lưu trú cũng cần có những tổ hợp du lịch quy mô, các khách sạn mang tầm quốc tế, các điểm vui chơi, giải trí cũng như các sản phẩm đặc trưng của địa phương…
Nhiều mục tiêu cần thiết
Để thực hiện mục tiêu này, ông Trịnh Hàng - Giám đốc Sở du lịch cho biết, thành phố Vũng Tàu cần triển khai thực hiện đồng bộ những giải pháp quan trọng. Thành phố cần ưu tiên bố trí quỹ đất có vị trí thuận lợi để thu hút đầu tư vào các tổ hợp du lịch quy mô lớn, với các thương hiệu du lịch quốc tế cao cấp.
Để du lịch phát triển xứng tầm, thành phố cần thu hút, đầu tư đa dạng hóa sản phẩm du lịch, nhất là các sản phẩm dịch vụ du lịch vui chơi giải trí quy mô lớn, sản phẩm du lịch phục vụ khách du lịch ban đêm và các tour khám phá địa phương để thu hút du khách. Tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch biển và liên quan đến biển, đảm bảo lợi thế cạnh tranh và coi đây là một trong những sản phẩm chủ lực của Vũng Tàu.
Bên cạnh đó, thành phố Vũng Tàu nên tổ chức thực hiện quy hoạch của thành phố gắn với quy hoạch chung của tỉnh và khu vực Đông Nam Bộ. Khẩn trương điều chỉnh và triển khai các phân khu, quy hoạch chi tiết. Đồng thời đầu tư để nâng cao chất lượng các bãi tắm, tiếp tục xây dựng bãi tắm kiểu mẫu và tổ chức nhiều sự kiện du lịch, thể thao gắn với biển, đặc biệt là khu vực Bãi Sau; tổ chức các hoạt động văn hóa mang tính cộng đồng và hoạt động phù hợp khác tại bãi tắm, kêu gọi đầu tư và tổ chức nhiều sự kiện mang tính bền vững, thường niên.
Tập trung vào mục tiêu phát triển nguồn nhân lực du lịch, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường và thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin để Vũng Tàu thật sự trở thành một đô thị du lịch thông minh; duy trì danh hiệu thành phố du lịch Sạch ASEAN, từ đó mang lại niềm tin cho du khách.
Cuối cùng, thành phố nên tăng cường liên kết và quảng bá trong nước và nước ngoài; liên kết phát triển nội vùng, thúc đẩy hợp tác giao lưu để cùng phát triển bền vững. Tăng cường quảng bá và xúc tiến đầu tư để lan tỏa hình ảnh du lịch của Thành phố Vũng Tàu đến bạn bè quốc tế, nhất là trên các nền tảng công nghệ số.
Cần hạ tầng đáp ứng
Thời gian qua, thành phố Vũng Tàu đã quan tâm các công tác chỉnh trang đô thị, quy hoạch các tuyến đường phục vụ nhu cầu dân sinh cũng như làm nền tảng để phát triển du lịch.
Cụ thể, ngày 15/3/2023, thành phố Vũng Tàu đã công bố Quyết định số 2860/QĐ-UBND ngày 15/9/2022 và Quyết định số 288/QĐ-UBND ngày 20/2/2023 của UBND tỉnh về việc phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 khu vực Bãi Sau, khu vực này được coi là “trái tim” của thành phố Biển.
Theo đó, phân khu Bãi Sau được quy hoạch là trung tâm dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng, thương mại; khu dân cư và công trình công cộng khác. Trong đó, phân khu chức năng chính gồm khu dân cư đô thị; khu vực cải tạo chỉnh trang; khu vực xây mới; khu công trình công cộng; khu dịch vụ du lịch kết hợp thương mại dịch vụ, văn phòng, căn hộ du lịch, resort; khu công viên cây xanh... Quy hoạch không gian tầng cao dọc các trục đường Thùy Vân và Lê Hồng Phong; không gian thấp tầng tại các khu vực hiện hữu và khu biệt thự phía Bắc.
Một lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết, hiện thành phố Vũng Tàu có quá ít những khách sạn mang thương hiệu lớn, còn với tổ hợp du lịch thì chưa có. Duy nhất hiện chỉ có 02 dự án của Tập đoàn Năm Sao là Five Star Poseidon và Five Star Odysey. 2 dự án này đều nằm tại khu vực Bãi sau và tương lai sẽ được Tập đoàn Accor quản lý (Accor chuyên quản lý, khai thác khách sạn nổi tiếng trên thế giới).
Dự án Khách sạn – Căn hộ du lịch 5 sao Five Star Odyssey (Thương hiệu Movempic của Tập đoàn Accor) có Tổng diện tích mặt bằng trên 8.000 m2, bao gồm 50 Tầng và 4 tầng hầm; dự án Khách sạn – Căn hộ du lịch 5 sao Five Star Poseidon nằm trên diện tích trên 9.000 m2, gồm 43 Tầng và 3 tầng hầm. Sau khi đưa vào sử dụng, 2 dự án của Tập đoàn 5 sao hứa hẹn sẽ giải “cơn khát” phòng hội nghị cũng như lưu trú hạng sang cho thành phố Vũng Tàu.
Ông Trần Đình Khoa – Bí thư Thành phố Vũng Tàu khẳng định Vũng Tàu đã có thương hiệu du lịch từ thời Pháp, được gọi là Cap Saint-Jacques, sau đó đổi tên thành Ô Cấp và sau năm 1975 được đổi tên thành Vùng Tàu. Vũng Tàu còn có lợi thế khi được kết nối với tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, đường ven biển…
Để chuẩn bị “hành trang” cho thành phố Vũng Tàu thành Trung tâm Du lịch quốc tế, theo ông Khoa, thành phố đã quy hoạch khu vực Bãi sau thành một khu vực chính của thành phố và có đầy đủ tiện ích công cộng nhưng mang đẳng cấp. Ngoài ra, thành phố cũng rà soát và điều chỉnh lại quy hoạch khu vực Nam Vũng Tàu thành vùng lõi để phát triển du lịch.
“Ví dụ khu vực Hòn Bà sau này cũng sẽ được quy hoạch thành khu du lịch có đẳng cấp và dự kiến không có vấn đề gì thì sẽ thiết kế khu vực Bãi trước có một bến tàu khách quốc tế”, Bí thư thành phố Vũng Tàu chia sẻ.
Tuy nhiên, điều Bí thư thành phố Vũng Tàu boăn khoăn là hiện nay thành phố đang thiếu các sản phẩm du lịch cụ thể để giữ chân du khách lâu hơn, cũng như thiếu cơ sở vật chất đẳng cấp, thiếu cả những dịch vụ để du khách trải nghiệm…
Hy vọng thời gian tới, với sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo thành phố cùng hệ thống chính trị vào cuộc sẽ dần biến thành phố biển Vũng Tàu là điểm đến của du khách quốc tế, là Trung tâm Du lịch chất lượng cao theo đúng tinh thần của Nghị quyết 24.