Sẵn sàng đối phó với bão số 6

Theo báo cáo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, dự kiến bão số 6 (Nakri) sẽ đổ bộ vào khu vực từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa đêm ngày 10/11, rạng sáng ngày 11/11/2019. Khi đổ bộ, cường độ bão sẽ vào khoảng cấp 10-11, giật cấp 12-13, kết hợp với nước dâng do bão và thủy triều đang ở mức cao, sóng biển sẽ rất lớn.

Hồi 10 giờ ngày 10/11/2019, vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,6 độ Vĩ Bắc; 111,3 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh từ Bình Định đến Khánh Hòa khoảng 220km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 13. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 150km tính từ tâm bão.

Nhiều tàu thuyền của ngư dân đã vào neo đậu an toàn tại các cảng cá

Nhiều tàu thuyền của ngư dân đã vào neo đậu an toàn tại các cảng cá

Từ chiều ngày 10/11/2019, bão số 6 đã bắt đầu ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa với mưa lớn, gió giật mạnh, sóng biển dâng cao, đánh dữ dội vào các vùng ven biển. Nhằm đối phó với cơn bão được đánh giá là mạnh, trong nhiều năm gần đây các địa phương trong khu vực duyên hải miền Trung đang nỗ lực để đối phó.

Tại Quảng Ngãi, các ban ngành, địa phương và người dân trong tỉnh đã sẵn sàng tổ chức các phương án ứng phó với bão số 6. Hiện, địa phương đã liên lạc được 100% tàu thuyền của tỉnh đang hoạt động trên các vùng biển. Các tàu thuyền của ngư dân cũng đã vào neo trú tại các cảng, nơi trú tránh bão...

Quãng Ngãi cũng đã thành lập 2 Sở Chỉ huy tiền phương tại huyện Lý Sơn và huyện Đức Phổ. Dự kiến, khi có tình huống khẩn cấp sẽ tổ chức di dời hơn 3.600 hộ, hơn 13.600 nhân khẩu tại các khu vực nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp của bão như các huyện Lý Sơn, Đức Phổ và các xã ven biển.

Bên cạnh đó, địa phương cũng đã triển khai phương án di dời hơn hàng nghìn hộ dân nằm trong các khu vực dự kiến chịu ảnh hưởng của mưa lũ, nước ngập sâu và sạt lở đất sau bão.

Các lực lượng vũ trang sẵn sàng lên đường giúp dân.

Các lực lượng vũ trang sẵn sàng lên đường giúp dân.

Tương tự, tỉnh Bình Định, công tác sẵn sàng ứng phó bão số 6 cũng đang được ngành chức năng, chính quyền các địa phương trong tỉnh khẩn trương thực hiện nhằm giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Trong đó, có việc chú trọng công tác đảm bảo an toàn cho ngư dân, tàu cá, lồng, bè nuôi trồng thủy sản trên biển.

Được biết, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã có công điện khẩn gửi các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố khẩn trương thực hiện việc kiểm đếm tàu thuyền, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với các chủ phương tiện để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra… Đến nay, địa phương cũng đã hoàn thành việc kêu gọi các tàu thuyền đang hoạt động trên biển thoát ra khỏi vùng nguy hiểm; sắp xếp các tàu cá, tàu hàng vào nơi neo đậu an toàn tại các cảng cá. Đồng thời, cấp 1.800 phao áo, 1.390 phao tròn, 53.000 bao cát cho UBND các huyện, thị xã, thành phố, Ban quản lý Cảng cá Quy Nhơn để ứng phó bão số 6.

Trong khi đó, tại Phú Yên theo đại diện UBND tỉnh Phú Yên, rút kinh nghiệm từ việc có hơn 50 người ở lại trên các bè nuôi thủy sản tại vịnh Vũng Rô (huyện Đông Hòa) trong cơn bão số 5 vừa qua. Đây là vùng nguy hiểm nhất khu vực phía nam Phú Yên nếu bão đổ bộ vào. UBND huyện Đông Hòa đã thành lập hai đoàn cưỡng chế sơ tán đối với những người còn lại trên các bè nuôi thủy sản. Các lực lượng chức năng đi tàu ra khu vực nuôi thủy sản kiểm tra từng bè, tuyệt đối không để người dân nào ở lại.

Bên cạnh đó, Phú Yên đã chuẩn bị lực lượng hơn 3.000 người cùng hàng chục phương tiện chuyên dụng để sẵn sàng đi làm nhiệm vụ ứng cứu, giúp đỡ người dân trong và sau bão. Sau bão nhiều khả năng sẽ xuất hiện lũ lớn nên rất nguy hiểm.

N.L

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/san-sang-doi-pho-voi-bao-so-6-94506.html