Sẵn sàng hàng hóa phục vụ người dân chống dịch bệnh COVID-19
PTĐT - Dịch bệnh COVID-19 đang ngày càng diễn biến phức tạp nhưng ở thời điểm này, thị trường hóa hóa trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì ổn định, không có hiện tượng tích trữ, găm hàng hay khan hiếm các mặt hàng thiết yếu.
Để đảm bảo nguồn hàng hóa và bình ổn giá, Sở Công Thương đã phối hợp với các huyện, thành, thị hướng dẫn các trung tâm thương mại, siêu thị, hệ thống chợ, nhà hàng, các đơn vị sản xuất kinh doanh xây dựng các phương án vừa dự trữ, vừa đảm bảo hoạt động sản suất, kinh doanh gắn với thực hiện nghiêm các nội dung, biện pháp phòng chống dịch của Trung ương và tỉnh.Theo quan sát của phóng viên, 16 siêu thị và 197 chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh, các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, đồ uống, đồ gia dụng…được bày bán đa dạng, nhiều chủng loại khác nhau, người mua và người bán đều có ý thức đeo khẩu trang, sát khuẩn tay và giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc… Đặc biệt, tại các siêu thị, trung tâm thương mại đã bố trí thêm bộ phận đo thân nhiệt, xịt nước khử khuẩn cho khách hàng trước khi vào mua sắm. Ông Ngô Xuân Hiến - Phó Giám đốc Siêu thị Coopmart Việt Trì cho biết: “Để tránh tình trạng “sốt ảo” hàng hóa, gây bất ổn thị trường, siêu thị đã chủ động xây dựng kế hoạch và phương án dự trữ hàng hóa phân theo từng cấp độ tại các kho hàng. Chúng tôi đã kí cam kết với các nhà cung cấp, đảm bảo đầy đủ hàng hóa cho người dân. Thời điểm này, siêu thị chưa có mặt hàng nào bị thiếu hay có nguy cơ khan hiếm, các mặt dự trữ vẫn đảm bảo vượt kế hoạch từ 20 – 50%, tùy vào từng mặt hàng. Song song với việc chủ động nguồn hàng, trong quá trình làm việc, tất cả các nhân viên đều phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình phòng chống dịch trong tất cả các khâu từ vận chuyển, sơ chế, thu ngân…” Không chỉ tại các siêu thị, trung tâm thương mại, ở các chợ truyền thống hoạt động mua bán cũng tuân thủ các quy định phòng chống dịch. Chị Nguyễn Thúy Ngọc, phường Minh Phương, thành phố Việt Trì cho biết: “Nếu như mùa dịch năm trước, gia đình tôi vội đi mua đồ thiết yếu để tích trữ thì năm nay qua các phương tiện thông tin đại chúng tôi đã rút kinh nghiệm dùng tới đâu, mua tới đó để tránh tình trạng lãng phí do quá hạn sử dụng. Hơn nữa, các cửa hàng tạp hóa, chợ truyền thống quanh khu vực gia đình tôi sinh sống nguồn cung hàng hóa vẫn dồi dào, giá cả không có sự biến động, kể cả các mặt hàng “đắt khách” như: khẩu trang, nước sát khuẩn, một số mặt hàng đồ khô…”. Theo nhận định của một số chủ cửa hàng tạp hóa, người kinh doanh, mặc dù thị trường hàng hóa không có sự biến động về giá cả nhưng lượng người mua sắm trực tiếp, nhất là vào các giờ cao điểm có xu hướng giảm. Nhiều người chuyển qua mua hàng online để hạn chế tiếp xúc, đảm bảo an toàn phòng chống dịch.Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, để đạt được mục tiêu kép vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh vừa đảm bảo hàng hóa cung ứng cho người dân, Sở Công Thương đã khuyến khích các địa phương phát huy tối đa năng lực cung ứng hàng hóa nhất là các mặt hàng nông sản từ các trang trại và hộ dân. Khuyến khích người dân mua hàng trực tuyến, đặt hàng qua điện thoại để các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, thương lái cung cấp tận nơi, hạn chế tiếp xúc đông người. Đồng thời, Sở cũng thường xuyên theo dõi tình hình cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để kịp thời triển khai các giải pháp đảm bảo điều tiết nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu của người dân trong tỉnh. Hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm, khai thác nguồn cung hàng hóa sẵn sàng phục vụ người dân và hỗ trợ kết nối tiêu thụ các mặt hàng dư thừa, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản bị ảnh hưởng do dịch bệnh.Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong tỉnh tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh có các hành vi tích trữ, găm hàng, lợi dụng dịch bệnh để bán sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm ra thị trường.