Sẵn sang trong viên ngọc nghề giáo, người thầy
Những biến đổi to lớn trên hành trình phát triển nền giáo dục nước nhà, những diễn biến đa chiều trong nhiều hoạt động của ngành giáo dục và đào tạo thời gian qua, đã và đang tạo nên những tác động đa dạng đến cái nhìn, sự đánh giá, quan niệm trong xã hội về nghề giáo, người thầy.
Những biến đổi to lớn trên hành trình phát triển nền giáo dục nước nhà, những diễn biến đa chiều trong nhiều hoạt động của ngành giáo dục và đào tạo thời gian qua, đã và đang tạo nên những tác động đa dạng đến cái nhìn, sự đánh giá, quan niệm trong xã hội về nghề giáo, người thầy.
Trong đó, trên nền tảng tiếp tục giữ gìn, phát huy truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc; tôn vinh những giá trị tốt đẹp, tiến bộ, mới mẻ của đội ngũ những người đứng trên bục giảng hôm nay; thì đã có những nhìn nhận thẳng thắn trước các hiện tượng tiêu cực và tồn tại bất cập trong lĩnh vực giáo dục. Thật vậy! Trên tinh thần góp ý, phản biện ngày càng cởi mở, minh bạch, dân chủ hơn, đã có không ít những vụ việc liên quan đến một số thầy giáo, cô giáo, đến các cơ sở đào tạo và một số hoạt động trong lĩnh vực giáo dục bị phát hiện, phê phán, xử lý…
Tuy nhiên, xã hội không thiên vị, không đánh mất niềm tin! Những trường hợp cá biệt không thể làm mờ đi bản chất nghề cao quý. Những cá nhân, thành phần lợi dụng vai trò người thầy hay vị trí, công tác trong ngành giáo dục để trục lợi, thực hiện những hành vi xa rời mục tiêu tốt đẹp của sự nghiệp trồng người, cũng không thể làm cho xã hội nói chung, phụ huynh và học sinh, sinh viên đánh giá thấp vai trò người thầy trong xã hội. Những “con sâu làm rầu nồi canh” ở đâu đó, không thể làm suy giảm vị thế người thầy trong mối quan hệ truyền thụ tri thức và định hướng đường đời của người dạy với sự trau dồi, rèn luyện, hình thành nhân cách đạo đức của người học.
Với đạo lý được vun đắp qua nhiều đời, đã trở nên triết lý sống, nguyên tắc ứng xử, đi vào lời ăn tiếng nói đời thường như “Ăn quả nhớ người trồng cây”, “Muốn con hay chữ thời yêu lấy thầy”, “Tiên học lễ, hậu học văn”, “Không thầy đố mày làm nên”…, người dân Việt Nam vẫn luôn trân trọng các nhà giáo, nghề giáo. Đó thật sự là nghề được tôn vinh cả bằng trí tuệ và tình cảm, được ghi nhận rộng hơn cả hàm lượng tri thức mà người thầy truyền cho học sinh.
Chính bởi, các thầy, cô là nguồn động viên, tiếp sức cho mỗi bước chân đến trường và bước ra khung trời cuộc sống. Rất nhiều những “kỹ sư tâm hồn” ấy, đã truyền cảm hứng cho các em trong việc định hướng nghề nghiệp, chọn đường đi cho tương lai, phấn đấu không ngừng trên hành trình đóng góp cho cuộc đời, sống nhân ái, bao dung, dũng cảm và tin yêu cuộc sống.
Từ sự tiếp sức của các thầy, cô, đất nước đã có nhiều văn nghệ sĩ tài năng, các nhà khoa học nhiều thành tựu, các tướng lĩnh, những người lính kiên cường bảo vệ Tổ quốc… Và chính các nhà giáo cũng là một phần đông đảo trong đội ngũ những con người ưu tú ấy. Ngay trong những đợt bão lũ vừa qua, có những thầy, cô đã viết thư gửi học trò vùng lũ, tích cực đóng góp kinh phí, sách vở, đồng hành cùng xã hội hướng về miền trung thân yêu, thêm khơi gợi trong học trò ý thức về tình dân tộc, nghĩa đồng bào và những hành động đóng góp thiết thực.
ĐẶC biệt, khi càng mạnh mẽ phê phán những tiêu cực làm ảnh hưởng tới môi trường giáo dục, chúng ta lại càng bảo vệ truyền thống tôn sư trọng đạo, cổ vũ tinh thần cống hiến của các nhà giáo hôm qua và hôm nay. Cùng với đó, tích cực đồng hành cùng các nhà giáo chân chính trên hành trình truyền dạy tri thức, hăng hái đổi mới giáo dục vì tương lai của lớp lớp thế hệ măng non, vì lợi ích chung của đất nước.