Sẵn sàng ứng phó hiệu quả với bão lũ

Cán bộ chiến sĩ Đồn BP Xuân Hòa vận động bà con ngư dân rời lồng bè nuôi trồng thủy sản trước khi bão đổ bộ vào đất liền. Ảnh: LẠC VIỆT

Xác định công tác phòng chống thiên tai là nhiệm vụ hàng đầu của lực lượng vũ trang trong thời bình, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra, lực lượng BĐBP luôn chủ động, sẵn sàng ứng phó hiệu quả với bão lũ trong mọi tình huống.

“4 tại chỗ”, “3 sẵn sàng”

Đại tá Nguyễn Thanh Hương, Phó Chỉ huy trưởng - Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cho biết: Ngay khi có bão xuất hiện ở biển Đông, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) BĐBP tỉnh đã họp, tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm các điện chỉ đạo của Bộ Tham mưu BĐBP, Quân khu 5, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh về cơn bão.

Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cũng đã kịp thời điều chỉnh và triển khai kế hoạch PCTT-TKCN, khắc phục hậu quả bão lũ; chỉ đạo các đồn, Hải đội 2, đặc biệt là các đơn vị đóng quân trên địa bàn trọng yếu có nguy cơ dễ bị chia cắt, ngập lụt cao, thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình thời tiết, mưa lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức chằng chống kho tàng, nhà cửa, dự trữ lương thực thực phẩm, thuốc quân y; thực hiện bắn pháo hiệu báo bão theo quy định….

Đồng thời duy trì nghiêm các đài canh PCTT-TKCN trực 24/24; các đơn vị duy trì các kíp trực sẵn sàng chiến đấu, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, cơ sở vật chất theo phương châm “4 tại chỗ”, “3 sẵn sàng” tham gia ứng phó với các tình huống xảy ra.

“Để ứng phó với cơn bão số 10 đang diễn ra, cơ quan Bộ Chỉ huy đã thành lập 2 trung đội, chuẩn bị 2 ca nô, 5 ô tô sẵn sàng cơ động tăng cường cho các địa bàn xung yếu, trọng điểm. Các đơn vị duy trì quân số trực 100% phối hợp với các lực lượng triển khai phòng chống bão hiệu quả; nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, thực hiện nghiêm lệnh cấm biển của UBND tỉnh từ 9 giờ ngày 4/11 cho đến khi bão tan”, đại tá Nguyễn Thanh Hương cho biết thêm.

TP Tuy Hòa là địa phương có số lượng tàu cá đánh bắt xa bờ nhiều nhất tỉnh, với hơn 600 chiếc. Theo trung tá Lê Thế Vinh, Đồn trưởng Đồn BP Tuy Hòa, những ngày vừa qua, đài canh PCTT-TKCN đặt tại Trạm Kiểm soát BP Đà Rằng (Đồn BP Tuy Hòa) luôn hoạt động 24/24, kịp thời thông báo từng bản tin thời tiết cho ngư dân và kêu gọi, hướng dẫn hàng trăm lượt tàu thuyền không đi vào hoặc nhanh chóng thoát ra khỏi vùng nguy hiểm của bão, tìm nơi tránh trú an toàn.

“Từ thực tế những thiệt hại do thiên tai, bão lũ gây ra và nhận thức về trách nhiệm trong tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, Đồn BP Tuy Hòa đã lên kế hoạch chuẩn bị đối phó với bão lũ theo ba giai đoạn trước, trong và sau bão. Chúng tôi thường xuyên rà soát, bổ sung kế hoạch, kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão của đơn vị; tất cả trang bị được cấp phục vụ cho công tác PCTT-TKCN được bảo dưỡng, duy tu, sửa chữa bảo đảm ở chế độ sẵn sàng cơ động làm nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra”, trung tá Lê Thế Vinh cho biết.

Còn đại úy Nguyễn Văn Nam, Hải đội trưởng Hải đội 2 thông tin: “Cùng với tập trung lãnh đạo và thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao, đơn vị đã chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực phục vụ công tác PCTT-TKCN; tổ chức vận hành nhuần nhuyễn phương tiện được trang bị và huấn luyện thuần thục các phương án, tình huống cứu nạn; đưa tàu thuyền, ca nô vào trạng thái sẵn sàng cơ động ứng cứu hỗ trợ nhân dân khi có tình huống theo lệnh của cấp trên. Đơn vị đã tổ chức bắn pháo hiệu báo bão tại trạm hải đăng Đà Rằng theo quy định”.

Hạn chế tối đa thiệt hại

Ứng phó với cơn bão số 9 vừa qua, lực lượng BĐBP cũng đã chủ động triển khai các phương án phòng chống hiệu quả, góp phần hạn chế tối đa thiệt hại do cơn bão này gây ra.

Thiếu tá Nguyễn Thế Hùng, Đồn trưởng Đồn BP Xuân Hòa nhớ lại: Địa bàn do đơn vị quản lý, bão số 9 đã làm hư hỏng hoàn toàn 2 nhà dân; tốc mái hiên 5 nhà, chìm 50 thúng chai, 1 chiếc vỏ lườn và 2 xuồng máy. 52 hộ bị vỡ 17ha đìa nuôi cá mú (85.000 con), 12 hộ bị vỡ 3,5ha đìa nuôi tôm thẻ chân trắng (75.000 con), 21 hộ bị vỡ 6,7ha đìa nuôi tôm sú (90.000 con), ước thiệt hại trên 1 tỉ đồng. Bão số 9 cũng đã làm cho nhiều cây xanh ngã đổ, trụ điện gãy gây mất điện ở một số địa bàn và ách tắc giao thông.

Trạm Kiểm soát BP Đà Rằng thường xuyên duy trì liên lạc với ngư dân, kịp thời thông báo tình hình bão số 10. Ảnh: LẠC VIỆT

“Chúng tôi luôn coi việc cứu người, cứu tài sản của dân là mệnh lệnh từ trái tim người chiến sĩ”, thượng tá Đào Văn Soạn, Chính trị viên Đồn BP Xuân Hòa khẳng định và cho biết: Khu vực bờ biển thôn Hòa An, xã Xuân Cảnh thường xuyên bị triều cường do mưa bão. Trước khi bão số 9 tiến vào đất liền, đơn vị đã điều động lực lượng bộ đội nhanh chóng phối hợp với lực lượng tại chỗ đưa người già, trẻ em ở những nơi trũng sâu đến địa điểm cao; khuân vác tài sản của người dân, chuyển gia súc, gia cầm... đến vị trí an toàn.

Cơ quan Bộ Chỉ huy đã thành lập 2 trung đội, chuẩn bị 2 ca nô, 5 ô tô sẵn sàng cơ động tăng cường cho các địa bàn xung yếu, trọng điểm. Các đơn vị duy trì quân số trực 100% phối hợp với các lực lượng triển khai phòng, chống bão hiệu quả; nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, thực hiện nghiêm lệnh cấm biển của UBND tỉnh từ 9 giờ ngày 4/11 cho đến khi bão tan.

Đại tá Nguyễn Thanh Hương

Phó Chỉ huy trưởng - Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh

Đơn vị cũng đã tổ chức cho cán bộ chiến sĩ đắp hơn 600 bao cát tạo bờ bao, góp phần bảo vệ hàng chục ngôi nhà không bị sóng cuốn trôi. Kịp thời bố trí nơi ăn ở, tránh trú bão cho một số người dân có nhu cầu ngay tại đồn. Ngay sau khi bão số 9 vừa đi qua, chúng tôi đã huy động bộ đội phối hợp với các lực lượng tại chỗ khẩn trương khắc phục hậu quả do bão gây ra, giúp dân sớm ổn định cuộc sống.

“Khu vực cầu Thị Thạc mỗi khi có mưa bão xảy ra, nước từ thượng nguồn đổ về rất dữ, có thể làm đứt dây neo, nhấn chìm các tàu thuyền. Cán bộ chiến sĩ Đồn BP Xuân Đài đã phối hợp với các lực lượng tuyên truyền vận động, khuyến cáo mức độ nguy hiểm nhưng một số ngư dân vẫn chủ quan, cố tình neo đậu phương tiện tại đây rồi bỏ về nhà. Để bảo đảm an toàn tài sản của người dân, địa phương đã cho lai dắt, cẩu từng chiếc đưa đến nơi an toàn”, Chủ tịch UBND TX Sông Cầu Phan Trần Vạn Huy cho biết.

Theo trung tá Bùi Minh Hải, Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, để giúp dân phòng chống, khắc phục hậu quả bão số 9, Bộ Chỉ huy đã cử 247 lượt cán bộ chiến sĩ với 6 ca nô và huy động 1 phương tiện của ngư dân phối hợp với địa phương tuyên truyền, kêu gọi, hướng dẫn chằng chống lồng bè, sắp xếp nơi neo đậu cho 1.587 tàu cá; vận động, kêu gọi, di dời 3.960 lao động trên các bè nổi nuôi trồng thủy sản vào nơi tránh trú an toàn; giúp 15 hộ dân, 2 trường mầm non và 1 khu du lịch chằng chống nhà cửa.

Đồng thời kêu gọi 281 tàu cá với hơn 1.460 lao động đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão số 9 để chủ động phòng tránh và cơ động đến nơi tránh trú an toàn. Ngoài ra, các đồn BP cũng đã phối hợp với các lực lượng địa phương tiến hành kiểm tra, rà soát các khu vực triều cường, sạt lở, tham mưu phương án, tuyên truyền vận động di dời 1.195 hộ với 4.044 người dân nằm trong khu vực có nguy cơ triều cường, sạt lở, nhà tạm di dời đến nơi trú tránh an toàn.

LẠC VIỆT

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/349/248533/san-sang-ung-pho-hieu-qua-voi-bao-lu.html