Sàn Temu: 'Tiền trảm hậu tấu', náo loạn rồi mới đi xin cấp phép
Sàn Temu gần đang làm mưa làm gió khi hoạt động không phép, áp dụng phương thức 'tiền trảm hậu tấu' – làm trước, xin phép sau, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh cho doanh nghiệp trong nước. Trước tình hình này, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan đã nhanh chóng vào cuộc, buộc Temu phải gấp rút xin cấp phép để đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Mô hình giá rẻ bất chấp khiến doanh nghiệp nội địa gặp “áp lực”
Temu - Nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới thuộc sở hữu của PDD Holdings - Công ty mẹ của Pinduoduo, ra mắt lần đầu tại Mỹ vào năm 2022 với mô hình kết nối người tiêu dùng với nhà sản xuất toàn cầu, đặc biệt từ Trung Quốc.
Không giống nhiều sàn khác, Temu chủ yếu hoạt động với mô hình “giá rẻ tận xưởng”, giúp cắt giảm chi phí trung gian và cho phép người dùng tiếp cận sản phẩm với giá rất cạnh tranh. Các mặt hàng bày bán trên Temu được quảng cáo vô cùng đa dạng, từ thời trang, điện tử, đồ gia dụng cho tới phụ kiện, với mức giá rẻ đến khó tin.
Gần đây, Temu đã tiến vào thị trường Việt Nam với phiên bản website tiếng Việt và ứng dụng dễ dàng tải xuống từ các cửa hàng ứng dụng. Người dùng có thể mua sắm và thanh toán qua nhiều hình thức, từ thẻ tín dụng đến Google Pay, Visa, và MasterCard.
Mô hình giá rẻ tận xưởng giúp Temu dễ dàng thu hút khách hàng Việt, đặc biệt là nhóm người tiêu dùng ưa chuộng sản phẩm giá rẻ. Temu cũng triển khai các chính sách giảm giá, khuyến mãi và miễn phí vận chuyển để lôi kéo người dùng, điều này khiến nhiều người tiêu dùng tò mò, không thể bỏ qua.
Tuy nhiên, sự hấp dẫn về giá rẻ cũng đồng hành với những câu hỏi về chất lượng sản phẩm. Đa phần hàng hóa trên Temu là các sản phẩm không rõ nhãn hiệu, xuất xứ, thường mang kiểu dáng của các thương hiệu nổi tiếng nhưng không có thông tin xác thực về nguồn gốc.
Một số người tiêu dùng lo ngại về tính xác thực của các sản phẩm, trong khi đó, nền tảng này cũng bị chỉ trích về các chiêu trò tạo cảm giác “khan hiếm giả” để thúc đẩy người mua đưa ra quyết định nhanh chóng. Những dòng thông báo như “sản phẩm sắp hết” hoặc “có hàng trăm người khác đang xem sản phẩm này” liên tục xuất hiện, gây áp lực mua sắm cho người tiêu dùng.
Sự xuất hiện của Temu tại Việt Nam cũng đang đặt ra thách thức lớn đối với các nền tảng TMĐT và doanh nghiệp trong nước. Các sản phẩm giá rẻ từ Temu tạo áp lực cạnh tranh mạnh mẽ lên các sàn TMĐT nội địa vốn đang cố gắng nâng cao chất lượng và bảo vệ thương hiệu.
Mô hình bán hàng giá thấp và các chiến lược khuyến mãi liên tục của Temu thu hút đông đảo người tiêu dùng và có khả năng ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp trong nước.
Trong một cuộc thảo luận ở Quốc hội, các đại biểu lo ngại rằng làn sóng hàng giá rẻ từ Temu sẽ “triệt tiêu” hàng hóa và doanh nghiệp sản xuất nội địa, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn chưa có khả năng cạnh tranh trực diện với các nền tảng quốc tế.
Bộ Công Thương vào cuộc, Temu vội vàng xin cấp phép
Trước thực trạng Temu cùng nhiều sàn TMĐT xuyên biên giới khác như Shein, 1688 hoạt động tại Việt Nam mà chưa đăng ký với Bộ Công thương, ngày 26/10 vừa qua, Bộ Công Thương đã ban hành Công văn số 8598/BCT-TMĐT nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về TMĐT.
Công văn nêu rõ yêu cầu của Bộ đối với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số trong việc giám sát, kiểm soát và hướng dẫn người tiêu dùng khi mua sắm trên các sàn TMĐT chưa đăng ký.
Bộ Công thương cũng phối hợp cùng Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan để tăng cường giám sát hàng hóa nhập khẩu qua các nền tảng chưa tuân thủ pháp luật Việt Nam. Thêm vào đó, cơ quan này yêu cầu Temu phải tuân thủ các quy định hiện hành, nếu không, giải pháp kỹ thuật chặn có thể được áp dụng nhằm bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam.
Ngoài việc kiểm soát hoạt động của Temu, Bộ Công Thương còn khuyến cáo người tiêu dùng nên thận trọng khi giao dịch trên các sàn chưa đăng ký, nhấn mạnh rằng các nền tảng này phải được xác nhận trên Cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT.
Đặc biệt, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc yêu cầu Tổng cục Thuế kiểm tra việc kê khai và nộp thuế của Temu tại Việt Nam. Nếu nền tảng không nộp thuế, các cơ quan quản lý sẽ tiến hành thanh tra và xử lý theo quy định.
Từ đầu tháng 10, nhất là thời gian gần đây, sau khi bán hàng rầm rộ mà chưa được cấp phép tại Việt Nam, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết, ngày 24/10, Temu đã có văn bản gửi Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương về thực hiện các yêu cầu pháp luật thương mại điện tử Việt Nam.