Sản xuất, buôn bán thuốc điều trị COVID-19 giả bị xử phạt thế nào?

Gần đây, một số cá nhân, tổ chức đã lợi dụng dịch bệnh để kiếm lời bằng cách nhập lậu, sản xuất, buôn bán thuốc điều trị COVID-19 giả? Vậy, hành vi này sẽ bị xử lý thế nào?

Tự mua thuốc điều trị COVID-19: Hãy nhớ thuốc chứ không phải mớ rau, con cá

SKĐS - Việc dùng thuốc chưa bao giờ là đơn giản, dễ dàng và an toàn tuyệt đối. Tin theo những lời đồn về thuốc điều trị COVID-19 có thể không đạt hiệu quả mà còn gặp hậu quả.

Từ nhập lậu… đến sản xuất thuốc điều trị COVID-19 giả

Liên quan đến đường dây sản xuất, buôn bán thuốc điều trị COVID-19 giả, Công an TP. HCM đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện lệnh tạm giam đối với Nguyễn Đức Thuận (SN 1975, trú tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Dương Quốc Chính (SN 1960, trú quận Gò Vấp) và Nguyễn Thị Kim Tuyến (1971, trú quận 11, TP. HCM) để điều tra về hành vi "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh".

Trước đó, ngày 10/8, Cục Quản lý thị trường TP. HCM đã phối hợp với lực lượng Công an TP. HCM phát hiện lô thuốc có hơn 67.200 viên thuốc tân dược có dấu hiệu nhập lậu tại căn nhà nằm trong hẻm đường An Dương Vương, quận Bình Tân. Toàn bộ lô thuốc này có tên là Liên hoa thanh ôn, bao bì toàn chữ Trung Quốc.

Tại thời điểm kiểm tra, chủ lô hàng không xuất trình được hóa đơn chứng từ mua bán lô thuốc trên. Đáng chú ý, theo thông tin đăng trên mạng, người bán quảng cáo thuốc này có thể chữa trị các bệnh như ho, sốt, đau họng…, một số thông tin còn đăng tải thuốc có thể điều trị bệnh COVID-19.

Thuốc điều trị COVID-19 giả bị cơ quan công an phát hiện, thu giữ.

Sản xuất, buôn bán thuốc trị COVID-19 giả là hành vi trái đạo đức

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Tiến Thủy - Văn phòng luật sư Việt Lý, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, cả nước đang căng mình để chống chọi với đại dịch COVID-19 nhưng vẫn có không ít cá nhân, tổ chức lợi dụng dịch bệnh để kiếm lời bằng cách sản xuất, buôn bán hàng giả là điều không thể chấp nhận được.

Đặc biệt, thuốc giả không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của nhà sản xuất và của các hãng dược phẩm chân chính.

Về chế tài xử phạt, tùy theo tính chất, mức độ nghiêm trọng mà hành vi sản suất thuốc trị COVID-19 giả; kém chất lượng có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Với tính chất, quy mô nhỏ, chưa gây hậu quả lớn, các đối tượng vi phạm sẽ phải chịu chế tài hành chính quy định tại Điều 9, Điều 10 Nghị định 98/2020 do Chính Phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Mức phạt quy định đối với hành vi nêu trên là từ 2 triệu đồng cho đến 140 triệu đồng (đối với cá nhân buôn bán hàng giả là thuốc) hoặc từ 10 triệu đồng cho đến 200 triệu đồng (đối với cá nhân sản xuất hàng giả là thuốc).

Với tổ chức vi phạm quy định tương tự thì mức phạt sẽ gấp hai lần mức tiền theo các quy định trên.

Đối với các hành vi nghiêm trọng sẽ bị xử lý hình sự về "Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh" theo quy định tại Điều 194 Bộ luật hình sự năm 2015.

Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; tái phạm nguy hiểm; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức…, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn 200 triệu đồng trở lên; thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng; làm chết người; gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;… thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: thu lợi bất chính 2 tỷ đồng trở lên; làm chết 2 người trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên, với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên;… thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Luật sư Nguyễn Tiến Thủy cho rằng, sản xuất, buôn bán thuốc trị COVID-19 giả không chỉ là một tình tiết tăng nặng theo quy định tại điểm l Khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự năm 2015 mà còn trái với đạo đức con người.

Do vậy, các cơ quan chức năng cần phải xử lý triệt để và có chế tài thật sự nghiêm khắc để trừng phạt thích đáng tạo tính răn đe cho xã hội, không để sự việc tương tự tiếp tục diễn ra.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//san-xuat-buon-ban-thuoc-dieu-tri-covid-19-gia-bi-xu-phat-the-nao-169210827124112717.htm