Sản xuất công nghiệp Hà Nội bước vào 'chặng nước rút'

Sự hồi phục tích cực trong 3 quý đầu năm, cùng với đó là những chỉ số tăng trưởng ổn định đang là điểm tựa để các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội tự tin vào chặng nước rút trong những tháng cuối năm 2024, sẵn sàng bước sang năm 2025.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Đình Thắng cho biết, trong 9 tháng năm 2024, các chỉ tiêu chủ yếu của ngành công nghiệp tiếp tục thể hiện xu hướng hồi phục tích cực, với nhiều điểm sáng, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của Thành phố.

Tăng trưởng vững vàng

Tính chung 9 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2023 (9 tháng năm 2023 tăng 2,5%), trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,8%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp Hà Nội đang tăng trưởng ổn định, sẵn sàng vào chặng nước rút cuối năm.

Chỉ số sản xuất công nghiệp Hà Nội đang tăng trưởng ổn định, sẵn sàng vào chặng nước rút cuối năm.

Chỉ số tiêu thụ sản phẩm toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó một số ngành tăng cao như: Sản phẩm dệt tăng 33,6%; thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 29,4%; máy móc, thiết bị tăng 22,9%...

Nhờ đó, chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính đến thời điểm ngày 30/9 đã giảm 2,3% so với cùng thời điểm năm 2023.

Những chỉ số tăng trưởng ấn tượng trong 3 quý đầu năm là dấu hiệu tích cực để doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô tự tin trong những tháng cuối năm 2024 và sẵn sàng bước sang năm 2025.

Có thể thấy, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn Thủ đô đang có sự hồi phục tích cực. Công tác xúc tiến thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn tiếp tục được đẩy mạnh thời gian qua. Đến đầu năm 2024, Hà Nội có 10 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích sử dụng đất là 1.348 ha, tỷ lệ lấp đầy diện tích đạt hơn 95%.

Nổi bật như Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (HANSSIP), giai đoạn 1 diện tích 76,9 ha đã có 6 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, cơ bản lấp đầy; Khu công viên Công nghệ thông tin Hà Nội (quận Long Biên) diện tích 36 ha đã cơ bản hoàn thiện hạ tầng để thu hút các nhà đầu tư thứ phát; Khu công nghiệp sạch Sóc Sơn, diện tích 302 ha đang trong giai đoạn thực hiện giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án...

Lũy kế đến nay, số dự án thứ phát đang hoạt động tại các khu công nghiệp là 710 dự án, trong đó có 302 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vốn đăng ký gần 6,7 tỷ USD, 408 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký hơn 26.000 tỷ đồng, trong đó có nhiều dự án có vốn đầu tư lớn của các công ty đa quốc gia có công nghệ tiên tiến, công nghệ cao như Canon, Yamaha, Meiko, Terumo, Hoya…

4 không gian trọng điểm

Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Lê Quang Long cho biết, Ban Quản lý đã thường xuyên phối hợp các sở, ngành, Trung tâm xúc tiến Đầu tư, thương mại, du lịch TP xây dựng kế hoạch, đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường các hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp với các hình thức đa dạng, phong phú.

Các khu công nghiệp của Hà Nội đã thu hút gần 165 nghìn người lao động (trong đó lao động nước ngoài là trên 1.100 người), bình quân 1 ha đất đã tạo việc làm cho hơn 160 lao động. Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã đóng góp tích cực vào thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp và phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố…

Sản xuất công nghiệp Hà Nội chủ trương hút dòng vốn vào các ngành công nghệ cao, bán dẫn.

Sản xuất công nghiệp Hà Nội chủ trương hút dòng vốn vào các ngành công nghệ cao, bán dẫn.

Quy hoạch Thủ đô giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đưa ra định hướng quy hoạch phát triển công nghiệp, theo đó Hà Nội đặt mục tiêu trở thành Trung tâm hàng đầu công nghiệp bán dẫn; trung tâm đi đầu công nghệ tin học/AI; phát triển sản phẩm nghề truyền thống; công nghệ hóa, dược, mỹ phẩm; công nghệ cao mới nổi/hydrogen và công nghệ sinh học.

Hà Nội cũng định hướng không gian công nghiệp tập trung vào 4 khu vực, bao gồm: Khu vực đô thị trung tâm, sẽ di dời các cơ sở sản xuất ra ngoài khu đô thị trung tâm. Phát triển các ngành công nghiệp phần mềm, trí tuệ nhân tạo, sản xuất mỹ phẩm, dược liệu và dành không gian cho các hoạt động cộng đồng; Khu vực phía Tây Thủ đô ưu tiên đầu tư công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, hóa dược, mỹ phẩm; công nghệ điện tử, cơ điện tử; chế tạo máy móc, cơ khí chính xác, vật liệu mới, vật liệu kỹ thuật; vật liệu xây dựng, nội thất cao cấp và các ngành công nghiệp hỗ trợ.

Khu vực phía Bắc Thủ đô ưu tiên phát triển công nghiệp điện tử, công nghiệp bán dẫn, cơ khí chế tạo, vật liệu kỹ thuật; hóa dược-mỹ phẩm; chế biến nông sản thực phẩm chất lượng cao và các ngành công nghiệp hỗ trợ;

Khu vực phía Nam Thủ đô khuyến khích phát triển công nghiệp công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp công nghệ cao; chế biến nông sản, thực phẩm chất lượng cao gắn với vùng nguyên liệu; cơ khí chế tạo và công nghiệp đường sắt; công nghiệp hỗ trợ phục vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Thêm động lực phát triển

Với những nền tảng đang có, Hà Nội dự kiến tiếp tục phát triển thêm các khu, cụm công nghiệp mới, tập trung làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh hoàn thiện hệ thống hạ tầng khu công nghiệp theo hướng đồng bộ hiện đại, phù hợp với nhu cầu thực tế để thu hút các doanh nghiệp đầu tư.

Thành phố Hà Nội cũng phấn đấu 100% doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Thành phố. UBND Thành phố đã giao Sở Công Thương chủ trì, đôn đốc các sở, ngành, địa phương triển khai đồng bộ giải pháp trên.

Bên cạnh đó, Thành phố cũng chú trọng triển khai chính sách về lãi suất tín dụng với các lĩnh vực ưu tiên...; tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ các điểm nghẽn, khó khăn vướng mắc, nhất là các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất, môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện…tạo đà phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Cùng với đó, thành phố Hà Nội tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, nâng cao năng lực sản xuất, tăng tỷ lệ nội địa hóa; theo sát diễn biến của kinh tế thế giới, làm tốt thông tin thị trường, nhất là thị trường tiềm năng; hướng dẫn, hỗ trợ các hiệp hội và doanh nghiệp khai thác, phát huy các thị trường truyền thống và khai mở thị trường mới, giàu tiềm năng; đẩy mạnh tuyên truyền về các hiệp định thương mại tự do, giúp doanh nghiệp nắm rõ cơ hội để thúc đẩy đầu tư sản xuất, liên kết chuỗi…

Đặc biệt, để đẩy mạnh công tác phát triển các khu công nghiệp, TP. Hà Nội sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm tạo đột phá trong thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa Thủ đô trên nền tảng năng suất, chất lượng, hiệu quả và bền vững. Xây dựng kế hoạch, lộ trình chuyển đổi và phát triển mô hình khu công nghiệp mới đối với các mô hình phù hợp khu công nghiệp TP Hà Nội như mô hình khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp công nghiệp - đô thị - dịch vụ...

Đông Phong

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//dia-phuong/san-xuat-cong-nghiep-ha-noi-buoc-vao-chang-nuoc-rut-1103005.html