Sản xuất công nghiệp: Những tín hiệu vui đầu năm

Mặc dù còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng do có sự chuẩn bị khá tốt về các kịch bản phòng chống dịch nên tình hình sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục được duy trì ổn định, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh trong tháng 1 tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là một tín hiệu lạc quan để chúng ta tin tưởng vào sự thành công trong năm 2022 đối với ngành sản xuất công nghiệp của tỉnh nhà.

Nhà máy sản xuất lắp ráp thiết bị ô tô Ninh Bình tại KCN Khánh Phú. Ảnh: Tuấn Anh

Nhà máy sản xuất lắp ráp thiết bị ô tô Ninh Bình tại KCN Khánh Phú. Ảnh: Tuấn Anh

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhất là dịp Tết Nguyên đán, một số khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện các ca F0, F1 có nguy cơ lây nhiễm cao nhưng với sự chủ động, tích cực trong công tác phòng, chống dịch các cấp, các ngành trong tỉnh đã kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp. Do vậy, tình hình sản xuất công nghiệp tháng 1/2022 của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục được duy trì ổn định.

Theo báo cáo của Sở Công thương, giá trị sản xuất công nghiệp tháng 01/2022 đạt 7.572,5 tỷ đồng, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2021. Chỉ số phát triển công nghiệp (IIP) tăng 0,91% so với cùng kỳ và giảm 9,2% so với tháng trước. Trong đó: công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,25%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 11,99%; công nghiệp khai khoáng giảm 3,14%; sản xuất, phân phối điện giảm 10,23%; so với cùng kỳ.

Doanh thu của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp tháng 01/2022 đạt 5.803 tỷ đồng, tăng 0,43% so với cùng kỳ. Một số sản phẩm chủ lực có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ như: phân lân nung chảy tăng gấp 5,2 lần; modul camera tăng 98,9%; linh kiện điện tử tăng 44,1%; xe ô tô chở hàng hóa tăng 39,3%; thép cán tăng 36,7%; kính nổi tăng 17,6%...

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại một số sản phẩm có mức sản xuất giảm sút như: tai nghe điện thoại di động giảm 71,5%; xe ô tô từ 5 chỗ trở lên giảm 41,6%; phân đạm giảm 10,1%; ximăng clanke giảm 5,4%;… Một số sản phẩm có lượng tồn kho lớn đến 31/12/2021 như: xe ô tô lắp ráp 1.357 chiếc; phân đạm 13,4 nghìn tấn; kính xây dựng 81,8 nghìn tấn; ximăng 53,5 nghìn tấn; modul camera 11,9 triệu cái…

Với mục tiêu năm 2022 toàn tỉnh phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp đạt 109 nghìn tỷ đồng, tăng 9,1% so với năm 2021. Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, sản xuất công nghiệp của doanh nghiệp trong năm 2022 tiếp tục gặp những khó khăn do dịch COVID-19 còn kéo dài và diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa. Hơn nữa việc thực hiện Nghị quyết số 128-NQ/CP quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" chưa thực sự được thống nhất như mong muốn, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp...

Để phấn đấu đạt mục tiêu sản xuất công nghiệp đã đề ra, đồng chí Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Sở Công thương cho biết sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án công nghiệp quan trọng; hỗ trợ tối đa các nhà máy duy trì và khôi phục sản xuất để giữ đơn hàng, chuỗi cung ứng. Đồng thời, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện các công trình được xác định là mũi nhọn, cần ưu tiên phát triển, như: Các Dự án của Tập đoàn ô tô Thành Công đầu tư trên địa bàn tỉnh; Dự án mua sắm máy móc thiết bị phục vụ sản xuất camera dule của Công ty TNHH MCNEX Vina; dự án mua sắm máy móc phục vụ sản xuất giày của Công ty TNHH sản xuất giày Athena Việt Nam…

Cùng với đó, các cấp chính quyền trong tỉnh sẽ chú trọng đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến trình phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Quản lý chặt chẽ, phát huy hiệu quả các khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 11/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trong đó tập trung hoàn thiện quy hoạch, huy động nguồn lực, sớm xây dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới để tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư.

Trong năm 2022, tập trung hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng mở rộng thêm 30 ha Khu công nghiệp Gián Khẩu để phục vụ thu hút các dự án đầu tư sản xuất, lắp ráp ô tô, điện tử và sản phẩm phụ trợ các ngành sản xuất trên.

Đồng chí Giám đốc Sở Công thương cũng cho biết thêm: Để thực hiện mục tiêu phát triển công nghiệp bền vững và tự chủ, Ninh Bình tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp đối với các sản phẩm công nghiệp được sản xuất ở Việt Nam. Tưng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tăng khả năng cạnh tranh, xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm nhập khẩu để hỗ trợ sản phẩm trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa.

Ngoài ra, trong năm 2022, Sở Công thương cũng đã kiến nghị với Bộ, hoàn thiện chính sách thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương phát triển công nghiệp.

Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp của tỉnh Ninh Bình tăng cường hợp tác quốc tế, xúc tiến thị trường ngoài nước tận dụng tối đa cơ hội từ các quốc gia có Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam để thúc đẩy xuất khẩu các ngành hàng chủ lực, liên kết doanh nghiệp trong nước và các chuỗi sản xuất toàn cầu.

Nguyễn Thơm

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/san-xuat-cong-nghiep-nhung-tin-hieu-vui-dau-nam/d20220213160013527.htm