Sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực: Điểm sáng của kinh tế Thủ đô

Sản xuất công nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2021 tiếp tục đà phục hồi, trở thành điểm sáng của kinh tế Thủ đô. Cụ thể, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2020, đóng góp tích cực vào mức tăng trưởng Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 5,91%. Để duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành Công nghiệp, cùng với nỗ lực phòng, chống dịch Covid-19, Hà Nội sẽ triển khai nhiều giải pháp, như: Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp...

Ngành Công nghiệp Thủ đô trong 6 tháng đầu năm 2021 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực. Trong ảnh: Sản xuất thiết bị điện tại Công ty cổ phần Kỹ thuật công nghiệp Á Châu, Cụm công nghiệp Quất Động (huyện Thường Tín). Ảnh: Quang Thái

Những con số ấn tượng

Trao đổi về kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2021, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 - CTCP Thân Đức Việt cho biết, sản xuất tăng trưởng, người lao động có việc làm ổn định, thu nhập được bảo đảm. Nguyên nhân là do công ty làm tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19; đơn hàng đều đặn hơn so với năm 2020...

Tương tự, theo Giám đốc tài chính Công ty TNHH B.Braun Việt Nam Nguyễn Việt Hùng, các biện pháp phòng dịch đã được công ty kích hoạt ở mức cao nhất để ổn định sản xuất. Do nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế lớn, nên 2 nhà máy của công ty tại Cụm công nghiệp Thanh Oai (huyện Thanh Oai) với 1.500 công nhân đang vận hành hết công suất để đáp ứng các đơn hàng về sản phẩm y tế sử dụng một lần.

Rõ ràng, ngành Công nghiệp đã tiếp tục giữ vai trò quan trọng, thúc đẩy tăng trưởng chung của thành phố. Cục trưởng Cục Thống kê Hà Nội Đậu Ngọc Hùng thông tin, ngành Công nghiệp Thủ đô trong 6 tháng đầu năm 2021 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, các doanh nghiệp nhận được nhiều đơn hàng xuất khẩu. Cùng với đó, thành phố quan tâm, chỉ đạo và điều hành quyết liệt trong phòng, chống dịch bệnh, triển khai các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội đã tạo điều kiện cho sản xuất công nghiệp tăng khá. Cụ thể, IIP quý II-2021 tăng 9,7%, tính chung 6 tháng đầu năm tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2020. “Đây là mức tăng trưởng khá trong bối cảnh dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đóng góp tích cực vào mức tăng trưởng GRDP 5,91% của Hà Nội. Với các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, 6 tháng cuối năm 2021, ngành Công nghiệp có thể tăng xấp xỉ 10%”, ông Đậu Ngọc Hùng cho biết.

Khảo sát của Cục Thống kê Hà Nội với các doanh nghiệp cũng nhận được những đánh giá tích cực. Theo đó, nếu những tháng tiếp theo dịch Covid-19 được khống chế, có 32,8% số doanh nghiệp tham gia khảo sát dự kiến sản xuất, kinh doanh trong quý III-2021 sẽ tốt hơn so với quý II-2021; 40,1% doanh nghiệp cho rằng sản xuất, kinh doanh sẽ ổn định; chỉ có 27,1% doanh nghiệp dự báo tình hình sẽ khó khăn hơn.

Tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho công nhân tại Khu công nghiệp Nội Bài (huyện Sóc Sơn) giúp các doanh nghiệp vừa phòng, chống dịch bệnh vừa duy trì sản xuất. Ảnh: Thùy An

Sâu sát, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Trên thực tế, để có được kết quả tăng trưởng ấn tượng trong sản xuất công nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp đã phải nỗ lực rất lớn. Theo Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 - CTCP Thân Đức Việt, cũng như nhiều doanh nghiệp khác, May 10 có quy mô lao động lớn, chỉ 1 ca nhiễm Covid-19 là toàn bộ dây chuyền, thậm chí cả nhà máy phải đóng cửa. Do đó, các biện pháp phòng dịch được đơn vị triển khai bài bản, chặt chẽ.

Đáng chú ý, các doanh nghiệp đánh giá cao sự quan tâm, sâu sát, động viên kịp thời của thành phố. Cụ thể, ngay khi đợt dịch Covid-19 thứ tư bùng phát, thành phố đã thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Đàm Tiến Thắng cho biết, Sở đã cung cấp miễn phí cho các doanh nghiệp giải pháp khai báo trực tuyến phòng, chống dịch Covid-19, giúp quản lý chặt chẽ công nhân, người lao động, cập nhật thông tin liên quan đến kiểm soát, phòng, chống dịch nhanh chóng, chính xác. Sở cũng đã ban hành hướng dẫn xây dựng phương án phòng, chống dịch Covid-19 tại các cụm, khu công nghiệp, bảo đảm môi trường sản xuất an toàn.

Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao chính sách hỗ trợ của Chính phủ, thành phố Hà Nội được cụ thể hóa qua việc hoãn và giãn đóng thuế, điều chỉnh lãi suất cho vay; tạo thuận lợi cho việc lưu thông, tiêu thụ hàng hóa, nhập khẩu nguyên vật liệu... Song, để ổn định sản xuất, kinh doanh trong điều kiện có dịch, nhiều doanh nghiệp mong muốn được thành phố hỗ trợ để sớm tiếp cận nguồn vắc xin tiêm phòng cho người lao động; đồng thời có thêm giải pháp bảo đảm nguồn cung nguyên liệu phục vụ sản xuất…

"Song song với chủ trương thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thành phố cũng có chính sách khuyến khích phát triển dự án sử dụng nguyên liệu, linh kiện, phụ kiện sản xuất trong nước; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao năng suất lao động, từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu, giàu sức cạnh tranh, bảo đảm phát triển bền vững…", ông Đàm Tiến Thắng cho hay.

Tại hội nghị trực tuyến giao ban thường kỳ quý II và 6 tháng đầu năm 2021 của UBND thành phố Hà Nội cuối tháng 6 mới đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hồng Sơn đã chỉ đạo các sở, ngành tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh; đơn giản hóa, cắt giảm triệt để các thủ tục hành chính nhằm giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, bảo đảm thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu nhanh hơn. Trong đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu thành phố tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, tổng hợp khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp gặp phải do đại dịch Covid-19, tham mưu thành phố báo cáo Chính phủ giải pháp tháo gỡ.

Trung Hiếu

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/1005500/san-xuat-cong-nghiep-phuc-hoi-tich-cuc-diem-sang-cua-kinh-te-thu-do