Sản xuất giống hoa còn nhiều tiềm năng phát triển

Sản lượng sản xuất giống hoa mỗi năm tại Lâm Ðồng đạt khoảng 73 triệu cây, trong đó 33,4 triệu cây - tương đương 46,2% được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài mang về doanh thu 7 triệu USD. Ðiều đó cho thấy, tiềm năng phát triển lĩnh vực có thế lợi này của tỉnh chưa được tận dụng triệt để.

Trong số trên 3 tỷ cành hoa mỗi năm chỉ xuất khẩu đạt 9,3%

Trong số trên 3 tỷ cành hoa mỗi năm chỉ xuất khẩu đạt 9,3%

Một so sánh để thấy tính hiệu quả trong sản xuất của ngành Nông nghiệp Lâm Đồng đó là, giá trị sản xuất bình quân trên một đơn vị diện tích hiện tại ở địa phương đạt 220 triệu đồng/ha/năm, nhưng đối với sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đạt bình quân 400 triệu đồng/ha/năm, đặc biệt giá trị sản xuất hoa công nghệ cao mang lại 900 triệu đồng/ha/năm. Điều đó cho thấy, giá trị trên cùng một đơn vị diện tích mà ngành hoa lại hiệu quả cao gấp đôi so với cây trồng khác.

Nếu như sản xuất hoa tạo ra giá trị thu nhập cao, góp phần vào tăng kim ngạch xuất khẩu chung của tỉnh qua từng năm thì sản xuất giống hoa còn đưa đến giá trị cao hơn nữa. Và chỉ với diện tích đất 6 ha phục vụ sản xuất cây giống xuất khẩu, các doanh nghiệp nuôi cấy giống chủ lực trên địa bàn tỉnh đã sản xuất ra khoảng 33,4 triệu cây mang lại doanh thu xấp xỉ 7 triệu USD - bình quân tương đương 25,8 tỷ đồng/ha.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thống kê toàn tỉnh hiện nay có 51 cơ sở sản xuất nuôi cấy mô trên rau, hoa bao gồm: 12 cơ sở thuộc viện, trường, trung tâm; 18 doanh nghiệp và 21 cơ sở tư nhân với 489 box cấy. Hoạt động trong các cơ sở này có 446 cán bộ kỹ thuật và 396 công nhân kỹ thuật, mỗi năm sản xuất khoảng 72,3 triệu cây. Một bảng thống kê khác cũng chỉ ra rằng đa số chủng loại nuôi cấy mô chủ yếu là các giống hoa, cây trang trí. Cụ thể: Cây trang trí chiếm 53,3%, hoa cúc 18,74%, lan các loại 7,6%, sa lem 5,34%, đồng tiền 3,97%, sao tím 2,75%, cẩm chướng 2,74%, loa kèn 1,4%. Trong khi đó dâu tây chiếm 1,5%, khoai tây 0,85% và các loại cây khác chỉ chiếm 1,86%. Lướt qua số liệu, với sản lượng các chủng loại hoa sản xuất trong năm qua chiếm số lượng áp đảo trong nuôi cấy mô của tỉnh. Đáng chú ý, một số doanh nghiệp nhập khẩu gần 280.100 cây cấy mô các loại từ các nước Bỉ, Indonesia, Trung Quốc, Israel, Ấn Độ để nhân nhanh trong môi trường invitro và xuất khẩu trở lại vào các thị trường các nước.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản xuất nuôi cấy mô trên cây hoa ở Lâm Đồng chủ yếu phục vụ sản xuất hoa trên địa bàn tỉnh. Theo đó, năm 2020, toàn tỉnh sản xuất 72,3 triệu cây giống hoa các loại và cùng với các cơ sở chuyên ươm giống hoa đã cung ứng trên 1 tỷ cây giống hoa phục vụ trên 9.323 ha sản xuất hoa. Từ diện tích sản xuất hoa này, Lâm Đồng đạt sản lượng 3,6 tỷ cành hoa các loại, trong đó chủ yếu tiêu thụ nội địa chiếm 90,3% và chỉ có 9,7% là xuất khẩu ra các nước.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngay từ năm 2004, Lâm Đồng đã chỉ đạo triển khai chương trình nông nghiệp công nghệ cao mà trong đó xác định công nghệ nuôi cấy mô là lĩnh vực “đầu vào” quan trọng nhất nhằm phục vụ nền sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh. Và cho đến nay có thể khẳng định rằng, các cơ sở sản xuất kinh doanh giống bằng phương pháp nuôi cấy mô của tỉnh đã góp phần vào quá trình hiện đại hóa khâu sản xuất rau, hoa trong tỉnh. Một số các viện, trường và doanh nghiệp có vốn đầu tư lớn đã đầu tư vào khoa học công nghệ, trở thành nơi đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật. Các cơ sở nuôi cấy mô ngày càng lớn mạnh thông qua hợp tác nghiên cứu với các viện, trường và liên kết sản xuất với doanh nghiệp.

Song song với thành tựu đạt được trong lĩnh vực nuôi cấy mô cũng cần nhìn thẳng vào thực tại mà ngành sản xuất giống hoa còn gặp phải những khó khăn, tồn tại cần được tháo gỡ. Theo nhận định của các nhà sản xuất kinh doanh cây giống, hiện tại nguồn vật liệu nhân giống ban đầu không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, sự kiểm soát sạch bệnh trước khi đưa vào cấy mô chưa được tiến hành. Đa số cơ sở nuôi cấy mô tuyển chọn cây ưu tú từ vườn sản xuất về để nhân giống. Do đó, nguy cơ tiềm ẩn dịch hại ngay từ cây mẹ dẫn tới lây lan diện rộng trong sản xuất và thoái hóa giống. Đó là chưa kể ngoài các doanh nghiệp, các đơn vị thuộc khối nhà nước ra, còn lại các cơ sở sản xuất giống có quy mô nhỏ, đầu tư không đồng bộ, cơ sở vật chất còn thiếu, chưa xây dựng và áp dụng theo quy trình, chủ yếu theo kinh nghiệm...

Để tháo gỡ những tồn tại trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đề xuất các viện, trường tiến hành xây dựng quy trình tuyển chọn cây mẹ đảm bảo tính đúng giống, độ sạch bệnh, tính ổn định về mặt di truyền, hình thái... để chuyển giao cho các cơ sở nuôi cấy mô; đồng thời, tăng cường tổ chức đào tạo nâng cao năng lực cho các cơ sở nuôi cấy mô trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh nuôi cấy mô đầu tư nhập khẩu, mua bản quyền các giống gốc, cây mẹ và lưu giữ nguồn gen, nâng cao hiệu quả trong nuôi cấy mô. Quan trọng hơn, tỉnh cũng cần có chính sách đặc thù với quỹ đất dùng xây dựng phòng Lab công nghệ cao để doanh nghiệp có thể chủ động tái đầu tư, nâng cao năng lực cho các cơ sở sản xuất cây giống nuôi cấy mô đảm bảo nguồn giống gắn với kiểm soát tốt chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Tán đồng với đề xuất trên, theo ông Hồ Anh Dũng - Giám đốc Công ty Công nghệ Sinh học F1 cho rằng: Đối với ngành nuôi cấy mô, rất cần cơ chế, chính sách từ Nhà nước tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất giống nuôi cấy mô được tiếp cận quỹ đất, chuyển đổi đất chuyên dùng và chủ động nguồn giống bản quyền.

XUÂN TRUNG

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202105/san-xuat-giong-hoa-con-nhieu-tiem-nang-phat-trien-3057844/