Sản xuất - kinh doanh tại các KCN: Doanh nghiệp nỗ lực vượt thách thức

Qua 2 đợt bùng phát trong năm nay, dịch Covid - 19 đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp tại các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn Bình Thuận. Đối diện những khó khăn không lường trước, một số doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, bị gián đoạn sản xuất và cũng có trường hợp tạm dừng hoạt động... Thách thức nhiều hơn khi địa phương buộc tăng cường biện pháp phòng chống nhằm đem lại hiệu quả cũng như từng bước kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. Đặc biệt trong thời gian địa bàn TP. Phan Thiết thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, doanh nghiệp càng phải nỗ lực gấp bội để vượt thách thức.

Sản xuất - kinh doanh tại các KC

Doanh nghiệp tại các KCN sẽ tiếp tục vượt khó để duy trì hoạt động, đem lại hiệu quả trong sản xuất - kinh doanh (Ảnh minh họa: N.Lân).

Doanh nghiệp tại các KCN sẽ tiếp tục vượt khó để duy trì hoạt động, đem lại hiệu quả trong sản xuất - kinh doanh (Ảnh minh họa: N.Lân).

Theo Ban Quản lý các KCN Bình Thuận, gần đây tại KCN Phan Thiết đã có hơn 20 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, trong khi KCN Hàm Kiệm (Hàm Thuận Nam) cũng ảnh hưởng bởi việc hạn chế đi lại của người lao động. Thêm nữa, phần lớn doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong khâu thu mua nguyên liệu đầu vào, hoặc thị trường tiêu thụ do một số địa phương như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16. Nhất là đối với doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ trái thanh long (Tam Xuyên, Thanh Long Việt, Gin Guo Yuan, Yuelaimei) và sản xuất giày da (Right Rich, Thành Vượng, Du Hưng)…

Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng hầu hết các doanh nghiệp đều chủ động thực hiện yêu cầu của cơ quan chức năng về phòng chống dịch Covid-19, rà soát xây dựng phương án sản xuất “3 tại chỗ” và “1 cung đường 2 địa điểm”. Thời gian qua, Ban quản lý các KCN Bình Thuận phối hợp Phòng Kinh tế - Hạ tầng TP. Phan Thiết và đơn vị liên quan đã tổ chức thẩm định thực tế một số doanh nghiệp đăng ký thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ”. Qua thẩm định cho thấy, các trường hợp này đều thực hiện đúng theo phương án xây dựng, với điều kiện về ăn - ở - nghỉ, chế độ chính sách cho người lao động, công tác an ninh trật tự... cũng cơ bản đáp ứng quy định.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như vừa qua, những doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất - kinh doanh luôn quan tâm, chủ động test Covid - 19 đối với lực lượng nhân công. Đến nay đã thực hiện test nhanh cho hàng ngàn lao động và mua gần 5.300 bộ test thử để phục vụ công tác sàng lọc, có khoảng 20 doanh nghiệp đăng ký test SARS-CoV-2 với hơn 2.440 người... Quyết tâm vượt thách thức, doanh nghiệp tại các KCN trên địa bàn Bình Thuận tiếp tục góp phần duy trì mức tăng trưởng khá đối với các chỉ tiêu về hoạt động sản xuất - kinh doanh. Cụ thể, doanh thu 8 tháng đầu năm nay đạt 3.580 tỷ đồng, tăng 31% so cùng kỳ năm ngoái.

Dự báo thách thức từ đại dịch vẫn còn tác động đến nền kinh tế trong những tháng còn lại của năm 2021, do vậy doanh nghiệp tại các KCN cần tiếp tục nỗ lực vượt khó. Tuy nhiên tình hình có thể khởi sắc hơn từ tháng 9 này khi tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid - 19 trên toàn quốc được đẩy nhanh, các địa phương dần nới lỏng giãn cách xã hội. Và thông thường, cuối năm cũng là thời điểm mà hầu hết doanh nghiệp tập trung đáp ứng các đơn hàng cho đối tác nên sẽ là điều kiện để doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Cùng đồng hành, Ban quản lý các KCN Bình Thuận sẽ phối hợp, kiến nghị triển khai kịp thời các gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ đến với đối tượng thụ hưởng. Đồng thời tiếp tục nắm bắt tình hình hoạt động để tham mưu cấp thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất - kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp...

Đ.QUỐC

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/san-xuat-kinh-doanh-tai-cac-kcn-doanh-nghiep-no-luc-vuot-thach-thuc-141406.html