Sản xuất lúa phù hợp với biến đổi khí hậu

Quảng Trị là một trong những tỉnh được Dự án 'Cải thiện nông nghiệp có tưới' đầu tư hợp phần 3 là 'Hỗ trợ thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu' (CSA) được triển khai thực hiện từ năm 2014 đến nay mang lại nhiều kết quả tích cực, nhất là đối với sản xuất lúa.

 Đưa cơ giới hóa vào thu hoạch lúa nhanh để chống thất thoát do thiên tai

Đưa cơ giới hóa vào thu hoạch lúa nhanh để chống thất thoát do thiên tai

Trong bối cảnh chung về biến đổi khí hậu (BĐKH) toàn cầu và các hệ quả tiêu cực trong sản xuất của cả nước, nông nghiệp ở Quảng Trị đã và đang đối mặt với các thách thức do BĐKH gây ra như: Suy giảm năng suất, sản lượng và mất mùa; hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích không cao, suy thoái môi trường và cạn kiệt nguồn tài nguyên. Để khắc phục với các vấn đề này, nông nghiệp Quảng Trị cần một lựa chọn phương pháp tiếp cận mới, đó là một nền “Nông nghiệp thích ứng thông minh với khí hậu”, vì đây là biện pháp giúp nâng cao năng suất, thu nhập bền vững, khả năng phục hồi nhanh trước biến đổi khí hậu và cô lập carbon.

Một trong những nguyên nhân làm cho sản xuất lúa của tỉnh chưa thích nghi tốt với sự BĐKH là biện pháp canh tác chưa hợp lí làm gia tăng phát thải khí nhà kính, nhu cầu nước lớn và hạ tầng thủy lợi chưa đồng bộ. Phần lớn diện tích lúa của tỉnh đều tiến hành sản xuất 2 vụ trong năm nhưng quy mô nhỏ. Nhiều diện tích đất 2 lúa gặp khó khăn về nước tưới và năng suất thấp, bấp bênh. Rơm rạ thường được đốt tại ruộng. Rác thải nông nghiệp ít được xử lí. Các kĩ thuật như: ICM, IPM và SRI chưa được áp dụng nhiều nên mỗi hecta lúa, mỗi vụ cần khoảng 12.000- 15,000 m3 nước. Nông dân bón phân thiếu cân đối, thường bón nhiều đạm hơn yêu cầu, cao hơn (19 kg/ha) so với mức khuyến cáo của Trung tâm Khuyến nông tỉnh. Lượng giống sử dụng là 100- 120 kg/ha đối với lúa thuần và 60-70 kg/ha đối với lúa lai, cao hơn nhiều so với yêu cầu. Gieo sạ không theo hàng, gieo dày gây khó khăn cho việc chăm sóc lúa và tạo điều kiện cho một số dịch bệnh phát triển.

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV, Sở Nông nghiệp & PTNT Quảng Trị, hiện điều kiện sản xuất của tỉnh phù hợp với các kĩ thuật ICM (3 giảm, 3 tăng; 1 phải, 5 giảm), IPM, nhưng chưa thích hợp cho áp dụng các gói kĩ thuật SRI một cách đầy đủ. Điều này làm cho phát thải từ sản xuất lúa cao, hiệu quả kinh tế và hiệu quả sử dụng đất, nước, phân bón thấp và các hệ thống sản xuất kém bền vững.

Chủ trương của tỉnh là tăng cường đa dạng hóa cây trồng và thâm canh bền vững trong sản xuất nông nghiệp, trong đó có cây lúa nhằm tăng lợi nhuận và đa dạng sản phẩm hàng hóa. Thực hiện chủ trương này, được sự đầu tư của Dự án “Cải thiện nông nghiệp có tưới”, hợp phần 3, các địa phương hưởng lợi từ dự án được phát triển các hệ thống sản xuất nông nghiệp thông minh thích ứng với BĐKH, sử dụng có hiệu quả và bền vững nguồn nước thủy lợi; phát triển các dịch vụ nông nghiệp nhằm thúc đẩy nhân rộng các mô hình do dự án xây dựng và mở rộng ứng dụng các thực hành CSA. Trung tâm Khuyến nông tỉnh là đơn vị được giao nhiệm vụ triển khai thực hiện các mô hình CSA, trong đó đối với cây lúa phát triển theo cánh đồng mẫu lớn tại các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh và Cam Lộ với diện tích mỗi vụ khoảng 360- 400 ha và gần 1.400 hộ tham gia thực hiện.

Xã Gio Quang, huyện Gio Linh tham gia dự án từ năm 2014 đến nay trên phạm vi toàn xã. Mỗi vụ được dự án đầu tư 120 ha và đầu tư theo kiểu “cuốn chiếu” nên đến nay đã có gần 100% diện tích ruộng của xã được đầu tư sản xuất lúa theo mô hình CSA. Hầu hết các hộ trong xã đều được tham gia các lớp tập huấn kĩ thuật sản xuất lúa từ ủ giống cho đến thu hoạch. Các hộ nông dân tham gia dự án được hỗ trợ một phần giống, phân bón và công cụ sạ hàng. Công cụ sạ hàng được ứng dụng vào gieo lúa nên kĩ thuật ngâm ủ lúa giống phải đúng chuẩn mới đáp ứng được yêu cầu của công cụ này. Sử dụng công cụ sạ hàng đưa đến nhiều lợi ích như: lúa được gieo theo hàng dễ chăm sóc; mật độ thưa, rãi đều vừa giảm lượng giống vừa tạo điều kiện cho lúa đẻ nhánh nhiều, cây khỏe, sinh trưởng và phát triển tốt nhưng không bị rợp hạn chế sâu bệnh phát sinh và gây hại; các loại vật tư phân bón, thuốc BVTV, nước tưới cũng vì thế mà giảm theo. Trong quá trình sản xuất chủ yếu sử dụng các chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh; thực hiện bón phân cân đối, bón đúng thời điểm, bón tập trung cả vùng để đảm bảo thuận tiện trong dẫn nước và phòng trừ dịch hại. Phân đạm sử dụng cho trồng lúa là loại bốc hơi chậm nên lúa tận dụng được tốt nguồn dinh dưỡng, không bị thất thoát.

Ông Nguyễn Văn Minh, thôn Vinh Quang Thượng, xã Gio Quang cho biết: “Có được tham gia tập huấn, tôi cũng như nông dân ở đây hiểu cặn kẽ hơn các kĩ thuật sản xuất, cách tổ chức sản xuất sao cho có hiệu quả cao nhất như: giảm lượng giống, sử dụng công cụ sạ hàng, bón phân cân đối, sản xuất tập trung, cách tưới nước, sử dụng các chế phẩm sinh học… Bây giờ tôi đã áp dụng thuần thục và bài bản các biện pháp kĩ thuật chứ không như trước đây hay làm bừa như: dùng nhiều lượng giống, bón phân lắt nhắt, lạm dụng đạm, tưới nước nhiều… gây tốn nhiều chi phí trong sản xuất mà năng suất không tăng. Giờ làm theo kĩ thuật hướng dẫn của dự án vừa giảm chi phí (khoảng 25%) mà năng suất lại tăng hơn khoảng 10- 15% so với cách làm trước đây. Tất cả ruộng lúa của gia đình tôi đều áp dụng kĩ thuật sản xuất thông minh đưa lại hiệu quả kinh tế cao và công lao động giảm nhiều”.

Xã Gio Quang là xã trọng điểm lúa của huyện Gio Linh được áp dụng CSA nên càng thúc đẩy nhanh các công tác khác phục vụ cho sản xuất lúa như: dồn điền đổi thửa, hoàn chỉnh hệ thống kênh thủy lợi, đường giao thông nội đồng, đầu tư cơ giới hóa vào sản xuất… Nhờ đó, sản xuất lúa ở Gio Quang cho lợi nhuận cao hơn các vùng khác. Phó Chủ tịch UBND xã Gio Quang, huyện Gio Linh Nguyễn Ngọc Sáng cho biết: “Ruộng ở Gio Quang đã được quy hoạch khoa học, rộng rãi, có tấm rộng hơn 2 ha dễ ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất. Do đó, kể từ khi xã bắt tay vào thực hiện CSA thì chất lượng lúa và hiệu quả sản xuất tăng lên đáng kể. Hiện nông dân của xã đã thuần thục các biện pháp canh tác lúa mới rồi”.

Để thực hiện CSA trên địa bàn tỉnh được thuận lợi, ngay từ khi bắt đầu triển khai dự án, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tập trung chỉ đạo đội ngũ cán bộ kĩ thuật bám sát cơ sở để hướng dẫn tận tình, kĩ lưỡng các biện pháp kĩ thuật. Anh Nguyễn Thanh Tùng, cán bộ kĩ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: “Trên nền tảng kiến thức khuyến nông mà từ trước đến nay chúng tôi đã truyền đạt nên khi hướng dẫn các biện pháp kĩ thuật sản xuất lúa theo phương pháp mới này, nông dân tiếp thu nhanh, thực hành tốt nên đưa lại kết quả cao”.

Hợp phần CSA còn hỗ trợ nông dân các chế phẩm sinh học để xử lí hoai mục rơm rạ tại đồng ruộng vừa tăng độ mùn cho đất, vừa giảm ô nhiễm môi trường do hành động đốt rơm rạ của nông dân gây ra.

Được sự đầu tư của dự án và việc triển khai có hiệu quả của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, sản xuất lúa ở những vùng được hưởng lợi từ dự án có chuyển biến tích cực hơn so với những vùng không áp dụng như: Lợi nhuận kinh tế tăng từ 20 - 30%; hiệu quả sử dụng nguồn nước, đất và phân bón tăng; giảm phát thải khí nhà kính, xử lí rác thải nông nghiệp tốt hơn; liên kết “4 nhà” được tăng cường. Bên cạnh đó, việc triển khai dự án làm tăng số lượng cán bộ địa phương và nông dân có nhận thức về CSA và biết ứng dụng các thực hành CSA; tăng khả năng đáp ứng nhu cầu cung ứng các dịch vụ hỗ trợ phát triển, ứng dụng các thực hành nông nghiệp tốt…

Với những hiệu quả kinh tế và môi trường mà CSA đưa lại, thời gian tới, khi dự án kết thúc, chính quyền các cấp và ngành Nông nghiệp &PTNT tỉnh cần tiếp tục đầu tư, hướng dẫn kĩ thuật để nhân rộng ứng dụng thực hành CSA nhằm đưa sản xuất lúa hướng vào chiều sâu và ngày càng thích ứng theo sự biến đổi của khí hậu.

Trần Cát Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=143292