Sản xuất nhỏ gắn với bảo vệ môi trường

Những năm gần đây, bên cạnh tận dụng bờ ao, đất trống quanh nhà, vườn để phát triển kinh tế, nhiều hộ gia đình còn chú trọng đến việc canh tác sao cho giảm thiểu tác động đến môi trường sống, an toàn sức khỏe cho bản thân và người tiêu dùng.

Bên cạnh nuôi tôm càng xanh, làm lúa, hộ anh Mai Phước Toàn, ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước còn tận dụng diện tích 4 bờ ao trồng xen canh nhiều loại rau màu như: đậu xanh, bắp và dưa hấu...

Trong đó, dưa hấu là sản phẩm chủ lực, bởi chất lượng dưa ngon ngọt, ruột đỏ căng do chủ yếu sử dụng phân bón ủ từ cá tươi, hạn chế các chế phẩm bảo vệ thực vật. Anh Toàn chia sẻ: “Tôi trồng dưa cũng hơn 30 năm nay, do không thuê mướn nhân công nên mỗi bờ đất tôi trồng khoảng 400 dây dưa, đủ cung cho lái. Mỗi năm sản xuất 3 vụ, mỗi vụ khoảng 2,5 tháng là thu hoạch. Dưa chủ yếu tiêu thụ trong vùng, nên tôi chú trọng khâu chăm sóc và bón phân, chủ động thực hiện các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại theo hướng thuận tự nhiên. Phân thì tôi dùng cá tươi ủ để bón cho cây, còn riêng thuốc bảo vệ thực vật thì sử dụng các chế phẩm sinh học cho an toàn nhưng không lạm dụng”.

Với lối canh tác thân thiện với môi trường, trong trồng trọt anh Toàn chủ động sử dụng phân bón được ủ từ nguồn cá tươi để nâng cao chất dinh dưỡng cho cây trồng.

Với lối canh tác thân thiện với môi trường, trong trồng trọt anh Toàn chủ động sử dụng phân bón được ủ từ nguồn cá tươi để nâng cao chất dinh dưỡng cho cây trồng.

Từ trồng các loại rau màu đến việc nuôi tôm, trồng lúa, anh Toàn đều tìm các sản phẩm có nguồn gốc an toàn. Theo anh, việc canh tác theo hướng thân thiện với môi trường mang nhiều lợi thế, giữ cho đất được tơi xốp, mà người trực tiếp canh tác hạn chế tối đa việc tiếp xúc với nguồn hóa chất độc hại, tránh ảnh hưởng tới sức khỏe. Cách làm trên không chỉ giúp hạn chế sâu bệnh gây hại, mà còn giảm chi phí cải tạo đất hằng năm, tiết kiệm chi phí đầu vào trong chăm sóc, nhờ đó giá nông sản bán ra cũng nhỉnh hơn so với cách trồng thông thường.

Bà Phạm Thị Út (56 tuổi, ngụ ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước) từng có thời gian dài làm phụ hồ tại tỉnh Ðồng Nai để tìm kế sinh nhai. Chán cảnh rày đây mai đó, bà Út quyết tâm trở về quê canh tác. Với chút kinh nghiệm nghề trồng rẫy, bà cải tạo lại diện tích đất quanh nhà, trồng cải trắng, rau ăn lá các loại, dưa hấu, dưa leo, cà tím, cà chua, khổ qua...

Bà Út bộc bạch: “Từ khi chuyển sang mô hình mới, thu nhập gia đình cải thiện rõ rệt, nhất là không phải làm thuê bên ngoài. Ban đầu khu trồng rau màu là vùng đất trống bỏ hoang, cằn cỗi, sau đó tôi cải tạo đất cho màu mỡ, trồng thêm nhiều loại để dùng trong gia đình, từ từ thấy hiệu quả nên mở rộng diện tích trồng cũng như đa dạng nhiều loại để dễ tiêu thụ”.

Với diện tích nhỏ trồng nhiều loại rau củ quả, bà Út (bên trái) không chỉ mở ra hướng đi mới mà thu nhập trong gia đình cũng cải thiện rõ rệt.

Với diện tích nhỏ trồng nhiều loại rau củ quả, bà Út (bên trái) không chỉ mở ra hướng đi mới mà thu nhập trong gia đình cũng cải thiện rõ rệt.

Mỗi ngày từ các loại nông sản hiện có, bà Út thu hoạch bán lẻ và bỏ mối sỉ tại chợ Nhà Phấn, thu nhập từ 300-400 ngàn đồng. Mỗi năm, trừ hết chi phí bà có lãi từ 70-80 triệu đồng từ nghề trồng màu.

Với quan điểm trồng bán cũng như nhà ăn, trong trồng trọt hay chăn nuôi, bà Út đều tận dụng các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên để ủ làm phân bón. Cụ thể, bà sử dụng rác hữu cơ trong sinh hoạt, phân gà, cá để ủ thành phân sinh học, vừa tiết kiệm chi phí mua vật tư nông nghiệp, mà kết quả thu lại tốt hơn so với dự tính. Hiện tại, khi đã ổn định kinh tế, với diện tích mặt ao tương đối rộng, bà Út dự tính kết bè để trồng thêm nhiều loại rau màu, vừa chủ động được nguồn nước tưới, mà riêng với việc canh tác trên bè cũng hạn chế sâu bệnh, cùng đó là nhân rộng diện tích trồng màu lên đáng kể.

Chị Phan Mỹ Til, Phó chủ tịch Hội LHPN xã Thạnh Phú, cho biết: “Nhờ địa phương đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong người dân nên nhiều hộ gia đình tập thói quen phân loại rác theo nguồn, tận dụng tối đa các phế phẩm, rau củ quả hữu cơ phân hủy để làm phân bón cho cây trồng, vừa bảo vệ môi trường, lại góp phần cho diện mạo nông thôn thêm xanh, sạch. Riêng đối với hội viên, thông qua những lần họp, Hội phát động phong trào thi đua, chị em hăng hái tìm ra những cách làm hay, nhân rộng trong khu vực. Ðịnh hướng mỗi nhà tự trồng rau sạch, vừa cung cấp trong gia đình lại tăng thu nhập ít nhiều, xa hơn là hình thành vùng canh tác an toàn, tự nhiên”./.

Ngô Nhi

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/san-xuat-nho-gan-voi-bao-ve-moi-truong-a33387.html