Sản xuất nông nghiệp hưởng lợi từ khuyến nông
Thời gian qua, khuyến nông Hà Nội đã góp phần không nhỏ vào việc khai thác tiềm năng về đất đai, lao động, ngành nghề, thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại, nhân rộng các mô hình khuyến nông thành các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung, hay giúp các HTX phát triển sản xuất kinh doanh hiệu quả.
HTX Nông nghiệp Liệp Tuyết (huyện Quốc Oai) đã có 4 năm triển khai mô hình máy cấy, mạ khay và theo thời gian, diện tích cấy máy mạ khay của HTX cũng tăng lên. Năm đầu tiên, HTX chỉ có 5ha nhưng đến nay đã là 30ha.
Thúc đẩy cấy máy, mạ khay
Qua thực tế sản xuất cho thấy, lợi ích của mô hình sản xuất mạ khay, cấy máy là không hề nhỏ. Trước đây, thành viên HTX phải bỏ chi phí hơn 400 nghìn/sào để thuê nhân công cấy tay, chưa kể phải tự gieo giống và chăm sóc thì khi sử dụng dịch vụ mạ khay, cấy máy, các thành viên chỉ phải bỏ chi phí 290.000 đồng/sào bao gồm cả giống, chăm sóc mạ và cấy.
Ông Kiều Văn Duyệt, thành viên HTX Liệp Tuyết, cho biết trước lợi ích của việc mạ khay cấy máy, 4 năm nay, ông đã sử dụng dịch vụ của HTX Liệp Tuyết cung cấp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, giải phóng sức lao động.
Hay tại HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tổng hợp Phú Hưng (Phú Xuyên) hiện được đánh giá là mô hình sản xuất mạ khay theo tiêu chuẩn Kubota tốt nhất Hà Nội hiện nay.
Số lượng khay mạ HTX sản xuất mỗi vụ từ 15 – 17 vạn, đi liền với đó là số lượng máy cấy là 11. Hàng vụ, HTX đã tổ chức sản xuất mạ khay, cấy máy và tiêu thụ thóc tươi cho thành viên và nhiều hộ dân khác trong huyện Phú Xuyên, Thanh Oai, Thường Tín, Mỹ Đức với hệ thống máy sấy thóc 200 tấn/ngày.
Ông Phạm Minh Đức, Giám đốc HTX Phú Hưng cho biết, đơn vị có 7 thành viên nhưng vụ xuân cấy 800 - 900 mẫu, vụ mùa 400-500 mẫu nhờ hình thức cấy máy, mạ khay.
Qua những mô hình sản xuất của HTX Phú Hưng và Liệp Tuyết cho thấy, ứng dụng công nghệ vào quá trình cấy lúa đã được người dân, HTX quan tâm thực hiện. Ngoài ra, điều này còn có một phần đóng góp không nhỏ từ hệ thống khuyến nông của Thành phố Hà Nội. Khi nhận thấy vai trò của mô hình cấy máy, mạ khay phù hợp với điều kiện phát triển nông nghiệp của Thành phố, giải quyết bài toán thiếu lao động tại vùng nông thôn, ngành khuyến nông đã triển khai từ thực nghiệm đến mở rộng tại các xã, huyện, thông qua các mô hình sản xuất của các HTX.
Hằng năm, hệ thống khuyến nông sẽ hỗ trợ kinh phí cho các HTX ở các nội dung như tập huấn kỹ thuật, cung cấp giống, phân bón, thiết bị, vay vốn để thúc đẩy mô hình này vào thực tiễn.
Song song với đó, hệ thống khuyến nông thực hiện tạo “mồi” để thành lập các HTX kiểu mới mang tính chuyên ngành để thực hiện có hiệu quả hơn việc tổ chức sản xuất cho bà con. Đơn vị này cũng phổ biến Luật HTX, các chương trình phát triển nông nghiệp, xây dựng chuỗi liên kết cho cán bộ, thành viên nhận thức rõ hơn về HTX kiểu mới, thấy rõ được tính cấp thiết phải đi chung với nhau, liên kết với nhau trong làm ăn, ứng dụng máy móc.
Chính vì vậy mà nhiều địa phương trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã phát triển được những mô hình kinh tế hoạt động hiệu quả, là trợ lực cho thành viên, người dân.
Tiêu biểu như HTX Nông nghiệp Phú Thắng (huyện Phú Xuyên) được ngành khuyến nông hỗ trợ thực hiện ứng dụng máy móc vào làm mạ khay và cấy máy nên thu hút được 151 thành viên. HTX đã thành lập 3 tổ dịch vụ gồm làm đất; sản xuất giá thể, làm mạ khay và máy gặt để nâng cao quy trình sản xuất. Vì vậy mà chi phí sản xuất lúa của thành viên giảm được 4,1 triệu đồng/ha.
Không chỉ phát triển được những mô hình HTX hiệu quả, nhờ sự hỗ trợ tích cực của hệ thống khuyến nông, mô hình cấy máy, mạ khay trên địa bàn Thành phố Hà Nội đạt được nhiều hiệu quả. Nhiều địa phương đã nhân rộng được mô hình này.
Cụ thể như tại huyện Quốc Oai, Trạm Khuyến nông huyện đã triển khai thực nghiệm cấy lúa bằng mạ khay và đã nhân rộng tới 14 xã, HTX nông nghiệp trên địa bàn. Hay tại huyện Phú Xuyên, tỷ lệ sử dụng máy cấy toàn huyện đạt khoảng 14-15%, tỷ lệ làm đất và thu hoạch bằng máy đạt 100%, cao nhất Thành phố.
Hỗ trợ thực chất
Để hỗ trợ người dân, HTX ứng dụng máy móc hiệu quả vào sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, hệ thống khuyến nông không chỉ dừng ở việc đồng hành trong kỹ thuật, cung cấp thông tin đầu vào trong quá trình sản xuất nông nghiệp mà còn xây dựng cả quỹ khuyến nông để khuyến khích nông dân, HTX cải thiện năng suất, nâng cao chất lượng.
Quỹ Khuyến nông Hà Nội là một kênh tài chính ưu đãi giúp hàng ngàn hộ nông dân, chủ trang trại, HTX… được vay vốn phát triển sản xuất.
Một ví dụ điển hình là HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (Gia Lâm) đã được tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ Khuyến nông Thành phố 2 lần. Mỗi lần vay của HTX đều đạt mức tối đa là 500 triệu đồng trong thời hạn 2 năm. Nhờ nguồn vốn vay này mà HTX Văn Đức hoạt động hiệu quả, hạn chế và khắc phục được những khó khăn nội tại, giảm bớt áp lực từ thị trường.
Một điều đặc biệt là Quỹ khuyến nông Hà Nội đã không ngừng đầu tư cho việc hình thành và phát triển các vùng hàng hóa lớn, các chuỗi giá trị. Điều này tạo điều kiện thuận lợi trong việc hình thành các vùng chuyên canh lớn của Thành phố như: Vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm ở Đông Anh, Sóc Sơn, Quốc Oai, Ba Vì, Chương Mỹ; Vùng hoa, cây cảnh Tây Tựu, Đông Ngạc, Đại Mỗ (Từ Liêm), Đông La (Hoài Đức), Hồng Vân (Thường Tín); Vùng nuôi trồng thủy sản ở Thanh Trì, Mỹ Đức, Chương Mỹ…
Ngoài ra, Quỹ Khuyến nông Hà Nội còn giúp thúc đẩy việc chuyển đổi từ kinh tế hộ lên thành các HTX, tổ hợp tác để có thể dễ dàng kết nối các doanh nghiệp, bao tiêu đầu ra vào các chuỗi cửa hàng, siêu thị lớn nhỏ.
Thúc đẩy kinh tế nông thôn
Với những định hướng cụ thể, hệ thống khuyến nông Hà Nội đã không ngừng xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, có ý nghĩa quan trọng, nhằm phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn.
Nhiều mô hình khuyến nông đã mang lại giá trị kinh tế cao, cải thiện đời sống người dân, góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.
Ông Cao Xuân Trường (xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì) chia sẻ, gia đình ông đang thực hiện mô hình chăn nuôi thủy sản an toàn theo hướng hữu cơ, VietGAP với diện tích 1ha. Được sự hướng dẫn về kỹ thuật của cán bộ khuyến nông nên thủy sản sinh trưởng, phát triển tốt, mang lại giá trị cao hơn 10-20% so với nuôi trồng theo phương pháp truyền thống.
Hiệu quả của các mô hình khuyến nông đã rõ, song quá trình triển khai hiện vẫn còn khó khăn, do đầu ra của sản phẩm chưa ổn định, bấp bênh, còn hiện tượng được mùa mất giá. Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất của nông dân, HTX còn chậm...
Ngay như mô hình cấy máy, mạ khay tuy phát triển ở nhiều địa phương nhưng nhìn chung trên toàn Thành phố chưa đạt đến 10%. Điều này, theo Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp và Kinh doanh tổng hợp xã Liên Hà (huyện Đông Anh), ông Nguyễn Văn Long, là do hiện mới chỉ có hỗ trợ của hệ thống khuyến nông nên mới chỉ tạo được hiệu quả bước đầu. Trong khi nhiều cán bộ HTX thiếu kinh nghiệm quản lý, điều hành... thì việc ứng dụng máy móc không được phát huy.
Bên cạnh đó, mỗi địa phương có một địa hình, đặc điểm sản xuất nông nghiệp khác nhau nên việc đầu tư máy cấy, mạ khay nào phù hợp cũng là điều cần quan tâm. Đặc biệt, trong khâu gieo mạ bằng khay, các HTX cần diện tích lớn để thực hiện nhưng điều này lại là khó khăn vì diện tích đất phục vụ nông nghiệp của Thành phố bị ngày càng thu hẹp.
Trước thực trạng trên, các HTX cho rằng các địa phương cần tạo điều kiện cho người dân, HTX tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, hướng dẫn chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp. Mặt khác, khi xây dựng các mô hình khuyến nông cần gắn với thị trường, thực hiện liên kết chuỗi để bảo đảm đầu ra thuận lợi, đưa sản phẩm vào các kênh phân phối hiện đại.
Các ngành cũng cần phối hợp với ngành nông nghiệp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn trong việc nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả. Mặt khác, chú trọng nâng cấp cơ sở hạ tầng ở các vùng sản xuất nông nghiệp, tạo thuận lợi cho việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.