Sản xuất nông nghiệp Quản Bạ tăng trưởng

BHG - Năm nay sản xuất nông nghiệp của huyện Quản Bạ đạt hiệu quả cao, nhờ công tác lãnh, chỉ đạo sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thích ứng với điều kiện thực tế.

Nông dân xã Quyết Tiến thu hoạch dưa chuột.

Nông dân xã Quyết Tiến thu hoạch dưa chuột.

Theo đó, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2022 ước đạt trên 1.000 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ. Trong đó: Giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp đạt 933 tỷ đồng (chăn nuôi 288 tỷ đồng, trồng trọt 640 tỷ đồng, dịch vụ nông nghiệp đạt 3,4 tỷ đồng); giá trị sản xuất ngành Lâm nghiệp đạt 70,64 tỷ đồng; giá trị sản xuất ngành Thủy sản đạt 2,87 tỷ đồng. Giá trị thu hoạch bình quân trên 1 ha đất canh tác ước đạt 57 triệu đồng, tăng 5 triệu đồng/ha so với cùng kỳ năm trước.

Hiện nay, toàn huyện có tổng diện tích gieo trồng trên 16.200 ha. Sản lượng lương thực thu hoạch cả năm ước đạt 30.945 tấn. Trong đó, diện tích lúa 1.279 ha; diện tích gieo trồng cây ngô 5.800 ha; diện tích gieo trồng cây lạc đạt 1.588; diện tích cây dược liệu 505 ha; diện tích rau, đậu các loại 2.300 ha. Để các loại cây trồng đạt năng suất, chất lượng cao, ngành Nông nghiệp đã tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng các giống tốt để thâm canh tăng năng suất. Bên cạnh đó là chỉ đạo triển khai thực hiện tốt việc duy trì và thúc đẩy các chuỗi giá trị, như: Chuỗi sản phẩm Hồng không hạt, mật ong Bạc hà, dược liệu...

Ngành chuyên môn thường xuyên bám nắm địa bàn, kịp thời tư vấn, khuyến cáo các tổ chức, cá nhân khắc phục khó khăn, vướng mắc, phát triển sản xuất đạt hiệu quả, đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch giao. Vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh vào hỗ trợ phát triển sản xuất... Qua đó, công tác triển khai sản xuất các cây trồng cơ bản đảm bảo khung thời vụ, diện tích một số cây trồng tăng so với cùng kỳ; việc nắm bắt tình hình sản xuất được thực hiện thường xuyên, các loại sâu, bệnh hại được phát hiện và phòng trừ kịp thời, không ảnh hưởng đến năng suất. Nhằm giảm chi phí sản xuất, ngành chuyên môn đã chủ động tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân tăng cường sử dụng các loại phân hữu cơ, giảm lượng phân vô cơ bón cho cây trồng để nâng cao hiệu quả sản xuất. Thúc đẩy, hỗ trợ hình thành các mối liên kết sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, chủ động đầu ra cho sản phẩm. Trên địa bàn đã hình thành nhiều mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho giá trị và hiệu quả kinh tế cao, điển hình như: Cây Má đề thu nhập 380 triệu đồng/ha; các loài rau cải, bắp cải, cải ngọt, cải làn trái vụ… năng suất bình quân 25 tấn/ha, tổng thu ước đạt 300 triệu đồng/ha; đậu Cô ve, đậu đũa năng suất bình quân 20 tấn/ha, tổng thu 200 triệu đồng/ha; cây Cà chua trái vụ năng suất 55 tấn/ha, tổng thu 825 triệu đồng/ha; Dưa chuột năng suất bình quân 32 tấn/ha, tổng thu 160 triệu đồng/ha. Như vậy, trồng rau chuyên canh trái vụ cho lãi thuần cao hơn từ 94 triệu đến gần 469 triệu đồng/ha.

Lĩnh vực chăn nuôi cũng có sự tăng trưởng khá, tổng đàn trâu, bò trên địa bàn huyện ước đạt 27.000 con; đàn ngựa 400 con; đàn dê 4.600 con; đàn ong 6.200 tổ; đàn lợn 45.100 con; đàn gia cầm 287 nghìn con; diện tích nuôi thủy sản 56,3 ha.

Trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp huyện sẽ phối hợp với các doanh nghiệp, địa phương theo dõi và thông tin về giá cả, tình hình sản xuất, nguồn cung các mặt hàng nông sản tại các thị trường; phát triển các cây trồng thế mạnh, chăn nuôi theo hướng hàng hóa, an toàn sinh học, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, liên kết sản xuất… Cùng với đó, tiếp tục hợp tác kết nối tiêu thụ nông sản cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nhằm bảo đảm ổn định sản xuất.

Bài, ảnh: LÊ HẢI

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202301/san-xuat-nong-nghiep-quan-ba-tang-truong-5ff74e5/