Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen lại 'trắc trở', lỗi tại ai?

Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen lại một lần nữa phải tạm dừng do quyết định từ phía Nga. Nga cho rằng các lợi ích của mình chưa được đáp ứng trong khi Ukraine cố gắng 'níu' thỏa thuận bằng mọi cách.

Ngày 17/7, Nga đã tạm dừng Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen cho phép vận chuyển ngũ cốc từ Ukraine đến các quốc gia ở châu Phi, Trung Đông và châu Á. (Nguồn: AFP)

Ngày 17/7, Nga đã tạm dừng Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen cho phép vận chuyển ngũ cốc từ Ukraine đến các quốc gia ở châu Phi, Trung Đông và châu Á. (Nguồn: AFP)

Nga dứt khoát

Ngày 17/7, Nga đã tạm dừng Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen cho phép vận chuyển ngũ cốc từ Ukraine đến các quốc gia ở châu Phi, Trung Đông và châu Á, nơi nạn đói đang là mối đe dọa ngày càng tăng và giá lương thực cao đã đẩy nhiều người vào cảnh nghèo đói.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen sẽ bị đình chỉ cho đến khi nhu cầu đưa lương thực và phân bón của Nga ra thế giới được đáp ứng.

Ông Peskov nói: “Khi một phần của thỏa thuận Biển Đen liên quan đến Nga được thực hiện, Moscow sẽ ngay lập tức quay trở lại thực hiện thỏa thuận này”.

Theo hãng tin AP, các đại diện của Nga tại trung tâm điều hành sáng kiến này tỏ ra dứt khoát hơn, gọi quyết định trên là “sự chấm dứt”. Nga đã phàn nàn rằng những hạn chế về vận chuyển và bảo hiểm đã cản trở xuất khẩu nông sản của Nga.

Việc đình chỉ này đánh dấu sự kết thúc của một thỏa thuận mà Liên hợp quốc (LHQ) và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian vào mùa Hè năm ngoái cho phép vận chuyển thực phẩm từ khu vực Biển Đen sau khi cuộc xung đột Nga- Ukraine làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Sáng kiến này được cho là đã giúp giảm giá ngũ cốc, dầu thực vật và các mặt hàng thực phẩm thiết yếu khác.

Ukraine và Nga đều là những nhà cung cấp ngũ cốc, dầu hướng dương và các loại thực phẩm khác trên toàn cầu mà các quốc gia đang phát triển phụ thuộc vào.

Việc đình chỉ thỏa thuận đã khiến giá ngũ cốc tăng khoảng 3% trên Sàn giao dịch hàng hóa ở Chicago, lên 6,81 USD/giạ, bằng khoảng một nửa so với mức đỉnh của năm ngoái.

Sự sụp đổ của hành lang xuất khẩu Biển Đen, nơi cho phép xuất khẩu hơn 32 triệu tấn ngũ cốc của Ukraine trong năm qua, sẽ có ít tác động ngay lập tức nhưng trong trung hạn sẽ tạo ra căng thẳng thị trường và đẩy giá lương thực lên cao.

Tình hình rất khác so với tháng 2/2022 khi cuộc xung đột xảy ra khiến việc vận chuyển ở Biển Đen - tuyến đường xuất khẩu chính của các sản phẩm nông nghiệp của Ukraine - bị cắt đứt.

Ukraine là nước xuất khẩu dầu hạt hướng dương hàng đầu thế giới và lớn thứ tư về lúa mì và ngô, và việc Kiev rời khỏi thị trường toàn cầu đã đẩy giá lên mức cao kỷ lục.

Việc mở hành lang xuất khẩu vào ngày 1/8/2022 đã giúp đảm bảo nguồn cung cho các quốc gia nhập khẩu và hạ nhiệt về giá, ngay cả khi xung đột đã cắt giảm sản lượng nông nghiệp của Ukraine.

Sản lượng ngũ cốc được dự báo sẽ giảm từ 33 triệu tấn trong niên vụ 2021-2022 xuống 17,5 triệu tấn trong niên vụ 2023-2024.

Thỏa thuận ngũ cốc đảm bảo rằng các tàu sẽ không bị tấn công khi ra vào các cảng của Ukraine, trong khi một thỏa thuận riêng biệt tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển thực phẩm và phân bón của Nga. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây không áp dụng đối với các lô hàng nông sản của Moscow, nhưng một số công ty có thể đã cảnh giác với Nga.

Vẫn có cánh cửa cho thỏa hiệp

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết ông muốn duy trì sáng kiến này ngay cả khi không có sự đảm bảo an toàn của Nga đối với các tàu chở hàng.

Theo Trung tâm Điều phối chung (JCC) ở Istanbul, Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen đã cho phép 3 cảng của Ukraine xuất khẩu 32,9 triệu tấn ngũ cốc và thực phẩm khác ra thế giới. Dữ liệu của JCC cho thấy 57% ngũ cốc từ Ukraine được chuyển đến các quốc gia đang phát triển, với điểm đến hàng đầu là Trung Quốc, nơi nhận được gần 1/4 lượng lương thực.

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cho rằng việc chấm dứt thỏa thuận sẽ dẫn đến nhiều đau khổ hơn cho con người. Ông Guteres trả lời AP: “Đơn giản là có quá nhiều thứ đang bị đe dọa trong một thế giới đói khát và đau thương”.

Ukraine vẫn có thể xuất khẩu bằng đường bộ hoặc đường sông qua châu Âu, nhưng những tuyến đường đó có công suất thấp hơn và gây chia rẽ giữa các nước láng giềng.

Trong một bài đăng vào cuối ngày 17/7 trên kênh Telegram, Tổng thống Zelensky cho biết ông và Tổng thư ký LHQ Guterres đã đồng ý “làm việc cùng nhau và với các quốc gia có trách nhiệm” để khôi phục nguồn cung cấp lương thực qua Biển Đen.

Phát ngôn viên an ninh quốc gia của Nhà Trắng John Kirby cho rằng quyết định của Moscow sẽ “gây hại cho hàng triệu người dễ bị tổn thương trên khắp thế giới”.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết các quan chức đang nói chuyện với Nga và ông hy vọng thỏa thuận sẽ được gia hạn.

Thỏa thuận đã được gia hạn trong 60 ngày vào tháng 5 vừa qua nhưng lượng ngũ cốc và số lượng tàu rời cảng Ukraine đã giảm mạnh, với việc Nga bị cáo buộc ngăn cản các tàu mới tham gia kể từ ngày 27/6. Con tàu cuối cùng rời Ukraine vào ngày 16/7 và được kiểm tra vào ngày 17/7.

Lượng ngũ cốc vận chuyển mỗi tháng đã giảm từ mức đỉnh 4,2 triệu tấn trong tháng 10/2022 xuống còn hơn 2 triệu tấn trong tháng 6/2023. Trong khi đó, xuất khẩu lúa mì của Nga đạt mức kỷ lục sau một vụ thu hoạch lớn. Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp Mỹ, Nga đã xuất khẩu 45,5 triệu tấn trong năm 2022-2023, với một kỷ lục khác là 47,5 triệu tấn dự kiến vào năm 2023-2024.

(theo AP, AFP)

Vy Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/sang-kien-ngu-coc-bien-den-lai-trac-tro-loi-tai-ai-235070.html