Sáng mãi những ngọn lửa cách mạng

Những ngày đầu tháng 8, nghe tin ông Nguyễn Văn Nhân ở Hà Nội đã về với tổ tiên, lòng chúng tôi bùi ngùi xúc động. Vậy là lại thêm một cựu tù chính trị của Nhà ngục Sơn La năm xưa ra đi, sau ông Nguyễn Văn Trân (mất năm 2018) - Những người chiến sỹ cộng sản một lòng kiên trung trước quân thù, những người đã góp phần làm nên thắng lợi của cuộc tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945 và giành chính quyền ở Sơn La ngày 26/8/1945.

Ông Nguyễn Văn Trân, cựu tù chính trị Nhà tù Sơn La.

Ông Nguyễn Văn Trân, cựu tù chính trị Nhà tù Sơn La.

Ảnh: PV

Nhớ lại, giữa năm 2015, nằm trong chuỗi các hoạt động chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, kỷ niệm 120 năm ngày thành lập tỉnh và đón nhận Bằng công nhận di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La, UBND tỉnh đã giao cho Đài Phát thanh - Truyền hình Sơn La xây dựng bộ phim tài liệu: Nhà tù Sơn La - di tích Quốc gia đặc biệt. Nhận nhiệm vụ do Giám đốc Đài phân công, anh em trong Êkip đoàn làm phim chúng tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì có cơ hội được gặp mặt những người tù cộng sản - nhân chứng sống quý giá của lịch sử, những người anh hùng đã từng khiến cho quân thù phải khiếp sợ bởi tinh thần yêu nước, trí thông minh và lòng dũng cảm. Lo là làm thế nào để hoàn thành một bộ phim tài liệu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Được sự giúp đỡ nhiệt tình của Bảo tàng Sơn La, trung tuần tháng 7/2015, Đoàn làm phim lên đường khởi quay tại thành phố Hà Nội, tỉnh Hưng Yên và tỉnh Hòa Bình, đây là những địa danh liên quan đến di tích lịch sử nhà tù Sơn La. Trong đó, có dự kiến gặp gỡ, phỏng vấn 5 cựu tù chính trị tại Hà Nội.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm, tặng quà đồng chí Nguyễn Văn Trân, cựu tù chính trị Nhà tù Sơn La (ảnh chụp năm 2018).

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm, tặng quà đồng chí Nguyễn Văn Trân, cựu tù chính trị Nhà tù Sơn La (ảnh chụp năm 2018).

Ảnh: PV

Tại Hà Nội lúc đó, trong ngôi nhà số 19, khu C2 đô thị Nam Thăng Long, ông Nguyễn Văn Trân, nguyên Bí thư Trung ương Đảng khóa III, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, cựu tù chính trị nhà tù Sơn La, cùng cụ bà Phạm Thị Bắc, người bạn đời của ông, đã đón chúng tôi trong niềm vui đặc biệt, bởi suốt quãng thời gian qua, mặc dù bận trăm công nghìn việc của Đảng và Nhà nước giao, nhưng ông cũng như những người bạn tù vẫn đau đáu hướng về Sơn La, nơi đầy ắp kỷ niệm về những ngày cùng đồng chí, đồng đội bị tù đày cực khổ mà vẫn chói sáng niềm tin với Đảng.

Hôm đó, ông Mai Vy, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch - người bạn cựu tù, người chiến sỹ cộng sản kiên trung trong nhà tù Sơn La năm xưa cũng ghé thăm vợ chồng ông Trân. Hai người bạn tù, hai người đồng chí lại có dịp hỏi thăm sức khỏe, động viên nhau. Mặc dù đều đã tuổi rất cao, nhưng các ông vẫn nhớ rất rõ những tháng ngày lịch sử. Đặc biệt, khi gần 90 tuổi, ông Nguyễn Văn Trân mới có dịp viết hồi ký về cuộc đời hoạt động cách mạng với trí nhớ minh mẫn, tư duy sắc sảo. Trong căn phòng giản dị mà ấm cúng, chúng tôi được nghe các ông kể lại những ngày trai trẻ đôi mươi đã sống và chiến đấu tại Nhà ngục Sơn La.

Thực dân Pháp xây dựng nhà tù Sơn La với âm mưu rất thâm độc. Bọn chúng cho rằng, khí hậu khắc nghiệt cộng với chế độ ăn uống hà khắc, lao động khổ sai nặng nhọc sẽ làm cho tù chính trị chết dần chết mòn và không thể có cơ hội để trốn thoát. Trong vòng 15 năm (1930-1945), thực dân Pháp đã đày lên Nhà tù Sơn La hàng ngàn lượt tù nhân, phần lớn là cán bộ, đảng viên và quần chúng kiên trung của Đảng. Trong tù rất cực khổ, mỗi bữa tù nhân chỉ có một nắm cơm nếp nấu nhão, trộn trấu lẫn sạn, ăn với muối trắng hoặc canh rau muống già nấu suông. Ngày lễ, tết bữa ăn được cải thiện hơn, mỗi người được vài miếng thịt lợn luộc chấm muối. Sợ tù nhân dùng làm vũ khí nên bọn chúa ngục không cho dùng bát, đũa, vì thế anh em phải ăn bốc chung trong một máng gỗ. Mỗi năm, một người tù được phát 2 bộ quần áo bằng vải thô, 1 manh chiếu, 1 chiếc chăn mỏng dính không đủ để chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt của núi rừng Tây Bắc. Tù nhân phải làm những công việc lao động khổ sai, nặng nhọc cộng với ăn uống thiếu thốn, kham khổ, môi trường ô nhiễm, bệnh tật hành hoành nên đã chết dần, chết mòn.

Tháng 12/1939, Chi bộ Nhà tù (lâm thời) được thành lập gồm 10 đồng chí, cử đồng chí Nguyễn Lương Bằng làm Bí thư. Sau Chi bộ phát triển lên trên 30 đảng viên và lần lượt các đồng chí: Trần Huy Liệu, Tô Hiệu, Lê Thanh Nghị, Trần Quốc Hoàn giữ chức vụ bí thư chi bộ nhà tù. Ông Nguyễn Văn Trân cũng tham gia trong Ban chi ủy Chi bộ nhà tù. Những người muốn trở thành đảng viên trong nhà tù phải có lý lịch rõ ràng, có tinh thần dũng cảm, trung thành tuyệt đối và trong tù phải tham gia mọi hoạt động, phải được anh em tín nhiệm. Các quần chúng tích cực cũng phải qua thử thách tham gia vào tổ chức "Tổ trung kiên". Đây là Chi bộ cộng sản đầu tiên ở Sơn La, vì thời kỳ này, toàn tỉnh Sơn La chưa có đảng viên, chưa có tổ chức cơ sở đảng.

Cuốn hồi ký của cựu tù chính trị Nguyễn Văn Nhân (Thạch Thất- Hà Nội).

Cuốn hồi ký của cựu tù chính trị Nguyễn Văn Nhân (Thạch Thất- Hà Nội).

Chi bộ Nhà tù Sơn La ra đời đã xây dựng cơ sở, lãnh đạo phong trào cách mạng ở địa phương, tạo tiền đề cho sự ra đời của Đảng bộ tỉnh Sơn La sau này. Từ khi có chi bộ lãnh đạo, đời sống vật chất, tinh thần của anh em tù nhân từng bước được cải thiện. Họ đã tích cực huấn luyện kỹ thuật quân sự, học tập nâng cao trình độ mọi mặt, học tiếng ngoại ngữ, nhất là tiếng Thái địa phương để tuyên truyền, vận động nhân dân... Với chủ trương "biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng", gây dựng cơ sở cách mạng bên trong và bên ngoài nhà tù.

Chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng và cảm phục trí nhớ tuyệt vời của cựu tù Nguyễn Văn Trân, khi đã gần 80 năm mà ông vẫn nhớ và hát cho chúng tôi nghe bài hát tiếng Thái do chính ông sáng tác khi đang sống trong ngục tù, nhằm tuyên truyền, vận động bà con dân tộc Thái Sơn La đi theo Cách mạng. Những nốt nhạc đơn sơ, giản dị mà tâm huyết ấy đã góp phần đưa con thuyền cách mạng Việt Nam cập bến bờ thắng lợi.

"Khay nị xum háu khổ lai/ Khảu báu nhắng kin, pay pá khút mắn/ Hák va mắn mết còm cọi/ Ma lăng au săng liềng lụ, liềng mia?/ Nộp thuế, pay phu, pay lính/pọm căn xum háu tứn khửn!". Dịch nghĩa: Bây giờ chúng ta nhiều cực khổ/Gạo chẳng còn ăn, phải đi rừng đào củ/Nhưng mà củ cũng hết dần/Lấy gì nuôi vợ, nuôi con sau này?/Thế mà chúng ta lại còn phải nộp thuế, đi phu, đi lính/Anh chị em chúng ta hãy cùng nhau đứng lên !.

Ông Trân còn kể lại từng chi tiết cuộc vượt ngục lịch sử vào mùa thu năm 1943. Trước tình hình cách mạng đang rất thiếu cán bộ, Chi bộ Nhà tù Sơn La đã lãnh đạo và tổ chức cuộc vượt ngục vào ngày 3/8/1943, gồm 4 đồng chí: Nguyễn Văn Trân, Trần Đăng Ninh, Lưu Đức Hiểu và Nguyễn Lương Bằng. Các đồng chí này đã qua thời gian rèn luyện sức khỏe trước 3-4 tháng; hàng ngày khi được cử ra rừng làm việc, phải luyện đi bộ 15-30 cây số, leo đèo, vượt suối, đảm bảo đủ sức để đi thật nhanh trên 200 cây số đường rừng. Với sự dẫn đường thông minh, mưu trí của anh Lò Văn Giá, một thanh niên dân tộc Thái Sơn La, cuộc vượt ngục đã thành công tốt đẹp, bổ sung kịp thời lực lượng cán bộ nòng cốt cho Đảng để lãnh đạo phong trào cách mạng đang dâng trong cả nước. Bước sang năm 1945, thực hiện Chỉ thị của Trung ương Đảng "Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta", Chi bộ nhà tù đã lãnh đạo cuộc đấu tranh yêu cầu đòi thực dân Pháp phải thả toàn bộ tù chính trị mà không kèm theo một điều kiện nào. Đến thời điểm tháng 3/1945, gần 200 cán bộ của Đảng đã nhanh chóng thoát khỏi ngục tù, trở về lãnh đạo phong trào cách mạng tiến tới tổng khởi nghĩa tháng 8/1945.

Tại Sơn La, đầu năm 1945 đã phát triển được 60 cơ sở cách mạng trong toàn tỉnh, điển hình ở Mường Chanh cả 8 bản đều có cơ sở cách mạng. Hội "Người Thái cứu quốc" (Côn tay chất mương) có nhiều hoạt động tích cực, vạch trần tội ác của quân Nhật đối với nhân dân, kêu gọi các dân tộc đoàn kết hưởng ứng lời kêu gọi kháng Nhật cứu nước của Mặt trận Việt Minh. Hòa chung khí thế cách mạng trong cả nước, theo tinh thần chỉ đạo của Chi bộ nhà tù trước đây, ngày 26/8/1945, những người dân yêu nước Sơn La đã vùng lên giành chính quyền thắng lợi trong toàn tỉnh. Các tù chính trị sau khi thoát khỏi gông cùm của kẻ thù trở về đều tích cực tham gia hoạt động xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, nhiều đồng chí là lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước.

Chúng tôi tiếp tục đến thăm ông Nguyễn Văn Nhân (tên trong tù thường gọi Nguyễn Văn Dậu) ở thôn Thái Hòa, xã Bình Phú, huyện Thạch Thất, Hà Nội (tỉnh Hà Tây cũ). Được giác ngộ cách mạng khi mới 15 tuổi, ông Nhân đã tham gia rải truyền đơn, treo cờ Tổ quốc, làm giao liên, là cơ sở cách mạng…Tháng 6/1942, ông bị địch bắt giam tại địa ngục trần gian Hỏa Lò, sau đó 2 lần bị đày lên Sơn La khi tuổi mới mười tám đôi mươi. Ông đã cùng những người tù cộng sản trong Nhà tù Sơn La dũng cảm đấu tranh, bảo vệ khí tiết người cộng sản, tập hợp quần chúng, góp phần vào thắng lợi cuộc tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945 và giành chính quyền ở Sơn La ngày 26/8/1945.
Đã ngoài 90 tuổi, sự sống đã dần kiệt trong cơ thể ông qua đôi bàn tay còn ít hơi ấm, nhưng tâm hồn, kí ức của ông luôn hướng về những ngày hoạt động cách mạng gian khổ mà vẻ vang. Giữa đau đớn của bệnh tật, của tuổi già, ông Nguyễn Văn Nhân đã trao tận tay tôi cuốn Hồi ký "Sơ thảo - Những điều có biết…1935-1945", là những dòng tâm huyết của ông về quãng đời tham gia cách mạng với niềm tin tưởng gửi gắm thế hệ con cháu giữ gìn lịch sử nước nhà.

Qui luật của tạo hóa vốn "sinh lão bệnh tử", hôm nay các cựu tù chính trị như ông Trân, ông Nhân đã về yên nghỉ bên đồng chí, đồng đội năm xưa, nhưng lịch sử thì vẫn mãi trường tồn. Xin thắp nén nhang thơm vọng viếng và tưởng nhớ công lao to lớn của các ông - những chiến sỹ cộng sản - những tấm gương sáng chói tình nghĩa thủy chung, son sắt với nước, với dân.

Hoàng Liên (Thành phố)

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/sang-mai-nhung-ngon-lua-cach-mang-42587