Sang tên xe đúng hạn vẫn bị phạt (!?)

Có nơi, công an căn cứ vào hợp đồng bán xe của chủ xe với cửa hàng để phạt các trường hợp mua xe cũ thay vì phải căn cứ vào hóa đơn bán hàng của cửa hàng.

Một số công ty, cửa hàng mua bán xe máy cũ ở TP.HCM phản ánh: Nhiều khách hàng của họ đã bị Công an quận 4 xử phạt về lỗi không chuyển quyền sở hữu phương tiện dù người mua đã đi sang tên trong hạn 30 ngày sau khi mua xe. Điều đáng nói là với hành vi tương tự, công an các quận, huyện khác không xử phạt.

Nơi căn cứ theo hợp đồng

Bà Nguyễn Thị Xuân Mai, chủ cửa hàng xe máy Đức Mỹ (quận 8), cho biết: Tháng 10-2012, cửa hàng bà bán một xe máy hiệu Yamaha cho ông Nguyễn Hoàng Anh (hộ khẩu thường trú ở quận 4). Bà đã xuất hóa đơn bán hàng, kèm theo các giấy tờ liên quan (như giấy đăng ký xe, hợp đồng mua bán xe có công chứng giữa chủ cửa hàng với chủ cũ, bản sao giấy phép kinh doanh của cửa hàng…) để ông Anh đi sang tên. Tháng 11-2012, ông Anh đến Chi cục Thuế quận 4 đóng lệ phí trước bạ. Sau đó, ông nộp hồ sơ tại Công an quận 4 để hoàn tất thủ tục sang tên. Tuy nhiên, Công an quận 4 đã lập biên bản về việc không sang tên xe trong hạn định và sau đó ra quyết định phạt ông 1 triệu đồng về lỗi này. Quyết định xử phạt nêu rõ: Ông Anh đã đăng ký trễ hạn 30 ngày tính từ ngày chủ xe ký hợp đồng mua bán với cửa hàng. Để khách hàng không bị liên lụy, chủ cửa hàng đã đóng phạt thay cho ông Anh.

Công an đang kiểm tra xe để cấp giấy đăng ký xe. Ảnh: TH.HIẾU

Công an đang kiểm tra xe để cấp giấy đăng ký xe. Ảnh: TH.HIẾU

“Nếu công an cứ dựa theo hợp đồng mua bán giữa chủ xe và chủ cửa hàng để bắt lỗi chậm sang tên thì những cửa hàng kinh doanh xe máy cũ như chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Bởi lẽ không phải xe mua xong là bán được ngay. Tính từ lúc chúng tôi mua xe cũ cho đến khi có khách hỏi mua thường là khoảng thời gian dài. Khi xuất hóa đơn bán xe, cửa hàng đã đóng thuế. Mỗi chiếc xe bán ra lời rất ít mà còn phải chịu phạt 1 triệu đồng/chiếc thì các cửa hàng làm sao sống nổi” - bà Mai than thở.

Ông N., chủ một cửa hàng kinh doanh xe cũ ở quận 1, bất bình: “Chỉ riêng Công an quận 4 mới căn cứ vào hợp đồng mua bán giữa chủ xe và chủ cửa hàng để xử phạt. Theo đó, dù người mua có sang tên ngay sau khi mua xe cũng đều bị dính. Lúc trước, Công an quận 4 phạt 150.000 đồng theo Nghị định 34/2010 thì cửa hàng còn chịu được nhưng nay phạt gần gấp bảy lần theo Nghị định 71/2012 thì chúng tôi không kham nổi. Hoặc chúng tôi phải hạn chế bán xe cho khách hàng ở quận 4 hoặc phải bán cao hơn giá bình thường để có tiền nộp phạt. Kiểu nào thì chúng tôi cũng chết!”.

Nơi căn cứ thời điểm xuất hóa đơn

Cơ sở nào để Công an quận 4 có cách phạt nêu trên? PV đã liên hệ với Công an quận 4 để tìm hiểu sự việc nhưng nơi đây không trả lời.

Tại Công an quận 11, Thượng úy Lê Văn Vũ - Tổ phó Tổ Đăng ký xe, cho biết: Hiện nay, trên địa bàn quận 11 có rất nhiều cửa hàng mua bán xe cũ. Thủ tục sang tên các xe này cũng đơn giản nhằm tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh lẫn người mua. Khi xem xét lỗi không chuyển quyền sở hữu, quận dựa vào thời gian xuất hóa đơn bán hàng của chủ cửa hàng. Nếu hóa đơn bán hàng xuất đã hơn 30 ngày mà người mua không làm thủ tục sang tên thì quận mới ra quyết định xử phạt người mua.

Đại diện Đội CSGT quận Tân Bình khẳng định: “Người mua xe cũ từ các cửa hàng kinh doanh hợp pháp chỉ bị phạt lỗi chậm sang tên nếu quá 30 ngày kể từ ngày cửa hàng xuất hóa đơn bán xe mới đi làm thủ tục sang tên”. Tương tự, Đội CSGT quận Tân Phú cũng căn cứ theo hóa đơn bán hàng để giải quyết hồ sơ đăng ký xe.

Không có ý kiến quận 4 làm đúng hay sai, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an TP.HCM chỉ thông tin: Văn phòng Công an TP.HCM đã có văn bản lưu ý công an các quận, huyện chưa tiến hành xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo Nghị định 71/2012 của Chính phủ trong khi chờ Bộ Công an ban hành thông tư hướng dẫn phù hợp thực tế.

Luật sư TRẦN CÔNG LY TAO (Đoàn Luật sư TP.HCM):

Nên căn cứ theo hóa đơn bán hàng

Theo Thông tư 06/2009 của Bộ Công an, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày làm giấy tờ mua bán, cho, tặng, thừa kế xe, người mua hoặc nhận xe phải đến cơ quan đăng ký xe đang quản lý xe đó làm thủ tục sang tên, di chuyển, thay đổi đăng ký xe. Chứng từ mua bán, cho, tặng thừa kế xe gồm có một trong các loại giấy tờ sau: Quyết định bán, cho, tặng hoặc hợp đồng mua bán theo quy định của pháp luật; văn bản thừa kế theo quy định của pháp luật; hóa đơn bán hàng theo quy định của Bộ Tài chính.

Như vậy, tùy từng trường hợp mà cơ quan đăng ký xe sẽ yêu cầu người sang tên xe phải có một trong các giấy tờ trên cho phù hợp. Đối với xe mà hai cá nhân mua bán với nhau thì phải dựa vào hợp đồng mua bán có công chứng. Đối với xe (không phân biệt cũ hay mới) do các cửa hàng bán hợp pháp thì phải có hóa đơn bán hàng chứ không thể là hợp đồng mua bán… Chính vì thế, hóa đơn bán hàng là chứng từ cần phải được cơ quan đăng ký xe xem xét đến khi giải quyết hồ sơ sang tên đối với loại xe này. Theo đó, thời hạn 30 ngày để làm thủ tục sang tên xe cần phải căn cứ theo hóa đơn bán hàng thì mới hợp lý.

Bộ Công an cần hướng dẫn thống nhất để hạn chế những trường hợp mua xe cũ từ các cửa hàng bị phạt oan về lỗi chậm chuyển quyền sở hữu theo quy định.

Dựa theo hóa đơn

Trước đây, khi giải quyết hồ sơ sang tên xe của những người mua xe cũ ở các cửa hàng kinh doanh xe máy, tỉnh chỉ xử phạt lỗi chuyển quyền sở hữu trễ hạn căn cứ theo hóa đơn bán hàng. Nếu xử phạt căn cứ theo hợp đồng mua bán xe giữa chủ cũ với cửa hàng thì người mua xe cuối cùng phải chịu thiệt thòi.

Thượng tá LÊ HOÀNG TIẾN, Phó Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an tỉnh Tiền Giang

Chỉ nhắc nhở

Từ trước đến nay CSGT Vĩnh Long chưa xử phạt những trường hợp mua xe cũ đi sang tên chuyển quyền trễ hạn. Chúng tôi chỉ tập trung tuyên truyền, vận động người dân thực hiện việc sang tên, chuyển quyền ngay sau khi mua xe để tránh mọi phiền phức về sau và người dân thực hiện khá tốt.

Đại tá NGÔ VĂN PHIẾN, Phó Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an tỉnh Vĩnh Long

HÙNG ANH ghi

NG.HIỀN - TH.HIẾU

Nguồn PLO: http://phapluattp.vn/2013021909577899p0c1027/sang-ten-xe-dung-han-van-bi-phat-.htm