Sang 'trời Tây' thấy Việt Nam vẫn là nơi đáng sống!: Bài 3 - Đi lại ở Tây sướng nhưng... sợ

Bình thường có thể bay từ Sân bay quốc tế Nội Bài đi thẳng Sân bay quốc tế Charles de Gaulle (Paris, Pháp) bằng tàu bay của hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines). Do trục trặc tí chút về làm thủ tục visa, chúng tôi lỡ chuyến bay thẳng. Đành bay transit từ Nội Bài (Hà Nội) vào Tân Sơn Nhất (TP. Hồ Chí Minh)...

Một góc "quận sân bay" Charles de Gaulle. Ảnh: Huy Hoàng

Một góc "quận sân bay" Charles de Gaulle. Ảnh: Huy Hoàng

> Sang 'trời Tây' thấy Việt Nam vẫn là nơi đáng sống!: Bài 1 - Ở 'trời Tây' dễ 'ngất ngây'… vì đói

>> Sang 'trời Tây' thấy Việt Nam vẫn là nơi đáng sống!: Bài 2 - Nằm ở bên Tây mơ... được ngủ nghỉ ở nhà mình

Chờ transit "ké" cùng anh bạn có "thẻ kim cương" 2 tiếng đồng hồ ở phòng dành cho khách đi vé hạng thương gia. Vietnam Airlines tiếp khách ưu tiên ở phòng chờ khá chu đáo. Các nam, nữ nhân viên trẻ, đẹp, phục vụ niềm nở, lịch sự. Khách dùng đồ ăn búp phê, uống bia, rượu vang hoặc trà, cà phê thỏa thích. Chỗ sạc điện thoại tiện với vị trí ngồi. Dịch vụ wifi miễn phí, sóng nét căng...

Rồi cũng phải tạm biệt Tân Sơn Nhất. Chúng tôi làm thủ tục xuất cảnh đi Paris. Thủ tục xuất cảnh cũng nhanh. Hành lý được chuyển tiếp từ chặng Nội Bài - Tân Sơn Nhất - Charles de Gaulle, do vậy, chúng tôi không phải lách cách cân đong, đo gửi. Các tuyến bay quốc tế của Vietnam Airlines do chặng đi dài, nên phần lớn bay bằng tàu bay lớn, chủ yếu là Boeing 787. Tàu bay mới, khoang rộng, 3 hàng ghế. Nghe nói, không phải tiếp viên hàng không nào ở xứ ta cũng dễ dàng được "lọt" vào vị trí phục vụ trên các chuyến quốc tế, vì đây là vị trí việc làm thu nhập cao, lại thường xuyên "xuất ngoại".

Bay từ Tân Sơn Nhất (TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam) đến Sân bay quốc tế Charles de Gaulle, thủ đô Paris (Pháp) phải mất khoảng 14 tiếng. Nhìn trên bản đồ bay, đường bay chéo qua không phận của các quốc gia châu Á, trung Á, rồi vào khu vực châu Âu. Tiêu điểm Paris cứ hiện gần...

Ngồi chung hàng ghế với tôi là những người bạn đồng hành người Pháp, Tây Ban Nha. Họ đến Việt Nam du lịch. Chúng tôi cùng nhau ăn bữa tối, bữa đêm và bữa sáng trên tàu bay. Đồ ăn được nhà tàu chuẩn bị nóng hổi, có 2 sự lựa chọn là mì spaghetti thịt gà và cơm thịt bò sốt tiêu đen hoặc gà, heo sốt nấm. Những khách theo đạo Hồi không ăn thịt heo, bò theo phong tục. Đồ uống, có nước táo, cam, Cocacola, rượu vang, sâm panh, có cả rượu whisky. Tráng miệng, có dưa vàng, dưa hấu, thanh long... Vui nhất là có cả... mì tôm. Về đêm, các khách Việt có thói quen ăn đêm, thường gọi món mì tôm. Mùi mì tôm Việt không thể lẫn vào đâu được. Giữa đêm khuya khoắt, mùi mì tôm tỏa khắp tàu bay. Các khách tây sợ nhất thứ mùi độc ẩm này...

Rồi tàu bay cũng hạ cánh xuống Sân bay quốc tế Charles de Gaulle, thủ đô Paris (Pháp) sau một chuyến bay dài. Charles de Gaulle là một trong những sân bay quốc tế lớn nhất nhì thế giới. Người ta ví Paris dành hẳn một quận dành cho sân bay này, mặc dù nghe nói, tại thủ đô Paris vẫn còn một vài sân bay nhỏ, bay quốc nội.

Thủ tục nhập cảnh ở Pháp vừa dễ lại vừa khó. Khó là an ninh sân bay Charles de Gaulle rất chặt chẽ trong việc kiểm soát khách nhập cảnh, nhất là dịp cuối năm, áp Nô en và Tết Dương lịch. Đặc biệt là sự nghi vấn liên quan đến các phần tử khủng bố trong vai du khách nhập cảnh hoặc khách mang theo chất cấm, ma túy... Dễ, đó là thủ tục hành chính không rườm rà. Khách đến từ các nước cộng đồng châu Âu (EU) nhập cảnh theo luồng riêng. Khách từ các nước ký kết hiệp ước ngoại giao toàn diện với Pháp được ưu tiên một luồng. Khách Việt nhập cảnh bằng hộ chiếu công vụ được nhân viên an ninh sân bay dẫn vào luồng riêng, thông thoáng, chỉ phải chờ mươi mười lăm phút xếp hàng. Nhân viên an ninh sân bay chỉ mỉm cười thân thiện, chào "Bông rua" (Bonjour), xem kỹ hộ chiếu, đóng dấu nhập cảnh, rồi trả lại giấy tờ, chỉ chưa đầy 1 phút.

Đón chúng tôi tại cửa ra của Sân bay quốc tế Charles de Gaulle là một nam trung niên Việt kiều, tên Dũng. Dũng lái chiếc Mercedes màu đen, 7 chỗ ngồi. Đây là loại xe thiết kế kiểu "limousine", ngoài ghế lái, phụ, còn có 2 hàng ghế ngang, ngồi quay mặt vào nhau.

Trên đường từ sân bay về Quận 13, thủ đô Paris, vừa đi, Dũng vừa giới thiệu cảnh quan Paris, nhất là cái "quận sân bay" Charles de Gaulle. Đúng là như một quận thật, vì xe của Dũng chạy với tốc độ cao mà mãi vẫn nhìn thấy tàu bay đậu... bên đại lộ. Ít phút, vẫn nhìn thấy tàu bay lên, xuống ầm ào. Có đoạn đại lộ, còn nhìn thấy tàu bay bay vụt ngang qua trước kính ô tô đang chạy... Mật độ tàu bay cất, hạ cánh ở sân bay Sác Đờ Gôn đến chóng mặt.

Từ sân bay về Quận 13, xe chạy mất độ 30 phút. Đường phố Paris vào kỳ nghỉ cuối tuần (weekend) không đông xe như ngày thường. Ở Paris, hầu như không xảy ra chuyện tắc đường. Người Pháp dùng xe ô tô sản xuất nội địa là chủ yếu. Các hãng sản xuất xe lớn ở Pháp như: Peugeot, Renault, Citroen, Bugatti... Một số ít xe nhập từ châu Á hoặc của Anh, Đức như: Toyota, Mazda (Nhật Bản), KiA, Hyundai (Hàn Quốc), Mercedes, Porsche, BMW (Đức), Range rover (Anh)...

Đường sá ở Pari khá hẹp. Ngoài mấy đại lộ tỏa ra từ trung tâm đường tròn Khải Hoàn Môn thì phố sá, ngõ ngách chỗ nào cũng bé. Được cái ít xe cộ, nên vẫn thấy thoáng. Hầu hết chỉ thấy xe buýt (2 tầng), taxi, cứu thương, cảnh sát và số ít xe dịch vụ du lịch chạy trên các con phố.

Mới nhìn cứ ngỡ người dân Pháp ít sống ở Paris, thực ra nhiều lắm. Hằng ngày người dân đi ra ngoài, đến công sở, hầu hết là đi tàu điện ngầm hoặc tàu hỏa. Một số ít thì đi xe buýt ở những chặng ngắn. Pháp là một trong những quốc gia sớm xây dựng hệ thống tàu điện ngầm ở châu Âu. Hiện nay, hầu hết thế hệ tàu cũ được thay thế bằng những đoàn tàu mới, điều khiển tự động, điện tử rất sang trọng. Hệ thống ga điện ngầm ở Paris không cổ kính như ở Nga, Đức, Áo hay Anh.

Tôi cũng từng đi tàu điện ngầm ở nhiều quốc gia, nhưng khi đi tàu điện ngầm ở Pháp cũng thấy đây là một trải nghiệm thú vị và xen lẫn cả... cảm giác mạnh, nỗi lo sợ trong cái mê cung dưới lòng đất này.

Sợ nữa, đó là nếu ai đó mà thường ngày lề mề, chậm chạp, cứ cho đi tàu điện ngầm 3 lần là nhanh nhẹn hẳn. Nếu không nhanh, thì luôn bị lỡ chuyến, cảm thấy phiền phức và cả bực tức.

Được cái thú vị nữa, đó là chuyện nhường ghế. Nếu ai tuổi tầm trung, hoặc là phụ nữ, nhất là có bầu hoặc đem theo con nhỏ, lên tàu là được nhường ghế ngồi. Văn hóa của phương Tây là vậy. Có lẽ, vì thấy tôi có mái tóc bạc, nên mấy người bạn tàu khách tây hay nhường cho ngồi ghế. Nếu đi chặng dài, nhiều ga, đu bám cũng dễ mỏi vì tàu chạy nhanh vun vút, những cung đường cua, người đứng văng vặn như vỏ đỗ, vẹo xương...

Sợ nhất nhất khi đi tàu vào giờ tan tầm, có lúc lên tàu, chật một toa ngồi, đứng bám toàn là nữ sinh đẹp như tiên... Phụ nữ gốc Pháp đẹp lắm, nhất là những cô gái tuổi thanh xuân. Họ có đôi mắt xanh, mũi cao, dáng cao vừa phải. Phụ nữ Pháp da màu, da đen, gốc Ấn Độ hoặc Algeri nhiều cô cũng rất đẹp, nhất là đôi mắt sâu thẳm, hút hồn. Pháp là "Kinh đô của thời trang. Do vậy, thời trang nổi tiếng như: Chanel, Louis Vuitton, Hermès, Gucci, Dior, Burberry, Prada, Nina Ricci... Vì thế, phụ nữ Pháp hiện đại ai cũng đẹp, dù ở quốc gia đa chủng tộc, sắc màu da...

Một ga tàu điện ngầm ở Paris. Ảnh: Huy Hoàng

Một ga tàu điện ngầm ở Paris. Ảnh: Huy Hoàng

Một nỗi sợ khác khi đi tàu điện ngầm, đó là sợ phải đi bộ. Đi tàu điện ngầm ở xứ người rèn luyện cho bạn tác phong nhanh nhẹn, yêu thích... đi bộ. Ở ta, thường có thói quen một bước là "lên xe, xuống ngựa", thành ra mọi người ở phố rất lười đi bộ. Ở xứ người, không đi bộ không được, vì các ga tàu điện ngầm cứ hun hút lên xuống, vào ra, đổi tàu, tuyến... Cứ đi bộ miết thành quen. Những người có vấn đề về xương khớp hoặc lười vận động sẽ rất khó chịu với chuyện đi bộ. Còn chuyện rèn tác phong, chỉ riêng cái chuyện tàu dừng đỗ chưa đầy phút đã buộc bạn phải di chuyển thật mau lẹ, không là lỡ bến, chuyến. Ngán nhất là đi tàu mang theo nhiều hành lý cồng kềnh, vừa dễ cảm phiền khách cùng toa, vừa làm khó cho chính mình mỗi khi lên, xuống tàu...

Nỗi lo khi đi tàu điện ngầm ở Paris lớn nhất là bị khủng bố. Hôm chúng tôi đi tàu điện ngầm ở Paris, có một kẻ tự xưng trung thành với phần tử khủng bố IS đã tấn công giết chết một du khách người Đức. Ít lâu sau cũng có thêm hai vụ có dấu hiệu khủng bố tại ga tàu điện ngầm ở Paris. Cảnh sát Paris đã phải ra lệnh thắt chặt an ninh ở thủ đô, nhất là ở những tụ điểm vui chơi công cộng, ga tàu điện ngầm...

Một mối lo nữa khi đi tàu điện ngầm ở Paris, đó là dễ bị rạch, móc túi, cướp giật..., nhất là vào giờ cao điểm, khách đi tàu đông. Tàu điện ngầm ở Paris, trung bình cứ độ 1 phút có một chuyến dừng đỗ, đón, trả khách. Mỗi một ga lên xuống cách nhau chỉ độ 1 km, thế nên, tàu chạy vận tốc cao, vèo một cái là đến một ga. Lợi dụng khách chen chúc lên xuống tàu, kẻ gian trà trộn hành nghề trộm cướp.

Ở Paris, nghe nói nếu ai đó bị trộm, cướp tài sản trị giá từ 1.000 Euro trở xuống thì cảnh sát không can thiệp. Đây cũng chính là kẽ hở để đám trộm cướp hoành hành ở nhà ga và trên những tuyến tàu... Các phần tử trộm cắp trên tàu điện ngầm ở Paris phần lớn là dân nhập cư vào pháp. Do không có nghề nghiệp, thu nhập, sống nhờ vào số ít tiền trợ cấp xã hội nên nảy sinh làm liều trộm, cướp... Chúng ăn mặc lịch sự như những công chức Pháp, nhưng "bắt sóng" những con mồi hớ hênh rất nhanh. Khách đi tàu điện ngầm ở Paris có kinh nghiệm thường cất ví, điện thoại ở những túi kín đáo.

Nỗi lo bị lừa bán cho vé đi tàu rởm cũng thường trực đối với khách đi tàu điện ngầm ở Paris. Các ga tàu điện ngầm ở Paris đều có quầy bán vé trực tiếp hoặc quét QR mua vé trực tuyến. Khách có thể mua vé đi theo tuyến, nửa ngày, một hoặc nhiều ngày, tùy theo thứ tự ưu tiên. Vé tàu điện ngầm có thể dùng để đi xe buýt, xe khách, tàu hỏa ra ngoại ô...

Dù nhà tàu thường xuyên thông báo trên loa cảnh báo hành khách về sự lừa đảo, trộm cắp, nhưng chúng tôi vẫn bị sập "bẫy". Hôm đó, do khi qua cửa soát vé tự động, máy bị lỗi. Chúng tôi bị một người đàn ông da màu giả làm nhân viên bán vé đã đánh tráo 5 chiếc vé thật thành 5 chiếc vé hết hạn sử dụng, trị giá 21 Euro/vé. Vị chi, 5 chiếc vé trị giá hơn 100 Euro (hơn 3 triệu VND). Sự việc chỉ phát hiện ra khi ở bến xuống, chúng tôi bị mấy cô nhân viên soát vé chặn lại đòi xuất trình vé. Lúc này chúng tôi mới tá hỏa là đã bị lừa. Mấy cô nhân viên soát vé đề nghị báo cảnh sát xử phạt chúng tôi vì tội đi tàu bằng vé giả. May mà chúng tôi thanh minh, cộng thêm sự "ngoan ngoãn" nhận sai lầm nên được... tha. Tất nhiên là chúng tôi phải mua lại 5 chiếc vé... xịn mới tiếp tục hành trình được. "Trộm vía", cũng nhờ cái "luật" bất thành văn cảnh sát không can thiệp bị mất tài sản dưới 1.000 Euro nên chúng tôi đã không bị phiền toái.

Chuyện bị kỳ thị khi đi tàu điện ngầm cũng là một nỗi lo. Pháp là quốc gia đa sắc tộc. Phần lớn mọi người đều thân thiện và câu cửa miệng thường nghe thấy ở nơi công cộng, đó là "bonjour" (xin chào) và "mexi bocu" (cảm ơn). Tuy nhiên, đôi khi vẫn còn hiện tượng kỳ thị ở một số ít người da màu với người châu Á. Một lần, chúng tôi đi trên tàu điện ngầm ở Paris, người bạn của tôi bị một gã thanh niên nhìn với con mắt giận dữ, chửi thề vô cớ. Đến khi xuống tàu rồi, hắn vẫn đứng dưới sân ga chỉ trỏ về phía anh bạn, gào lên mấy câu chửi thề... Anh bạn dù rất nóng tính, nhưng cố gắng im lặng để tránh phiền phức...

Một mối lo khủng khiếp, đó là bị lạc trong ma trận tàu, người khi đi tàu điện ngầm ở Paris. Nếu lần đầu đi tàu điện ngầm, không tự trang bị "kỹ năng sống sót" thì chỉ riêng chuyện lỡ chuyến, nhầm ga, nhầm tàu, nhầm tuyến, lạc trong mê cung lối ra vào cũng làm bạn "tổn thọ". Tất nhiên, vé mua trị giá trong ngày hoặc vài ngày thì bạn cứ việc "lạc, lỡ" mà không mất phí. Chứ không, cứ loanh quanh tìm ga, tìm tàu, lối ra cũng dễ làm bạn... sạt nghiệp...

Tạm gác lại chuyện tàu xe ở Paris (Pháp), kể chuyện giao thông ở xứ sở sương mù Anh quốc. Chúng tôi làm thủ tục xuất cảnh sang Anh bằng thiết bị tự động ở Sân bay quốc tế Charles de Gaulle. Sân bay Charles de Gaulle có tỉ lệ tàu bay cất, hạ cánh với mật độ chi chít. Tiếp viên hàng không ở châu Âu nói chung, của Pháp nói riêng phần đa là lớn tuổi. Ở xứ bạn, tiếp viên hàng không không phải là nghề cao sang như ở xứ ta coi trọng. Bạn chỉ coi đó là một nghề phục vụ, giống như nhân viên phụ xe buýt, khách, nhà hàng. Người trẻ hoặc có học vấn, họ ít chọn nghề này.

Chỉ mất 45 phút, chiếc tàu bay loại nhỏ của hàng không Pháp đã hạ cánh ở Sân bay quốc tế Heathrow, thủ đô London (Anh). Tiếng là quốc tế, nhưng sân bay Heathow có vẻ bé. Tuy nhiên, mật độ tàu bay cất, hạ cánh cũng không kém gì Charles de Gaulle. Làm thủ tục nhập cảnh, nhận hành lý ký gửi ở sân bay Hearthow mất độ phút 25 phút. Không hiểu vì lý do gì mà thấy hành lý thất lạc, vô chủ ở sân bay này rất nhiều. Thất lạc hành lý khi bay các chuyến "tăng bo" quốc tế là chuyện thường tình, nhưng cũng đầy phiền toái cho cả nhà tàu và hành khách. Khách đi tàu bay có kinh nghiệm thường mang theo ít hành lý, bất đắc dĩ lắm mới phải mang theo nhiều đồ.

Bay từ Pháp sang Anh mất có 45 phút, nhưng chúng tôi đi taxi từ sân bay Heathow về chỗ ở nằm ở ngoại ô London mất gần 2 tiếng đồng hồ do tắc đường. Điều này khác với ở Paris. Đường sá ở London, Anh nhỏ, hẹp và quanh co, mấp mô. Do mang theo nhiều hành lý, nên chúng tôi phải thuê 2 chiếc taxi 7 chỗ. Dự định cố "nhồi" cả đoàn lên một chiếc taxi, nhưng tài xế nhất quyết không đồng ý. Riêng điểm này khá khen cho tài xế xứ bạn. Nếu ở ta, rất dễ các bác tài sẽ cố nhét thêm khách để tận thu theo đầu người và hành lý, bất chấp sự mất an toàn giao thông.

Dịch vụ taxi tại sân bay Heathow, London (Anh). Ảnh:Huy Hoàng

Dịch vụ taxi tại sân bay Heathow, London (Anh). Ảnh:Huy Hoàng

Giá đi taxi ở Anh, nếu so với chi tiêu ở ta thì đắt "cắt cổ". Ngán nhất là đi taxi nhằm trúng lúc kẹt xe. Xe dừng chờ tiến thoái lưỡng nan, còn đồng hồ báo giá cứ chạy vun vút. Hậu quả là khách phải trả một số tiền không nhỏ cho phí trải nghiệm taxi... tắc. Tài xế taxi ở Anh phần lớn là người da trắng, một số ít người có gốc da đỏ.

Xe taxi ở Anh thường là xe 7 chỗ, ghế ngồi được thế kế quay mặt vào nhau, khoang lái được ngăn cách với khách bằng một tấm mica để đề phòng tài xế bị trấn cướp. Vì lái xe taxi ở xứ bạn cũng được coi là một nghề dịch vụ bình thường, nên ai cũng có thể hành nghề nếu thích. Ở Anh thấy cũng có nhiều phụ nữ hành nghề lái taxi. Họ thường là những phụ nữ tuổi trung niên, to khỏe, nhanh nhẹn và cũng rất... nam tính.

Giao thông ở Anh giống như ở Hồng Kông, Thái Lan, Malaysia... Các xe ô tô đều là tay lái nghịch và đương nhiên, đường sá thiết kế làn tuyến theo tay lái nghịch. Người ở xứ khác đến, khi tham gia giao thông nghịch sẽ bị mất phương hướng, tẩu hỏa trong phân biệt... phải - trái. Nhìn xe đi ngược chiều, có cảm giác như sắp xảy ra tai nạn.

Nếu như trải nghiệm tàu điện ngầm ở Paris (Pháp) với những lo sợ, thì đi tàu điện ngầm ở London (Anh) cũng có nhiều cung bậc. Người Anh tự hào rằng, họ là xứ sở đầu tiên trên thế giới cho ra đời hệ thống tàu điện ngầm. Cũng vì lịch sử lâu đời này, nên nhiều tuyến tàu điện ngầm ở London cũ kỹ, thân hẹp, chật. Được cái các ga dừng đỗ cổ kính, đẹp. Chỉ có mấy tuyến mới mang tên Nữ hoàng Elizabert thì có tàu thân rộng, sang trọng, lái tự động (không người lái). Tàu có hệ thống điện tử báo điểm dừng rõ nét, tiện cho người mới đi khi muốn xuống ga cần đến.

Đi tàu điện ngầm ở London đông ở mọi thời điểm, nhất là các tuyến vào trung tâm, nơi có các điểm tham quan du lịch nổi tiếng như bigben, kingdom, cầu London, tòa thị chính... Trên tàu điện ngầm, số lượng ghế thiết kế đủ phù hợp, ưu tiên cho khách già yếu, phụ nữ có thai, người tàn tật. Còn lại, chủ yếu là không gian khoang dành cho khách đứng bám. Đi tàu mà có cảm giác như nhồi, nêm người vào từng toa đến nghẹt thở. Mặc dù tàu sạch, nhưng có bao nhiêu khách thì có bấy nhiêu thứ "hương" xả ra. Mỗi chuyến tàu "nêm" như vậy, chỉ khi xuống ga, khách đi mới thấy... "sự sống". Khổ nhất là đi tàu đem theo nhiều hành lý. Bảo sao có chữ "tây ba lô", vì khách tây đeo ba lô sẽ cơ động, thuận lợi hơn khi dịch chuyển, nhất là đi tàu, xe. Có trường hợp, khi tàu dừng ga, khách không kịp len ra, đành chịu quá ga, đón tàu ở làn khác để quay lại ga cần xuống... Vì thế, để đi tàu điện ngầm ở London muốn ngon nghẻ, người đi phải tự trang bị các kỹ năng lên, xuống tàu, giờ và tuyến đi không bị nhồi nhét...

Anh là xứ sở của xe buýt 2 tầng với màu đỏ nhận diện. Kiểu loại buýt này với sắc màu đỏ đã trở thành một thương hiệu giao thông quốc gia. Khách đến Anh du lịch cũng thích trải nghiệm loại phương tiện giao thông này. Tuy nhiên, sự bất tiện của nó lại chính là... chuyện tắc đường. Giao thông ở London cũng thường xuyên bị tắc, nhất là đường phố cửa ngõ vào trung tâm các tụ điểm du lịch nổi tiếng. Xe buýt 2 tầng chủ yếu đi trong nội đô và thường gặp cảnh kẹt xe ở những điểm du lịch như bigben, cầu London, tòa thị chính, kingdom house...

(Còn tiếp)

Huy Hoàng - Xuân Ban - Minh Đức

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/sang-troi-tay-thay-viet-nam-van-la-noi-dang-song-bai-3-di-lai-o-tay-suong-nhung-so-post520783.html