Sao không phải 'thịt học đường' mà là 'sữa học đường'?

Gần đây, nhiều bậc phụ huynh băn khoăn về sự cần thiết của chương trình sữa học đường. Nhiều người đặt nghi ngờ, liệu đây có phải là chương trình chủ yếu giúp các doanh nghiệp sữa tiêu thụ sản phẩm? Vì sao không phải là thịt/cá học đường mà cứ phải là sữa học đường?

Trẻ em Nhật bản uống sữa tại trường học

Trẻ em Nhật bản uống sữa tại trường học

Nói về điều này, một chuyên gia thuộc viện Dinh dưỡng Quốc gia cho hay, mục tiêu chung của các chương trình dinh dưỡng học đường bao gồm 2 mục tiêu: (1) Cung cấp năng lượng và (2) bổ sung các vi chất thiết yếu còn thiếu cho trẻ.

Với mục tiêu (1), vai trò của sữa hay thịt, cá... có sự tương đồng. Tuy nhiên, mục tiêu (2) là lý do để tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) lựa chọn và thực hiện chương trình sữa học đường.

“Ngoài vai trò là thực phẩm bổ dưỡng, sữa còn đóng vai trò là chất dẫn để bổ sung các vi chất còn thiếu cho trẻ. Việc bổ sung các Vitamin, khoáng chất vào sữa về mặt khoa học thuận lợi hơn nhiều việc bổ sung khi chế biến thịt, cá, cơm hay rau... Sữa học đường trước hết là vấn đề khoa học chứ không phải giúp các doanh nghiệp tiêu thụ sữa” – vị này nói.

Chuyên gia này cũng cho hay, một số quốc gia có tiến hành bổ sung vi chất thông qua con đường can thiệt dinh dưỡng học đường bằng cách bổ sung vi chất vào dầu ăn, gia vị... Tuy nhiên, các phương pháp đó khó thực hiện và “con đường” bổ sung vi chất thông qua sữa dễ thực hiện và có hiệu quả tốt nhất.

Trên thế giới hiện có khoảng 60 nước tham gia và hưởng ứng Ngày Sữa học đường thế giới do FAO phát động.

Mỹ là quốc gia triển khai sữa học đường vào diện sớm nhất thế giới. Chương trình sữa học đường của nước này được thực hiện đầu tiên vào tháng 6/1940 tại Chicago, sau đó là New York. Chương trình được mở rộng sang Omaha, Nebraska; Ogden, Utah... rồi được mở rộng trên toàn nước Mỹ.

Ở Nhật Bản, sau chiến tranh, tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em ở mức đáng báo động. Năm 1954, một luật đã ra đời có quy định đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ em tại các bữa ăn trưa ở trường học, bởi, bữa ăn trưa tại trường là một phần của giáo dục trẻ em.

Ở Trung Quốc, chính phủ nước này đã giới thiệu Chương trình Sữa quốc gia vào năm 2000. Sau một thập kỷ hoạt động, chương trình đã đạt hơn 8 triệu sinh viên vào cuối năm 2011.

Tại Việt Nam, sữa học đường được Chính phủ bàn đến cách đây 6 năm, nhưng do ngân sách hạn hẹp, chương trình bị đình lại. Tháng 7/2016, chương trình sữa học đường quốc gia chính thức được phê duyệt (Quyết định số 1340/2016/QÐ-TTg).

Hiện nay, nam thanh niên Việt Nam chỉ cao trung bình 163,7cm, thấp hơn 13,1cm với chuẩn của WHO; nữ cao trung bình 153cm, thấp hơn thế giới 10,7cm. Các nhà hoạch định chính sách kỳ vọng chương trình tổng thể về dinh dưỡng học đường, trong đó có chương trình sữa học đường triển khai ở tầm quốc gia có thể giải quyết vấn đề này.

Chương trình áp dụng cho trẻ mầm non và tiểu học (từ 3-12 tuổi - lứa tuổi quyết định đến 86 % chiều cao cơ thể).

Quyết định 1340/QĐ-TTg ngày 8 tháng 7 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020 đặt mục tiêu về dinh dưỡng như sau:

- Đáp ứng nhu cầu sắt, canxi, vitamin D của trẻ em mẫu giáo và tiểu học thêm 30% vào năm 2020.

- Đến năm 2020, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em mẫu giáo và tiểu học trung bình 0,6%/năm.

- Đến năm 2020, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em mẫu giáo và tiểu học trung bình 0,7%/năm.

- Đến năm 2020, chiều cao trung bình của trẻ tuổi nhập học (6 tuổi) tăng từ 1,5 cm - 2 cm ở cả trẻ trai và gái so với năm 2010.

Sỹ Lực

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giao-duc/sao-khong-phai-thit-hoc-duong-ma-la-sua-hoc-duong-1330589.tpo