Sạp báo, ai nhớ ai quên?

Sạp báo của ông là một trong những sạp báo cuối cùng trong thành phố. Cũng hơn 10 năm, đủ thời gian để ông ghi nhớ thói quen đọc báo của khách, đủ để ông tìm thấy giá trị nào đó thú vị ở những tờ báo giấy. Phố xá không còn nhiều sạp báo, chợt thấy nao lòng trước một hình ảnh rất quen thân nhưng lại dần hiếm hoi...

Sạp báo của ông Minh là một trong những sạp báo cuối cùng trong thành phố -Ảnh: K.L

Sạp báo của ông Minh là một trong những sạp báo cuối cùng trong thành phố -Ảnh: K.L

Chỉ mới cách đây 10 năm, sạp báo của ông Trần Văn Minh (68 tuổi), ở Quốc lộ 9B, Phường 5, TP. Đông Hà tấp nập người ra vào vì đắt khách. Ông kể: “Thời hoàng kim của báo giấy, người ta không khó để tìm thấy một sạp báo ở quanh thành phố. Hồi ấy, mỗi ngày có khi tôi bán được cả ngàn tờ báo. Nhưng bây giờ xu thế thay đổi nên sạp báo của tôi chỉ bán được mỗi ngày khoảng 50 tờ là nhiều rồi”.

Ngày nay, người dân tiếp cận thông tin báo chí chủ yếu qua báo điện tử, mạng xã hội, chỉ còn số ít sạp báo cũng như độc giả của báo giấy còn sót lại. Đối với ông Minh, duy trì sạp báo là duy trì thói quen, nét văn hóa của nhiều người. Ông nói, người trẻ thì ít ai tìm đến mua nhưng với người già, mỗi sáng họ đã quen với việc có tờ báo trong nhà, để vừa đọc, vừa nhâm nhi tách trà, tách cà phê. Đọc báo giấy, để sống chậm lại, để nghĩ chậm lại.

Đó là điều mà những tờ báo mạng không thể có. Ông Hoàng Kim Học (51 tuổi), ở phường Đông Giang cho hay: “Vì mắt kém nên tôi ít khi đọc báo trên điện thoại, báo giấy từ trước tới nay vẫn là cửa sổ giúp tôi nhìn ra thế giới. Hằng ngày, tôi có thói quen mua khoảng 2-3 tờ báo, đọc tin tức trước, đến tối đi làm về đọc phóng sự, bình luận. Cảm giác lật giở từng trang báo, hít hà mùi giấy không có máy móc nào thay thế được, ngày nào không đọc báo là thấy thiếu”.

Khi công nghệ phát triển, chúng ta có thể ngồi ở nhà lướt điện thoại, máy tính là có thể nắm được thông tin một cách nhanh chóng, rành mạch mà chẳng cần phải ôm cả tập báo như trước kia. Thời mà tin tức càng nhanh, càng nóng hổi, thu hút người đọc thì những tờ báo giấy như một món ăn truyền thống đang yếu thế dần.

Giờ đây, các sạp báo thưa vắng dần, muốn mua báo giấy không còn là điều dễ dàng như trước đây. Ông Minh tâm sự: “Thời buổi hiện tại, nếu mở sạp báo để mưu sinh thì e rằng rất chật vật. Bởi ít ai đọc báo giấy và báo giấy chủ yếu phát hành tới các cơ quan, đoàn thể. Tôi giữ sạp báo này không đơn thuần vì thu nhập mà còn vì sở thích, thú vui lúc về già. Nhưng cũng rất may là bây giờ một số cơ quan báo chí cho mình trả lại báo nếu không bán được”.

Có sạp báo, ông Minh thấy cuộc đời mình trở nên phong phú hơn. Nghề bán báo giờ không còn sôi động, đông khách như trước nhưng là niềm vui, là sự gắn kết giữa ông với nhiều “khách hàng ruột” từ hơn chục năm nay. Góc nhỏ này đã trở thành điểm hẹn để những người lớn tuổi gặp gỡ, trò chuyện, bàn luận rôm rả về các vấn đề trên báo, tin tức thời sự, câu chuyện thường nhật, hay lượm nhặt những thông tin bổ ích về sức khỏe trên báo để chia sẻ với nhau.

Ông Minh hào hứng nói: “Có những khách hàng lâu năm mà chỉ cần nhìn dáng người, nhìn mặt, nhìn xe cũng biết hôm nay người đó đọc gì. Nên họ chỉ cần dừng xe ở ngoài là tôi đưa vài tờ báo ra ngay. Cũng có những người lớn tuổi nhà gần đây hay lui tới sạp báo, tôi vẫn thường để cho họ đọc miễn phí, đọc hết tờ này đến tờ khác, lúc nào chán thì thôi”.

Có lẽ, dù cuộc sống có nhiều thay đổi nhưng những sạp báo giấy vẫn là hình ảnh đẹp, nơi lưu giữ văn hóa đọc, lưu giữ nét bình dị, thân thương giữa phố xá...

Võ Khánh Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/sap-bao-ai-nho-ai-quen/179670.htm