Sắp đến ngày hoàn thành, khu đô thị ở Quảng Nam chưa xong đền bù
Theo hợp đồng, Khu đô thị mới Trung tâm thị trấn Hà Lam hoàn thành ngày 6/9/2023, nhưng đến nay chủ đầu tư dự án là UBND huyện Thăng Bình vẫn chưa xong khâu đền bù, giải phóng mặt bằng.
Dân chưa chấp nhận mức hỗ trợ đền bù
Ghi nhận của PV Kinh tế & Đô thị vào ngày 17/8, dự án Khu đô thị mới Trung tâm thị trấn Hà Lam (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) có một vài xe ủi và công nhân đang thi công một số hạng mục, trong đó có trục đường chính của công trình. Nhiều khu đất ruộng cỏ mọc um tùm chưa được san lấp mặt bằng. Các đoạn cống hộp làm dang dở… Nhìn chung, dự án đang là một công trường ngổn ngang, dù ngày hoàn thành theo hợp đồng chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.
Theo tìm hiểu, dự án triển khai chậm và chắc chắn “vỡ” tiến độ là do vướng khâu giải phóng mặt bằng. Cụ thể, dự án vướng đất 5% (là quỹ đất nông nghiệp lấy từ: đất trông cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản để phục vụ cho các nhu cầu công ích của địa phương) khi hàng chục hộ dân không chấp nhận mức hỗ trợ, đền bù. Nhiều hộ dân không chịu ký nhận mức hỗ trợ hoa màu vì cho rằng đất họ khai hoang đã hơn 20 năm, không tranh chấp nên phải được hỗ trợ, đền bù thỏa đáng.
Như trường hợp chị Nguyễn Thị Minh Hương (khu phố 5, thị trấn Hà Lam), gia đình có 250m2 đất khai hoang. Chính quyền đưa mức hỗ trợ hơn 900 ngàn đồng nên gia đình chị Hương không ký nhận vì quá ít. “Trước đây đi làm giấy tờ, người ta nói khả năng đất khai hoang được đền bù ngang với đất có bìa đỏ. Sau đó mấy lần chính quyền mời lên bảo ký giấy đền bù hoa màu thì chúng tôi không chịu”- chị Hương cho biết.
Cũng theo chị Hương, tại cuộc họp dân mới đây, chính quyền chỉ nói thu hồi đất lại chứ không đền bù theo mức đền bù đất có bìa đỏ. “Người dân chúng tôi ý kiến nếu không đền bù được 100% thì có thể hỗ trợ cho dân 50 hay đến 70% so với đất có bìa".
Cũng như chị Hương, ông Võ Như Thành (khu phố 5, thị trấn Hà Lam) không chấp nhận mức hỗ trợ hoa màu 1,7 triệu đồng cho 400m2 đất khai hoang của gia đình.
Khu đô thị mới Trung tâm thị trấn Hà Lam có phạm vi đầu tư 12,11ha, trong đó 9,6ha xây dựng khu đô thị mới, còn lại khớp nối hạ tầng kỹ thuật. Dự án gồm các hạng mục san nền, giao thông, thoát nước, cây xanh, công viên, bãi đổ xe, cấp nước, cấp điện, thông tin liên lạc... Tổng vốn đầu tư 135 tỷ đồng từ ngân sách của huyện Thăng Bình.
Ông Thành cho biết, đất này trước đây huyện giao cho một đơn vị làm lò gạch. Sau khi lò gạch giải thể, người dân khai hoang để lấy đất sản xuất, trồng lúa và hoa màu.
Ông Nguyễn Hữu Thắng (khu phố 5, thị trấn Hà Lam) cũng không ký nhận mức hỗ trợ hoa màu cho 787 m2 đất khai hoang của gia đình. “Huyện nói hỗ trợ hoa màu chứ không đền bù nên gia đình không chịu”- ông Thắng cho hay.
Cần sớm có phương án để tránh lãng phí nguồn lực đất đai
Trả lời Kinh tế & Đô thị, ông Phan Viết Hạng- Phó giám đốc phụ trách Ban Quản lý Dự án – Đô thị huyện Thăng Bình cho biết, Khu đô thị mới Trung tâm thị trấn Hà Lam (giai đoạn 1) khởi công ngày 15/3/2022, ngày hoàn thành 6/9/2023.
Hiện tại, dự án triển khai chưa xong vì vướng giải phóng mặt bằng. Cụ thể theo ông Hạng, dự án vẫn vướng công tác giải phóng mặt bằng đất 5% và khu chỉnh trang, tổng diện tích vướng còn lại 8.135,8m2.
Chắc chắn chậm tiến độ nên phương án của chủ đầu tư là xin gia hạn. “Ban quản lý Dự án – Đô thị đã trình UBND huyện xin gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng đến ngày 30/9/2024 là hoàn thành công trình” – ông Hạng thông tin.
Tại lễ khởi công dự án, lãnh đạo huyện Thăng Bình cho rằng, đây là đô thị hiện đại, xanh, sạch, đẹp, bề thế nhất trung tâm Hà Lam, nối với đường Lam Sơn, sát Quốc lộ 1 và sẽ kết nối mở rộng dần về hướng đông nam.
Về phương án tháo gỡ khó khăn khâu đền bù, giải phóng mặt bằng diện tích đất còn lại trong bối cảnh một số hộ dân chưa thống nhất để thi công dự án, đại diện Ban quản lý Dự án – Đô thị huyện Thăng Bình vẫn chưa có câu trả lời khi phóng viên đề cập.
Trao đổi về vấn đề này, luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng) cho biết: "Theo quy định tại điểm d, khoản 1, điều 76 Luật Đất đai năm 2013 quy định về bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng như sau: các trường hợp không được bồi thường về đất nhưng được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất: d) Đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn;
Như vậy, trường hợp đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích 5% của xã, phường, thị trấn bị thu hồi thì không được bồi thường về đất nhưng được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất như: chi phí san lấp mặt bằng; cải tạo làm tăng độ màu mỡ của đất, thau chua rửa mặn, chống xói mòn, xâm thực đối với đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp; chi phí gia cố khả năng chịu lực chống rung, sụt lún đất đối với đất làm mặt bằng sản xuất kinh doanh…".
Như vậy, câu chuyện ở đây là một số hộ dân chưa chịu mức hỗ trợ hoa màu diện tích đất khai hoang nên dự án chưa thể hoàn thiện bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công, dẫn đến chậm tiến độ.