Sáp nhập 53 đơn vị hành chính cấp xã thành 24 đơn vị
Toàn tỉnh có 53 đơn vị hành chính cấp xã thuộc 10 huyện, thành phố sẽ sáp nhập để thành lập 24 đơn vị mới.
Thông tin trên được nêu trong tờ trình về phương án và các bước tiến hành sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2021 do đồng chí Vương Đức Sáng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy đọc tại Hội nghị lần thứ 17 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI.
Theo tờ trình, toàn tỉnh có 264 xã, phường, thị trấn; trong đó có 25 xã và 1 thị trấn chưa đủ 50% cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và dân số, phải nhập với 21 xã liên quan. Có 6 xã thực hiện khuyến khích sáp nhập đơn vị hành chính. Như vậy, tổng số sẽ nhập 53 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập mới 24 đơn vị, trong đó có 4 thị trấn. Cụ thể:
Huyện Cẩm Giàng nhập thị trấn Cẩm Giàng và xã Kim Giang; xã Cẩm Sơn và xã Cẩm Định.
Huyện Kim Thành nhập xã Việt Hưng và xã Tuấn Hưng; xã Kim Khê và xã Kim Lương; xã Cẩm La và xã Đồng Gia.
Huyện Ninh Giang nhập xã Hồng Dụ và xã Hồng Thái; Ninh Thành và Tân Hương; Hưng Long và Hưng Thái; Văn Hội và Văn Giang; các xã Ninh Hòa, Quyết Thắng và Ứng Hòe; các xã Hoàng Hanh, Quang Hưng và Tân Quang.
Huyện Thanh Miện: nhập xã Diên Hồng và xã Tiền Phong; nhập thị trấn Thanh Miện và xã Hùng Sơn.
TP Hải Dương nhập xã Thượng Đạt và xã An Châu.
Huyện Thanh Hà nhập xã An Lương và xã Phượng Hoàng; nhập xã Hợp Đức, xã Trường Thành và xã Thanh Bính.
Huyện Tứ Kỳ nhập xã Kỳ Sơn và xã Đại Đồng; các xã Đông Kỳ, Tứ Xuyên và Tây Kỳ.
Huyện Gia Lộc: nhập xã Phương Hưng và thị trấn Gia Lộc; các xã Trùng Khánh, Gia Hòa và Yết Kiêu.
Huyện Bình Giang: nhập xã Hưng Thịnh và xã Vĩnh Tuy; thị trấn Kẻ Sặt và xã Tráng Liệt
Huyện Kinh Môn nhập xã Thái Sơn và xã Phạm Mệnh; xã Phúc Thành và xã Quang Trung.
Đề án sắp xếp, nhập các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn và những tài liệu phục vụ việc lấy ý kiến của cử tri phải được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, của huyện và niêm yết tại trụ sở UBND, các điểm sinh hoạt cộng đồng thôn, khu dân cư tại các đơn vị thuộc diện sắp xếp và trình HĐND các cấp thông qua.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy lưu ý việc đặt tên cho đơn vị hành chính mới khi nhập do Ban Thường vụ cấp ủy huyện, thành phố thảo luận thống nhất với cấp ủy các xã, thị trấn có liên quan để lựa chọn tên gọi cho phù hợp và đưa vào đề án trình HĐND các cấp thông qua.
Ban Thường vụ cấp ủy huyện, thành phố thảo luận thống nhất với cấp ủy các xã, thị trấn có liên quan về việc bố trí trụ sở làm việc của đơn vị hành chính mới; chỉ đạo rà soát, xây dựng và thực hiện phương án tiếp nhận, bàn giao, sử dụng các trụ sở làm việc, tài sản, cơ sở vật chất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện sắp xếp bảo đảm thuận lợi để phục vụ nhân dân, đồng thời bảo đảm hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí tài sản, đất đai sau sáp nhập.
Việc sắp xếp tổ chức bộ máy, đánh giá, phân loại, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách tại các đơn vị hành chính mới phải bảo đảm lựa chọn được những người có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu công việc; đồng thời lập phương án giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ, công chức người hoạt động không chuyên trách dôi dư theo các chế độ của Trung ương và hướng dẫn của tỉnh.
Xây dựng kế hoạch, lộ trình và thực hiện việc sắp xếp số lượng cán bộ, công chức đơn vị hành chính xã mới được thành lập gắn với thực hiện tinh giản biên chế để bảo đảm số lượng theo lộ trình quy định trong thời gian 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đối với từng đơn vị hành chính có hiệu lực thi hành thì số lượng cán bộ, công chức ở đơn vị hành chính mới bảo đảm theo quy định. Việc thực hiện phải bám sát và đồng bộ với lộ trình kiện toàn về tổ chức bộ máy cấp ủy, chính quyền ở địa phương khi tổ chức đại hội đảng bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025 và bầu cử đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Cần gắn việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã với việc chỉ đạo xây dựng Đề án sắp xếp, nhập các đơn vị, cơ sở giáo dục.