Sáp nhập thôn, bản tổ nhân dân ở Yên Sơn: Lòng dân đồng thuận

Cùng với các địa phương trong tỉnh, đến hết tháng 5 - 2019, huyện Yên Sơn đã hoàn thành sáp nhập 167 thôn, bản, tổ dân phố thành 81 thôn, giảm số thôn xuống còn 387 thôn. Ghi nhận ở các thôn bản sau sáp nhập, bà con nhân dân cơ bản đồng tình, phấn khởi trước chủ trương lớn này.

Bộ phận một cửa xã Tứ Quận (Yên Sơn) hướng dẫn người dân thay đổi thông tin sau sáp nhập.

Bộ phận một cửa xã Tứ Quận (Yên Sơn) hướng dẫn người dân thay đổi thông tin sau sáp nhập.

Thôn Tân Hồ, xã Nhữ Hán trên cơ sở sáp nhập từ thôn Tân Lập và thôn Hồ những ngày này đang rộn ràng đồng áng. Câu chuyện 2 thôn nhập thành “một nhà” trở thành chủ đề rôm rả của bà con, ai cũng hào hứng với tên thôn mới, vui vẻ, đồng tình cao sau nhập thôn. Bà Nguyễn Thị Nga vui mừng chia sẻ: “Tôi thấy sáp nhập thôn mình chả mất gì, nhà cửa vẫn thế, càng đông, càng vui, giảm số lượng cán bộ, giảm chi tiêu từ tiền của nhân dân. Bây giờ phương tiện thuận lợi, có xe máy rồi nên chúng tôi không lo đường xa.

Ông Nguyễn Văn Quỳnh, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Tân Hồ cho biết: Ngay từ khi họp thôn, bàn về phương án sáp nhập hai thôn, người dân đã rất hào hứng tham gia phát biểu ý kiến bày tỏ đồng tình. Sau sáp nhập, việc huy động đóng góp ngày công lao động để thực hiện các công trình phúc lợi cũng sẽ thuận lợi, tập trung hơn, các công trình đầu tư của Nhà nước khi sáp nhập rồi chắc cũng tập trung hơn và còn nhiều lợi ích khác nữa. Đặc biệt, thôn được chọn làm điểm trong thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao của xã, sau sáp nhập con đường nối 2 thôn trước đây, nay đã được bà con đồng loạt trồng hoa ven đường, bên cạnh đó các tiêu chí về vệ sinh môi trường cũng được thực hiện hiệu quả.

Ông Phạm Văn Chúc, Bí thư Đảng ủy xã Nhữ Hán cho biết, trước khi sáp nhập thôn, toàn xã có 15 thôn, 1.425 hộ. Xã đã thực hiện sáp nhập 8 thôn để thành 4 thôn mới gồm thôn Tân Lập với thôn Hồ thành thôn Tân Hồ; thôn Cây Dừa với thôn Liên Minh 1 thành thôn Cây Dừa; thôn Con Voi với thôn 16 thành thôn Trung Hà; thôn Đồng Rôm 1 với thôn Đồng Rôm 2 thành thôn Đồng Rôm. Hiện tại, toàn xã còn 11 thôn. Để chuẩn bị cho quá trình sáp nhập thôn, đảng ủy xã đã chỉ đạo chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị, xã hội tổ chức tuyên truyền và họp bàn với nhân dân các thôn để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân. Nhận thức rõ được lợi ích của việc sắp xếp lại thôn, do vậy, việc triển khai phương án sáp nhập thôn đã cơ bản nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân.

Tại xã Tứ Quận đã thực hiện xong việc sáp nhập 4 thôn thành 2 thôn, số thôn giảm từ 15 thôn xuống còn 13 thôn. Ông Hà Xuân Tiệp, Chủ tịch UBND xã Tứ Quận cho biết, việc sáp nhập thôn được xã tiến hành theo đúng lộ trình, trước mắt, tiến hành sáp nhập các thôn đủ điều kiện, sau đó sẽ tiến hành sáp nhập các thôn khác theo đúng lộ trình. Hiện tại xã đang tập trung rà soát, lập danh sách đội ngũ cán bộ dôi dư sau khi sáp nhập để đảm bảo việc chi trả hỗ trợ được đầy đủ, đúng quy định. Bên cạnh đó, xã đã chỉ đạo các bộ phận chuyên môn như Công an xã, tư pháp hộ tịch, cán bộ văn hóa xã, cán bộ địa chính thực hiện việc rà soát, xuống từng hộ dân để hướng dẫn, giúp đỡ thực hiện các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính, giấy tờ tùy thân giúp bà con, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân sau sáp nhập.

Bên cạnh sự đồng tình với chủ trương sáp nhập, một số người dân cũng bày tỏ băn khoăn về một số khó khăn sau sáp nhập thôn như địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, dân cư phân bố rải rác... Ông Triệu Văn Đại, thôn Bản Khẻ, xã Trung Minh chia sẻ, thôn được sáp nhập từ thôn Nà Khẻ và thôn Bản Ruộng. Sau khi sáp nhập, thôn có diện tích rộng hơn, dân cư phân bố ở 2 khu vực nằm khá xa nhau, giao thông tuy đã thuận lợi nhưng còn khó khăn vào những ngày mưa gió. Việc tổ chức họp thôn khá khó khăn. Do đó, bà con mong muốn sau sáp nhập được các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ đầu tư hạ tầng cơ sở tốt hơn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân trong việc thay đổi các thông tin liên quan đến thủ tục hành chính, giấy tờ cá nhân như sổ hộ khẩu, thẻ bảo hiểm y tế…

Ông Lê Quang Toàn, Thủ trưởng cơ quan Tổ chức - Nội vụ huyện Yên Sơn cho biết: Khi có hướng dẫn của tỉnh, huyện Yên Sơn đã triển khai rà soát, xây dựng phương án tổ chức thực hiện sáp nhập, kiện toàn thôn, bản, tổ dân phố. Việc thực hiện đảm bảo theo trình tự, quy định, hợp lý, khách quan, phù hợp với điều kiện của từng địa phương và kịp thời nắm bắt, tháo gỡ, giải quyết những vướng mắc ngay từ cơ sở theo thẩm quyền. Quá trình thực hiện, phát huy trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị đã thể hiện rõ quyết tâm cao và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở.

Bên cạnh đó, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành từ huyện đến cơ sở để phổ biến sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân thấy rõ được những lợi ích của sáp nhập thôn, bản là để góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tinh gọn bộ máy và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, do vậy đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân.

Bài, ảnh: Ngọc Hưng

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/chinh-tri/trong-tinh/sap-nhap-thon-ban-to-nhan-dan-o-yen-son-long-dan-dong-thuan-119882.html