Sáp nhập trường học ở Đức Thọ: Sớm có giải pháp 'cân bằng' về cơ sở vật chất
Năm 2019, song song với việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) sẽ tiến hành sáp nhập các trường mầm non và tiểu học. Quá trình sáp nhập, còn có một số vấn đề về cơ sở vật chất cần giải quyết để nâng cao chất lượng dạy, học.
Năm nay, ở khối tiểu học, hai điểm trường của hai xã Đức Lạc và Đức Hòa thuộc huyện Đức Thọ sẽ tiến hành công tác sáp nhập. Để không làm xáo trộn hoạt động dạy và học của nhà trường, trước mắt, địa điểm học của hai trường vẫn sẽ được giữ nguyên. Nhưng do Trường Tiểu học Đức Lạc nằm giáp ranh giữa 2 xã, nên để thuận tiện về mặt địa lý, dự kiến, các hoạt động tập thể của học sinh ở cả hai điểm trường như lễ khai giảng, tổng kết, hoạt động đoàn, đội... sẽ được diễn ra ở điểm trường này. Do đó, áp lực cơ sở vật chất vì thế cũng tăng lên.
Thầy Nguyễn Xuân Tình - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đức Lạc cho biết: "Hiện tại, khu nhà đa chức năng của trường chỉ rộng khoảng 80m2. Với tổng số khoảng 350 học sinh sau sáp nhập, cơ sở này sẽ không đủ đáp ứng nhu cầu tổ chức các hoạt động tập thể.
Bên cạnh đó, vì là trường nằm giáp ranh giữa hai xã Đức Hòa và Đức Lạc, nên nhiều khả năng sau khi sáp nhập, một số gia đình ở xã Đức Hòa nhưng lại nằm gần điểm trường Đức Lạc hơn sẽ cho con em mình theo học tại đây để thuận tiện đi lại. Vì vậy, số học sinh các năm tới dự kiến sẽ tăng lên, đặt ra yêu cầu cần đầu tư thêm về cơ sở vật chất.
Hiện nay, với 9 phòng học, Trường Tiểu học Đức Lạc vẫn đảm bảo đủ về số phòng học. Tuy nhiên, theo Hiệu trưởng nhà trường, ngoài khu nhà chức năng không đủ diện tích để tổ chức các hoạt động tập thể, hệ thống máy tính cho học sinh học tập vẫn chưa đáp ứng đủ số lượng yêu cầu, một số đồ dùng dạy học đã hư hỏng do sử dụng quá lâu.
Không chỉ có áp lực về nâng cao cơ sở vật chất, việc sáp nhập trường còn đặt ra yêu cầu về sự đầu tư, phát triển đồng bộ cơ sở vật chất giữa hai điểm trường. Như ở hai trường: Tiểu học Đức La và Đức Nhân sẽ tiến hành sáp nhập nhưng cơ sở vật chất ở hai điểm trường chưa đồng bộ. Hiện tại, Trường Tiểu học Đức La đã có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, trong khi đó, Trường Tiểu học Đức Nhân mới đạt chuẩn quốc gia mức độ 1.
Cô Nguyễn Thị Thanh Hà - Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Đức Nhân cho biết: "Để đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, trường sẽ phải đầu tư thay mới, mua sắm thêm một số trang thiết bị, đồ dùng dạy học, bởi có một số thiết bị nay đã cũ. Để làm được điều đó, phải có sự hỗ trợ thêm của chính quyền địa phương và nguồn xã hội hóa".
Anh Lê Văn Lợi (ở thôn Đông Đoài, xã Đức La), một phụ huynh có con chuẩn bị bước vào bậc tiểu học bày tỏ: "Cần có sự đầu tư đồng bộ về cơ sở vật giữa hai trường sáp nhập để học sinh ở cả hai điểm được hưởng chất lượng đào tạo tương đương nhau, giúp các em học tập một cách tốt nhất".
Để giải quyết các vấn đề về cơ sở vật chất, ông Trần Hoài Đức - Phó Chủ tịch ỦBND huyện Đức Thọ cho biết: "Sắp tới, khi bước vào năm học mới, UBND huyện sẽ làm việc cụ thể với các xã để rà soát lại hệ thống cơ sở vật chất, từ đó có giải pháp nâng cao, phát triển đồng bộ cơ sở vật chất của các điểm trường.
Bên cạnh đó, cũng cần có thêm sự hỗ trợ của của chính quyền các cấp, nguồn đóng góp từ phụ huynh học sinh và nguồn vốn xã hội hóa. Dự kiến đến sau giai đoạn 2020 - 2025, trên cơ sở điều kiện vật chất cho phép, huyện sẽ nghiên cứu để sáp nhập hai điểm trường trong một xã mới lại thành một để chú trọng đầu tư quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục ".
Gắn với lộ trình sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, trong năm 2019, huyện Đức Thọ sẽ tiến hành sáp nhập các các trường tiểu học và mầm non của các xã, bao gồm: Đức Quang và Đức Vĩnh, Đức Tùng và Đức Châu, Đức La và Đức Nhân, Đức Hòa và Đức Lạc. Trong giai đoạn đầu, các trường chỉ sáp nhập về bộ máy ban giám hiệu và vẫn giữ nguyên địa điểm học.
Đình Sơn