Sắp thi công trở lại đoạn ngầm metro Hà Nội sau 1 năm tạm dừng
Do nhiều vướng mắc nên nhà thầu đã dừng thi công 12 tháng, Hà Nội cam kết mốc giải phóng mặt bằng và yêu cầu thi công trở trong tháng 8/2022.
Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội vừa có buổi làm việc với nhà thầu (Liên danh Huyndai và Ghella) thi công gói thầu đoạn tuyến 4km ngầm và ga ngầm của dự án đường sắt đô thị (metro) Nhổn - ga Hà Nội để đàm phán, tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy thi công trở lại gói thầu này.
Theo đó, UBND TP.Hà Nội cam kết hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng đoạn ngầm để bàn giao mặt bằng các phần còn lại cho nhà thầu chậm nhất trước ngày 15/10/2022; thanh toán tạm cho nhà thầu trước ngày 28/8/2022 về phần liên quan đến khiếu nại về chậm trễ ngày khởi công gói thầu.
“Đồng thời, tiếp tục thương thảo phụ lục hợp đồng các nội dung còn lại trên cơ sở công bằng, hợp tác, tuân thủ đúng các điều khoản hợp đồng đã ký và yêu cầu nhà thầu sớm quay trở lại thi công trong tháng 8/2022”, đại diện MRB cho biết.
Liên quan đến đoạn ngầm, từ cách đây 1 năm (tháng 7/2021), liên danh nhà thầu Hyundai - Ghella tạm dừng thi công gói thầu ga ngầm và tuyến đi ngầm của dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội.
Theo MRB, dự án gặp rất nhiều các vướng mắc, khó khăn về thủ tục giải phóng mặt bằng và sự chấp hành của các hộ dân, đặc biệt vướng mắc về khung chính sách và quy trình thực hiện bồi thường hỗ trợ cho các tòa nhà bị ảnh hưởng khi thi công tuyến hầm dẫn đến chậm bàn giao mặt bằng cho nhà thầu từ 1 đến 6 năm.
Một trong những vướng mắc là sau khi triển khai thi công các ga ngầm, phát sinh hình thức, phạm vi giải phóng mặt bằng mà chưa có cơ chế, chính sách để giải quyết. Đó là các trường hợp công trình, nhà dân bị tác động, ảnh hưởng (lún, nứt và nguy cơ ảnh hưởng) trong quá trình thi công ga ngầm và đào tuyến ngầm (các móng cọc công trình tòa nhà), cần có cơ chế, chính sách bồi thường để di dời, tạm cư.
Do chậm trễ bàn giao mặt bằng nên nhà nhầu khiếu nại lên Trọng tài Quốc tế, đòi bồi thường thiệt hại và tạm dừng thi công để gây áp lực đòi thanh toán lên chủ đầu tư.
Dự án đầu tư tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đang được xây dựng có chiều dài 12,5km, gồm 8,5km đi trên cao và 4km đi ngầm (Kim Mã - ga Hà Nội, với 4 ga gầm). Tổng mức đầu tư khoảng 32.910 tỷ đồng (1.176 triệu Euro), từ nguồn vốn vay ODA Ngân hàng đầu tư châu Âu, Chính phủ Pháp, Ngân hàng phát triển châu Á và vốn đối ứng trong nước.
Hà Nội dự kiến hoàn thành, đưa dự án vào khai thác vận hành đoạn trên cao vào cuối năm 2021 và toàn tuyến vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, từ năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và nhiều vướng mắc khác nên mốc tiến độ hoàn thành, khai thác vận hành đoạn trên cao được lùi đến cuối năm 2022 và đoạn ngầm sau vài năm nữa.
Đến hết tháng 7/2022, dự án đạt tiến độ tổng thể khoảng 75% (trong đó đoạn trên cao đạt 96%, đoạn ngầm 33%); giải ngân của năm 2022 đạt 17,22% kế hoạch.
Ngày 7/8/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn công tác Chính phủ đi kiểm tra thực địa và làm việc với lãnh đạo các Bộ, ngành, đơn vị nhà thầu thi công và TP. Hà Nội để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ xây dựng dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội.
Tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, nguyên nhân và trách nhiệm khiến dự án chậm tiến độ, đội vốn thuộc về chủ đầu tư là Hà Nội, các đơn vị tư vấn, các nhà thầu; sự phối hợp giữa các Bộ, ngành và TP Hà Nội chưa chặt chẽ, hiệu quả; các vướng mắc, vấn đề phát sinh đã không kịp thời được xử lý.
Theo Thủ tướng, cuộc họp đã cơ bản thống nhất về định hướng xử lý một số vấn đề phát sinh. Về mặt tiến độ, đoạn trên cao phải phấn đấu hoàn thành chậm nhất là 31/12/2022. Nhà thầu đã cam kết đáp ứng tiến độ này nên chủ đầu tư là UBND TP. Hà Nội phải đáp ứng các yêu cầu của nhà thầu; đồng thời nghiên cứu, tìm giải pháp rút ngắn ít nhất một nửa thời gian hoàn thành đoạn ngầm so với đề xuất hoàn thành vào năm 2027 của đơn vị tư vấn.