Sạt lở thủy điện Rào Trăng 3: Đêm con lại đòi ba, vợ đỏ mắt cầu phép màu
Nhiều ngày không liên lạc được với người thân bị sạt lở ở thủy điện Rào Trăng 3, những người thân của các công nhân ở đây vẫn chưa thôi hy vọng.
Cuộc gọi cuối cùng
Chiều muộn trên tuyến đường 11B qua trung tâm xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế, nơi đặt sở chỉ huy tiền phương cứu hộ cứu nạn vùng sạt lở thủy điện Rào Trăng 3, mưa mỗi lúc thêm nặng hạt. Ở đâu đó những góc nhỏ trên con đường dẫn lên Rào Trăng 3, một số thân nhân người bị nạn vẫn đang vọng về phía núi đợi tin.
“
Ngày 11/10, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế nhận được thông tin sạt lở tại khu vực thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền). Đoàn công tác gồm 13 cán bộ chiến sĩ, cán bộ QK4 và tỉnh Thừa Thiên Huế vào hiện trường cứu nạn thì bị sạt lở, vùi lấp khi đang trú tại Trạm giữ rừng 67. Đến ngày 15/10, toàn bộ thi thể đoàn cứu nạn được tìm thấy. Riêng, trong số 17 công nhân gặp nạn tại thủy điện Rào Trăng 3 mới chỉ tìm được 2 thi thể, 15 người còn lại vẫn chưa có tung tích.
”
Ông Lê Văn Hoan (62 tuổi) liền tức tốc bắt xe rời huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh vào Huế trong đêm khi nhận tin báo con trai là Lê Văn Sáng (công nhân thủy điện Rào Trăng 3) mất tích. Ông cho biết, anh Sáng vào làm công trình được ba năm nay. Cách đây một tuần còn gọi điện ra hỏi thăm sức khỏe vợ và hai con. Khi nghe tin dữ, vợ anh ngất xỉu, bác sĩ phải đến cấp cứu.
Kể từ ngày 10/10, chị Nguyễn Thị Ái (25 tuổi, trú xã Phong Xuân, huyện Phong Điền) vẫn chưa nhận được tin tức của chồng. Nhiều người thân, hàng xóm lui tới hỏi thăm về anh Nguyễn Bá Tuyến (32 tuổi, trú xã Phong Xuân, huyện Phong Điền) đang mất tích.
“Cách đây mấy ngày, anh Tuyến có gọi Facetime về nói chuyện với tôi và con và báo ngày mai (ngày 11/10) sẽ về. Tuy nhiên, hôm đó trời mưa to, nước lũ lên. Lo sợ nguy hiểm đến tính mạng nên tôi không cho anh về. Từ đó đến nay tôi không thể liên lạc được với chồng cũng không biết anh sống chết thế nào, chỉ biết ngồi hy vọng…”, chị Ái xót xa.
Ôm đứa con trai trong lòng, chị Ái kể, chị và anh Tuyến cưới nhau được 4 năm và có một cháu trai 3 tuổi. Anh học ngành điện và mới đây được ký hợp đồng với nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 khiến gia đình rất vui. Niềm vui ấy chưa được lâu thì tin sạt lở thủy điện ập đến khiến cả gia đình như ngồi trên đống lửa.
Theo chị Ái, cuối tuần nào anh Tuyến cũng đều về thăm gia đình, có việc lại chạy vào thủy điện. Đêm nào ở lại thủy điện, anh Tuyến cũng gọi điện để nói chuyện với con trai và bố mẹ ở nhà.
“Những ngày qua không thấy bố gọi, đêm nào con trai cũng hỏi: Mẹ ơi, sao ba lâu về thế?. Ba đâu rồi hả mẹ?. Lúc ấy tôi chỉ biết gạt đi nước mắt rồi bảo: Ngày mai ba về”, chị Ái òa khóc.
Bà Phan Thị Lương (thành phố Huế) kêu lớn tên con trai là anh Phạm Chí Thanh (24 tuổi, công tác tại một bộ phận kỹ thuật ở thủy điện Rào Trăng 3) giữa những màn mưa trắng xóa. Thanh là con trai duy nhất trong gia đình bà. Cách đây 1 tháng, bà mua nhiều nhu yếu phẩm như: Sữa, bánh… gói gém cho con trai lên đường vào thủy điện Rào Trăng 3 công tác. Lúc chia tay, con trai bà còn hứa sẽ tranh thủ về thăm nhà nếu xong việc. Thế mà bây giờ... Giọng bà Lương bị cắt ngang, đứt quảng bởi những tiếng nấc nghẹn.
“Không gọi được con trai, tôi gọi cho đồng nghiệp của nó đang làm tại Rào Trăng 3 nhưng tất cả đều thuê bao không liên lạc được. Nghe tin về vụ sạt lở nghiêm trọng ở thủy điện, tôi như chết lặng. Chỉ biết chạy lên đây để ngóng chờ tin con. Cầu nguyện cho con trai tôi được bình an trở về”, bà Lương lau nước mắt.
Khó khăn tiếp cận Rào Trăng 3
Trong ngày 17/10, Huế bắt đầu xuất hiện mưa lớn. Công tác cứu hộ những người còn mất tích trong sự cố sạt lở ở thủy điện Rào Trăng 3 gặp khó khăn. Theo đó, hướng tiếp cận thủy điện Rào Trăng 3 bằng đường bộ xuất phát từ trung tâm UBND xã Phong Xuân di chuyển vào đập nước cách thủy điện Rào Trăng 3 khoảng 5km thì phải dừng lại vì mưa lớn, nước dâng cao cuốn theo đất đá. Các phương tiện không thể di chuyển được và nhận định nhiều nguy hiểm nên đoàn phải tạm dừng phương án tiếp cận Rào Trăng 3, chờ thời tiết thuận lợi. Phương án nổ mìn phá những khối đá lớn cản đường cũng được đưa ra.
Trong khi đó, nỗ lực tiếp cận Rào Trăng 3 bằng đường thủy cũng bất thành trong sáng nay do mưa lớn. Theo hướng từ bến đò trên sông Bồ (đoạn thuộc lòng hồ thủy điện Hương Điền, xã Hương Bình, thị xã Hương Trà), đoàn cứu hộ đi bằng ca nô. Nước đầu nguồn sông Bồ lên nhanh, các thủy điện phải xả lũ buộc lực lượng cứu hộ quay về để đảm bảo an toàn.
Hiện công tác tìm kiếm các nạn nhân tại Rào Trăng 3 chỉ triển khai tại chỗ với 2 xe múc và 1 xe ủi của đơn vị thi công tại đây. Trung tướng Nguyễn Trọng Bình - Phó Tổng tham mưu trưởng Bộ Tổng tham mưu, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ có mặt tại Sở Chỉ huy tiền phương để cùng tham gia chỉ đạo công tác cứu hộ cứu nạn.