Sặt ngày mới

Những ngôi nhà khang trang san sát chẳng khác gì phố thị, tiếng trẻ cười đùa rộn rã, tiếng nhạc du dương trầm bổng từ các máy thu thanh hiện đại… đã cộng hưởng, khiến cho diện mạo khu tái định cư Sặt- nơi sinh sống của hơn trăm hộ đồng bào dân tộc Mường, xã Trung Sơn, huyện Yên Lập như bừng sáng trong nắng ấm ngày Xuân.

Hơn một trăm hộ dân ở lòng hồ đã được chuyển đến khu tái định cư Sặt.

Đến giờ, tôi vẫn còn nhớ như in chuyến công tác đầu tiên lên xã Trung Sơn, huyện Yên Lập vào cuối tháng 12 năm 2006, theo đoàn từ thiện mổ mắt miễn phí cho trẻ em vùng cao do Báo Công an nhân dân tổ chức. Sáng cuối đông, sương muối vẫn phủ trên ngọn cây duối, cái rét tê buốt đã trở thành “đặc sản” vùng núi cao này. Khi đoàn đến nơi cả trăm người đứng đợi, có đồng bào Mông khu Sáu Khe đi từ chiều hôm trước để kịp cho buổi khám. Sau chuyến làm từ thiện đó, mỗi chúng tôi ra về mang trong mình những trăn trở về cuộc sống còn nhiều khó khăn của người dân nơi đây.

Trở lại Trung Sơn lần này, cảm xúc trong tôi hoàn toàn khác khi được vui chung với niềm vui của bà con, nhất là các hộ đã nhường nhà ở, đất sản xuất để Nhà nước xây dựng Dự án Hồ chứa nước Ngòi Giành.

Cây quế là cây trồng chủ lực, cây giảm nghèo và làm giầu của người dân.

Phải mất hơn một giờ đồng hồ từ đường tỉnh 321 chúng tôi mới vào được xã Trung Sơn. Khu Sặt hiện ra trước mắt là con đường bê tông phẳng lỳ sạch đẹp, những ngôi nhà khang trang san sát, hai bên đường những bông hoa cúc đua nhau khoe sắc tạo nên khung cảnh trù phú, thanh bình. Tiếp chúng tôi trong căn nhà mới xây khang trang, ông Phùng Văn Cường là người sống gắn bó gần hết quãng đời mình tại vùng đất này đã nhiệt tình kể về việc người dân trong khu dời đến nơi ở mới để nhường đất cho Dự án hồ chứa nước Ngòi Giành. Lúc đầu bà con không ai muốn đi, nhưng được tuyên truyền, vận động, thấu hiểu đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nên mọi người đều đồng thuận…

Mặt trời dần tròn trên đầu. Cơn gió se lạnh lẫn với ánh nắng trưa khiến bản Sặt trở nên bừng sáng, phong quang hơn. Đưa chúng tôi tản bộ một vòng trong khu, hầu như nhà nào cũng đóng cửa, thi thoảng có tiếng ti vi vọng ra từ một vài căn nhà và tiếng nô đùa của mấy đứa trẻ đầu ngõ, bí thư chi bộ Đinh Văn Hòa hồ hởi khoe chuyện “đẩy lùi nghèo khó” ở nơi đây. Anh nói: “Giờ này trong khu chỉ có người già, trẻ nhỏ còn lại lên rừng thu hoạch quế hoặc đi làm ăn xa. Ngày trước khi thực hiện dự án đồng bào lo lắng, nghi ngại mất hết đất sản xuất không có lúa gạo để ăn. Nhưng thực tế ở đây làm gì có nhiều đất nông nghiệp để trồng lúa, chúng tôi chủ yếu phát triển lâm nghiệp và chăn nuôi gia súc”. Nhất quán quan điểm chỉ đạo là nơi ở mới phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, các hộ dân ở khu Sặt được nhận tiền đền bù nhà nhiều 1,8 tỉ đến 2,8 tỉ đồng như nhà ông Cường, ông Minh, bà Hon… còn lại từ vài trăm triệu đến một tỉ đồng. Có tiền bà con xây dựng nhà cửa, mua sắm các tiện nghi đắt tiền phục vụ cuộc sống, đầu tư cho con cái học tập và phát triển kinh tế.

Gia đình ông Phương nuôi 26 con bò, trâu phát triển kinh tế.

Lùa đàn trâu, bò hơn hai chục con tới nơi chăn thả, ông Phùng Văn Phương vừa đi vừa nói: “Nằm mơ chúng tôi cũng không nghĩ mình có được cuộc sống như ngày hôm nay. Đời ông bà, cha mẹ và nửa đời của tôi nữa sống trong cảnh lam lũ, cái đói, cái nghèo cứ bủa vây chẳng có lối thoát. Vài năm trước điện lưới quốc gia được kéo đến tận khu, đường giao thông mở rộng nâng cấp đồng bào đã mừng lắm rồi, nay còn được sống trong căn nhà khang trang, mỗi hộ bình quân được 400m2 tha hồ để nông cụ, lúa, ngô, khoai, sắn và các sản vật khác”.

Quay lại bốn năm trước khi triển khai xây dựng Dự án hồ chứa nước Ngòi Giành không ít khó khăn, hàng chục đoàn từ bộ, ngành, địa phương đi khảo sát, kiểm đếm, làm công tác dân vận. Vướng mắc lớn nhất thời điểm bấy giờ trong công tác giải phóng mặt bằng là bà con nhiều đời bám rừng, sống nhờ rừng và mang nặng tư tưởng cố hữu không có đất mất kế sinh nhai… Tập trung tháo gỡ, vận động với nhiều giải pháp hữu hiệu đúng ý Đảng, thuận lòng dân, 450 hộ đã đồng thuận nhường đất đai, nhà cửa để xây dựng Dự án. Trong đó có 252 hộ phải di chuyển nhà tới ba nơi tái định cư là: Dùng, Đâng, Sặt.

Từ trên cao nhìn dòng nước đổ trắng xóa ra từ các cửa xả, Chủ tịch UBND xã Trung Sơn Đinh Văn Đóa chỉ tay về phía lòng hồ nói: “Gian nan lắm hồ chứa nước Ngòi Giành mới lên hình, lên dáng như ngày hôm nay. Đồng bào ở vùng Dự án cũng rất phấn khởi vì họ đã “an cư” và tiếp tục phát triển kinh tế”.

Một mùa Xuân mới lại về, cuộc sống của người dân ở khu tái định cư đang dần ổn định, họ như cây quế trên rừng đã bắt đầu bén rễ, đâm chồi nảy lộc. Bên những ngôi nhà kiên cố, khang trang cùng các công trình phụ trợ điện, đường, nước sạch sinh hoạt đã tạo cho vùng đất này một sức sống mới.

Thúy Hằng

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//kinh-te/sat-ngay-moi/190392.htm