Sau 2 năm sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã: Mở hướng phát triển mới
Sau sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, toàn tỉnh có 31 trụ sở làm việc của Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp xã thuộc diện dôi dư (sau đây gọi tắt là trụ sở).
Bài 2: Tìm cách xử lý trụ sở công dôi dư
Hơn 2 năm qua, ngoài số ít các trụ sở vẫn được khai thác, sử dụng thì nhiều trụ sở bỏ không (gồm cả những nơi mới được xây dựng), bị xuống cấp, gây lãng phí. Thời gian qua, việc xử lý các trụ sở này là “bài toán khó”. Sau khi dịch Covid-19 lắng xuống, các cơ quan chức năng đang tập trung rà soát, xây dựng phương án để trình cấp có thẩm quyền quyết định hướng xử lý phù hợp.
Nơi sử dụng trụ sở cũ, nơi bỏ không
Năm 2019, huyện Tứ Kỳ sáp nhập 5 xã để thành lập mới 2 xã Đại Sơn, Chí Minh. Tứ Kỳ là địa phương điển hình về khai thác, sử dụng tốt các trụ sở dôi dư.
Xã Đại Sơn được sáp nhập từ 2 xã Đại Đồng và Kỳ Sơn. Xã này hiện vẫn sử dụng cả 2 trụ sở làm việc ở 2 xã cũ. Trụ sở chính đặt tại xã Kỳ Sơn cũ, còn trụ sở ở xã Đại Đồng cũ được sử dụng để làm nơi làm việc của bộ phận “một cửa”, Công an xã và Ban Chỉ huy quân sự xã. Hai trụ sở cách nhau chừng 1 km.
Theo ông Nguyễn Duy Tam, Công chức Văn phòng - Thống kê xã Đại Sơn, khi triển khai chủ trương sáp nhập, nhiều người dân đề nghị giữ lại trụ sở xã Đại Đồng cũ để tạo thuận lợi trong làm thủ tục hành chính. Cùng sử dụng 2 trụ sở, đối với cán bộ thì hơi bất tiện nhưng người dân Đại Đồng cũ lại thích.
Xã Chí Minh được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 xã Tứ Xuyên, Tây Kỳ, Đông Kỳ. Sau sáp nhập, trụ sở làm việc của xã này đặt tại trụ sở xã Tây Kỳ cũ. Trụ sở xã Đông Kỳ và Trạm Y tế xã Đông Kỳ cũ sát nhau, được tu sửa để làm điểm Trường THCS Chí Minh. Việc tu sửa Trạm Y tế Đông Kỳ cũ sắp hoàn thành, căn nhà 3 tầng sẽ dùng làm các phòng học. Còn lại, trụ sở xã Đông Kỳ cũ được tận dụng để làm nhà hiệu bộ, nhà đa năng…
Trụ sở xã Tứ Xuyên cũ hiện vẫn bỏ không, gần với Trường Tiểu học Chí Minh II. Xã Chí Minh đề nghị sử dụng trụ sở này để làm cơ sở vật chất cho Trường Tiểu học Chí Minh II. Phương án này hợp lý bởi có thể tận dụng, cải tạo trụ sở cũ để làm nhà hiệu bộ, phòng học bộ môn…
Ở nhiều nơi khác có trụ sở công gần với trường học thì việc tận dụng các trụ sở cũ làm cơ sở vật chất trường học là một cách làm hợp lý, đỡ gây lãng phí, tiết kiệm ngân sách đầu tư xây dựng công trình mới.
Sau sáp nhập, trụ sở làm việc của xã An Phượng (sáp nhập từ xã An Lương và Phượng Hoàng, Thanh Hà) đặt tại trụ sở xã Phượng Hoàng cũ. Trụ sở làm việc xã An Lương cũ có diện tích 1.300 m2, mới được xây dựng xong năm 2018 với kinh phí đầu tư 7 tỷ đồng nhưng 1 năm sau phải bỏ không vì sáp nhập. Nhiều cán bộ, người dân địa phương rất tiếc vì trụ sở mới xây xong giờ lại bỏ hoang. Ông Phạm Hữu Thanh, Chủ tịch UBND xã An Phượng cho biết địa phương đề nghị cho đấu giá quyền sử dụng đất, làm khu dân cư mới với diện tích đất khuôn viên trụ sở này.
Những phương án xử lý
Trụ sở làm việc xã Định Sơn (sáp nhập từ 2 xã Cẩm Định và Cẩm Sơn, Cẩm Giàng) hiện đặt tại trụ sở cũ của xã Cẩm Định. Còn trụ sở xã Cẩm Sơn cũ có diện tích 5.000 m2 với 3 khối nhà hiện vẫn bỏ không. Nhìn từ bên ngoài, trụ sở xã Cẩm Sơn cũ còn khá mới nhưng vào bên trong một số nơi đã có biểu hiện xuống cấp. Một số khu vực nền nhà bị bong tróc, gạch men bị vỡ. Xã Định Sơn mong muốn được cơ quan có thẩm quyền cho phép phân chia trụ sở cũ này thành 2 phần, một phần để sáp nhập vào khuôn viên chùa Giám và một phần để dành làm nhà văn hóa cho thôn 2 vì thôn này chưa có nhà văn hóa.
Ngoài Định Sơn, huyện Cẩm Giàng còn có thị trấn Cẩm Giang được sáp nhập từ thị trấn Cẩm Giàng và xã Kim Giang. Trụ sở hiện tại của thị trấn này đặt tại trụ sở ở xã Kim Giang cũ, còn trụ sở thị trấn Cẩm Giàng cũ có diện tích 3.265,9 m2 vẫn bỏ không. Địa phương đề nghị khai thác diện tích trụ sở cũ theo hướng một phần diện tích được quy hoạch khu văn hóa cộng đồng, phần còn lại chuyển cho Trường THCS Cẩm Giang.
Thời gian qua, nhiều ý kiến của cán bộ, người dân đề nghị cần sớm có phương án sử dụng, khai thác các trụ sở dôi dư ở các đơn vị hành chính cấp xã sau sáp nhập để tránh lãng phí cơ sở vật chất. Sở Tài chính đang phối hợp các cơ quan, địa phương liên quan rà soát các trụ sở công dôi dư ở các xã sáp nhập cùng với các cơ sở nhà đất của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị trực thuộc trong tỉnh để tham mưu cho UBND tỉnh xem xét phê duyệt phương án sắp xếp, xử lý nhà đất tổng thể theo quy định của Nghị định 167/2017/NĐ-CP và Nghị định 67/2021/NĐ-CP của Chính phủ (phương án toàn tỉnh).
Theo Sở Tài chính, tổng số trụ sở trước khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã là 56, sau khi sáp nhập còn dôi dư 31 trụ sở. 31 trụ sở dôi dư này đang được cơ quan chức năng rà soát, đề xuất cơ quan có thẩm quyền quyết định xử lý. Các phương án đề xuất xử lý đang được nghiên cứu là nhiều trụ sở tiếp tục được giữ lại để làm nơi làm việc cho các đoàn thể, đài phát thanh, làm nhà văn hóa thôn, khu dân cư, trung tâm học tập cộng đồng, hội trường xã; quy hoạch diện tích đất để trồng cây xanh, làm cảnh quan cho các thôn, khu dân cư; một số nơi sẽ được thu hồi để mở rộng chùa, đình; nhiều trụ sở được đề xuất điều chuyển cho đơn vị khác sử dụng (làm trường học, trạm y tế…), hoặc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất…