Sau 3 tháng tăng lương cơ sở: Những tác động tới doanh nghiệp, người lao động?

Sau 3 tháng lương cơ sở tăng từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng, đã tác động không nhỏ tới đời sống người lao động cũng như doanh nghiệp.

Đời sống dân sinh ổn định

Từ ngày 1/7/2024 mức lương cơ sở đã tăng từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng. Đến nay, sau 3 tháng thực thi, mức lương này đã có tác động không nhỏ tới doanh nghiệp cũng như đời sống người lao động.

Phân tích về điều chỉnh tăng lương lần này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã từng đánh giá, đây là mức tăng cao nhất từ trước đến nay trong lịch sử tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang; góp phần cải thiện đời sống người hưởng lương và các đối tượng hưởng chế độ phụ cấp, trợ cấp và chính sách hỗ trợ gắn với mức lương cơ sở.

Lương cơ sở tăng sẽ tác động nhiều với doanh nghiệp sử dụng đông lao động như dệt may, da giày. Ảnh: T.Tâm

Lương cơ sở tăng sẽ tác động nhiều với doanh nghiệp sử dụng đông lao động như dệt may, da giày. Ảnh: T.Tâm

Với mức tăng lần này cho thấy, Chính phủ luôn hướng tới mục tiêu tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống người lao động và gia đình người hưởng lương, tạo động lực nâng cao năng suất lao động.

Chị Nguyễn Thị Hòa (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: Sau hơn 20 năm công tác, với lần tăng lương này, thu nhập của chị đã tăng thêm 2 triệu đồng/tháng, lên gần 10 triệu đồng/tháng. Khoản thu nhập này giúp công nhân viên chức lao động có thêm khoản chi phí không nhỏ để trang trải cuộc sống.

Điều quan trọng hơn, đợt tăng lương lần này tuy có làm giá cả ở một số chợ dân sinh, cửa hàng của tiểu thương tăng đôi chút nhưng chỉ một thời gian ngắn đã ổn định trở lại. Khảo sát của phóng viên tại một số chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội những ngày đầu tháng 7/2024 cho thấy, từ rau xanh, thịt, cá… cho đến các dịch vụ thiết yếu đều tăng nhẹ. Ví dụ, rau xanh tăng từ 1.000 – 2.000 đồng/mớ; thịt bò, cá tăng từ 5.000 – 10.000 đồng/kg (tùy từng loại); giá dịch vụ cắt tóc, gội đầu tăng từ 10.000 – 20.000 đồng (tùy cửa hàng)... nhưng sau đó 1 tuần ổn định trở lại.

Còn tại các siêu thị, trung tâm thương mại hàng hóa phong phú, giá cả ổn định. Ngoài ra còn có nhiều chương trình khuyến mãi giảm giá từ 10-50% một số mặt hàng tiêu dùng, đem lại dư luận xã hội tốt.

Kết quả này đúng như dự đoán của giới chuyên gia kinh tế, sau khi lương cơ sở tăng, giá cả có thể tăng theo ngay sau đó do hiệu ứng tâm lý, nhưng nếu sau đó không có các "cú sốc" về vĩ mô thì lạm phát không thể tăng cao.

Thực tế thời gian qua, Chính phủ đã có những chính sách điều hành giá linh hoạt, quyết liệt. Những tác động cũng đã được dự báo trước ngay từ khi xây dựng chính sách nên lạm phát nằm trong mức cho phép.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng tháng 7/2024 tăng 0,48% so với tháng trước; tháng 8/2024 chỉ số giá tiêu dùng tiếp tục ổn định (so với tháng 12/2023, chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 tăng 1,89% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,45%). Bình quân 8 tháng năm 2024, chỉ số giá tiêu dùng tăng 4,04% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,71%, đây là kết quả đáng khích lệ.

Những tác động tới doanh nghiệp?

Lương cơ sở là mức lương được dùng làm căn cứ tính mức đóng cũng như mức hưởng của nhiều chế độ bảo hiểm xã hội. Vì vậy, từ ngày 1/7/2024 khi lương cơ sở tăng từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng sẽ tác động tới doanh nghiệp, nhất là với doanh nghiệp sử dụng đông lao động như dệt may, da giày…

Vì khi lương tối thiểu vùng tăng, mức tiền lương tối thiểu làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cũng sẽ tăng theo. Do đó, nếu đang đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động theo mức lương tối thiểu vùng thì từ ngày 1/7/2024, số tiền hàng tháng doanh nghiệp phải bỏ ra để đóng các loại bảo hiểm bắt buộc sẽ tăng thêm đáng kể so với trước. Trường hợp đã đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động theo mức lương cao hơn lương tối thiểu vùng thì số tiền đóng các loại bảo hiểm bắt buộc của doanh nghiệp không cần điều chỉnh tăng.

Mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Đồng Tháp kiến nghị cần đánh giá tác động của tăng lương cơ sở đối với các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tự nguyện; xem xét nâng mức hỗ trợ đối với các đối tượng này.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ động nghiên cứu, phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ và các bộ, ngành khác liên quan đánh giá tác động của việc thực hiện chính sách tiền lương mới đối với việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội; trong đó có việc đánh giá tác động của việc tăng mức lương cơ sở đối với người đang tham gia và thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội gửi Bộ Nội vụ tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền khi xem xét phương án thực hiện chính sách tiền lương mới.

Về đánh giá tác động của việc tăng mức lương cơ sở đối với người tham gia bảo hiểm y tế và kiến nghị hỗ trợ đối với người tham gia bảo hiểm y tế: Dựa trên phạm vi quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, Quốc hội và Chính phủ đã quy định mức đóng bảo hiểm y tế dựa trên điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và khả năng đóng góp của Nhà nước, doanh nghiệp, người lao động và người dân.

Theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, mức đóng bảo hiểm y tế hàng tháng tối đa bằng 6% mức tiền lương hoặc tiền lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp thất nghiệp hoặc mức lương cơ sở. Trên cơ sở quy định của Luật Bảo hiểm y tế, Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế đã quy định mức đóng Bảo hiểm y tế là 4,5%.

Để việc tăng lương cơ bản không gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, giới chuyên gia kinh tế khuyến cáo doanh nghiệp cần có những kế hoạch linh hoạt và phù hợp.

Tính toán của giới chuyên gia, việc điều chỉnh lương lần này chủ yếu diễn ra trong khu vực công có quy mô không lớn trong nền kinh tế, vì vậy, tác động từ việc tăng lương tới lạm phát thời gian tới sẽ không lớn. Tuy nhiên thông thường những tháng cuối năm giá mặt hàng tiêu dùng dễ tăng, vì vậy các bộ, ngành cần chủ động điều hành nhịp nhàng giá các mặt hàng Nhà nước quản lý như viện phí, học phí, xăng dầu và tăng cường thanh kiểm tra thị trường, kiểm tra kê khai giá, thực hiện chống đầu cơ, lũng đoạn, thao túng giá…

Tâm An

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/sau-3-thang-tang-luong-co-so-nhung-tac-dong-toi-doanh-nghiep-nguoi-lao-dong-349574.html