Sau cuộc tấn công bằng tên lửa vào Israel: Iran không muốn leo thang căng thẳng

Trong một tuyên bố sáng 2.10, Iran cho biết, cuộc tấn công bằng tên lửa của nước này nhằm vào Israel đã kết thúc, trừ phi nhà nước Do Thái có thêm hành động khiêu khích. Trong khi đó, Israel và Hoa Kỳ đều cảnh báo sẽ có hành động đáp trả, làm gia tăng lo ngại về một cuộc chiến rộng lớn hơn.

Iran: Cuộc tấn công đã kết thúc

"Hành động của chúng tôi sẽ kết thúc trừ phi chế độ Israel quyết định trả đũa thêm. Trong kịch bản đó, phản ứng của chúng tôi sẽ mạnh mẽ và quyết liệt hơn", Bộ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi cho biết trong một bài đăng trên nền tảng X vào sáng 2.10.

Hình ảnh trích xuất từ video cho thấy tên lửa của Iran bị đánh chặn. Ảnh: AP

Hình ảnh trích xuất từ video cho thấy tên lửa của Iran bị đánh chặn. Ảnh: AP

Trước đó, phát biểu trên truyền hình nhà nước Iran, Tư lệnh Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran, tướng Mohammad Bagheri cảnh báo hoạt động tấn công Israel sẽ được lặp lại "với sức mạnh gấp nhiều lần" nếu Israel trả đũa cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran vào tối 1.10.

Cơ quan này cho biết trong một tuyên bố được truyền thông nhà nước đưa tin rằng bất kỳ phản ứng nào của Israel cũng sẽ phải đối mặt với "sự phá hủy lớn" cơ sở hạ tầng của Israel. Họ cũng cho biết sẽ nhắm vào các tài sản khu vực của bất kỳ đồng minh nào của Israel tham gia.

Israel tuyên bố sẽ đáp trả

"Iran đã phạm phải một sai lầm lớn tối nay - và họ sẽ phải trả giá", Thủ tướng Israel Netanyahu phát biểu khi bắt đầu cuộc họp Nội các An ninh chính trị khẩn cấp vào đêm ngày 1.10.

 Thủ tướng Israel Netanyahu tuyên bố sẽ đáp trả. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Israel Netanyahu tuyên bố sẽ đáp trả. Ảnh: Reuters

"Chúng tôi sẽ hành động. Iran sẽ sớm cảm nhận được hậu quả từ hành động của họ. Phản ứng sẽ rất đau đớn.", Đại sứ Israel tại Liên Hợp Quốc Danny Danon nói với các phóng viên.

"Cuộc tấn công này sẽ gây ra hậu quả. Chúng tôi có kế hoạch và sẽ hoạt động tại địa điểm và thời gian chúng tôi quyết định.", Phát ngôn viên quân đội Israel, Chuẩn đô đốc Daniel Hagari cho biết.

Hoa Kỳ không kêu gọi kiềm chế

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với Israel và ra lệnh cho Lầu Năm Góc hỗ trợ phòng thủ Israel chống lại mọi cuộc tấn công trong tương lai.

Phó Tổng thống Kamala Harris, ứng cử viên đảng Dân chủ cho chức tổng thống Hoa Kỳ, ủng hộ lập trường của Biden và cho biết Hoa Kỳ sẽ không ngần ngại bảo vệ lợi ích của mình trước Iran.

Phát biểu trong cuộc họp báo tại Washington, người phát ngôn Nhà Trắng Jake Sullivan tuyên bố Iran sẽ phải đối mặt với “hậu quả nghiêm trọng” và Mỹ sẽ "hợp tác với Israel để thực hiện điều đó".

Ông Sullivan không nêu rõ những hậu quả đó có thể là gì, nhưng đây là lần hiếm hoi Nhà Trắng không thúc giục Israel kiềm chế như Hoa Kỳ đã làm vào tháng 4 khi Iran thực hiện một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa vào Israel. Lầu Năm Góc cho biết các cuộc không kích của Iran vào ngày 1.10 có quy mô gấp đôi cuộc tấn công vào tháng 4.

Các bên lên án cuộc tấn công và kêu gọi kiềm chế

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres lên án những gì ông gọi là "tình trạng leo thang nối tiếp leo thang" và nói rằng: "Tình hình này phải chấm dứt. Chúng ta cần một lệnh ngừng bắn".

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết trong một tuyên bố rằng ông lên án mạnh mẽ các cuộc tấn công mới của Iran vào Israel, đồng thời nói thêm rằng để thể hiện cam kết đối với an ninh của Israel, Pháp đã huy động nguồn lực quân sự của mình ở Trung Đông vào 2.10. Ông Macron nhắc lại yêu cầu của Pháp rằng Hezbollah phải chấm dứt các hành động khủng bố chống lại Israel và người dân nước này, nhưng cũng mong muốn chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Lebanon được khôi phục theo đúng nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ.

Người đứng đầu chính sách đối ngoại EU Josep Borrell cũng kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức trong khu vực. "Chu kỳ nguy hiểm của các cuộc tấn công và trả đũa có nguy cơ trở nên mất kiểm soát", ông đăng trên nền tảng X.

Thông cáo từ số 10 phố Downing cho biết, Thủ tướng Anh Keir Starmer đã “lên án cuộc tấn công bằng những lời lẽ mạnh mẽ nhất”. “Điều này không thể được dung thứ", ông Starmer nói với các phóng viên. "Chúng tôi ủng hộ Israel và chúng tôi công nhận quyền tự vệ của họ trước hành động xâm lược này. Iran phải chấm dứt các cuộc tấn công".

Ông Starmer cho biết ông cũng đã điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz để "cố gắng tìm kiếm không gian cho một giải pháp chính trị". Các nhà lãnh đạo thừa nhận nguy cơ leo thang nghiêm trọng trong khu vực và nhất trí rằng tất cả các bên cần kiềm chế.

Trên nền tảng X, Bộ trưởng Ngoại giao Anh David Lammy cho biết ông "cảnh báo Iran không nên thực hiện hành động có thể đẩy khu vực này đến bờ vực chiến tranh. Không ai mong muốn một chu kỳ leo thang như vậy".

Phản ứng của Israel và Mỹ làm dấy lên mối lo ngại rằng Iran và Hoa Kỳ có thể bị lôi kéo vào một cuộc chiến tranh khu vực đã gia tăng sau khi Israel tăng cường tấn công vào Lebanon trong hai tuần qua, bao gồm cả việc bắt đầu một chiến dịch trên bộ vào 1.10 trong bối cảnh cuộc xung đột ở Dải Gaza vẫn đang dai dẳng suốt một năm qua.

Các cơ quan xếp hạng hạ mức tín nhiệm của Israel

S&P Global đã hạ xếp hạng tín nhiệm dài hạn của Israel từ A+ xuống A vào ngày 1.10, với lý do nhận thấy những rủi ro đối với nền kinh tế và tài chính công của nước này từ cuộc xung đột leo thang với phong trào vũ trang Hezbollah ở Lebanon.

Cơ quan xếp hạng này nhấn mạnh mối lo ngại về các mối đe dọa an ninh tiềm tàng, bao gồm các cuộc tấn công bằng tên lửa trả đũa nhằm vào Israel, có thể làm trầm trọng thêm tác động kinh tế.

Tuần trước, Peer Moody's đã hạ xếp hạng tín dụng của nước này hai bậc xuống "Baa1" và cảnh báo sẽ hạ xuống mức thấp hơn nữa nếu căng thẳng hiện nay với Hezbollah biến thành một cuộc xung đột toàn diện.

Quỳnh Vũ (Theo Reuters)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/sau-cuoc-tan-cong-bang-ten-lua-vao-israel-iran-khong-muon-leo-thang-cang-thang-post392022.html