Sau đại dịch COVID-19: 'Nếu giáo dục rồ ga thì sẽ ngã sấp mặt'!

Các chuyên gia cho rằng, sau một vụ 'ốm nặng' thì sống được đã là tốt, do đó không nên chỉ đạo theo kiểu khẩn trương hoàn thành nhiệm vụ năm học, đạt chỉ tiêu đề ra mà nên hạ chỉ tiêu xuống.

Một trong những vấn đề được đề cập trong Tọa đàm “Trầm cảm tuổi học đường: Cách nào vượt qua?” do báo Đại Đoàn Kết tổ chức sáng ngày 7/4, nhiều chuyên gia lo lắng về áp lực học tập sau COVID-19 sẽ khiến trẻ bị rối loạn.

Chuyên gia Đinh Đoàn phân tích, khi chúng ta vừa trải qua một đại dịch chưa từng có làm đảo lộn cuộc sống, tạo nên cú sốc đối với toàn thể xã hội và loài người thì cần thời gian để trở lại bình thường.

Áp lực học tập đã khiến nhiều đứa trẻ bị trầm cảm dẫn tới nhiều hành động dại dột.

Trong khi, nước ta không phải là nước phát triển về mặt khoa học nên trong lúc đại dịch ít khi nghĩ đến hậu quả của đại dịch.

“Về tâm lý thông thường, sau sự cố nào đó khi muốn tái khởi động lại người ta cũng làm từ từ và có lộ trình. Trong giáo dục cũng cần thiết như vậy” – chuyên gia Đinh Đoàn nhấn mạnh.

Ông ví von, một xe máy để góc nhà hai năm không đi, nay dùng lại cần phải bảo dưỡng, thay dầu, bơm mỡ, chạy rốt đa cho nóng máy, trơn máy thì có thể sử dụng và tăng tốc dần dần.

“Thế thì tại sao chúng ta không nghĩ rằng đã gần 2 năm nghỉ học và học online nay học sinh chuẩn bị học tại trường giáo dục lại không thay đổi mục tiêu, làm có lộ trình mà lao vào học tập ngay.

Theo tôi, hai tuần đầu tiên đến trường nên tổ chức các hoạt động vui chơi, ngoại khóa… để các em khởi động lại mà chưa vội học hành, để các em làm quen dần với áp lực học tập.

Chỉ sau 2 đến 3 tháng ổn định khi các em được chuẩn bị tâm lý, tinh thần khi đó mới bắt tay vào học thật sự theo thời khóa biểu.

Kể cả các năm học tiếp theo cũng phải điều chỉnh mục tiêu, giống như sau đại dịch trong kinh tế người ta cũng đặt mục tiêu tăng trưởng không âm nên giáo dục cũng cần điều chỉnh.

Sau một vụ ốm nặng thì sống được đã là tốt, do đó không nên khẩn trương hoàn thành nhiệm vụ năm học, đạt chỉ tiêu đề ra. Chỉ tiêu đề ra có thể hạ xuống” – ông Đinh Đoàn nêu ý kiến.

Vị chuyên gia này còn cho rằng, cái gì mà tăng tốc bất ngờ thì đều gây sốc. Ngồi lên xe máy mà rồ ga thì ngã sấp mặt. Mà cứ từ từ đi thì sẽ trơn tru. Giáo dục cũng vậy.

Tư duy, phải hô hào kiểu đã nghỉ dài ngày rồi giờ phải học gấp hai, gấp ba để bù lại thời gian nghỉ là sai lầm. Điều này không khác gì sau khi ốm dậy bắt người ta gánh ngay một gánh nặng, gánh gấp đôi sau thời gian ốm.

Liên quan đến chủ đề này, nhà văn Hoàng Anh Tú cũng cho rằng, tất cả các ngành nghề người ta đã điều chỉnh mục tiêu tại sao giáo dục lại không điều chỉnh.

“Các thầy cô thay không nên đón các con trở lại trường bằng kỳ thi phía trước, bằng việc 2 tháng nữa kết thúc năm học nên con phải cố lên.

Đặc biệt, các bạn lớp 1 chưa từng được đến trường. Khi quay lại trường trong thời gian này các bạn lớp 1 cực kỳ khổ nếu áp lực phải hoàn thành mục tiêu năm học.

Nếu các bạn chưa biết viết thì chắc chắn đến các thầy cô sẽ ép cho viết thật là nhanh.

Cho nên nhà trường nên thay đổi, tôi thiết tha mong các thầy cô hãy đón con đến trường, biến thời gian này thành bữa tiệc tựu trường, thành ngày khai giảng”.

Ông Hoàng Anh Tú còn nêu ý kiến, để giảm áp lực học tập thì đầu tiên những nhà quản lý giáo dục hãy giảm áp lực xuống các thầy cô. Khi các nhà giáo dục giảm đi các chỉ tiêu thì các thầy cô mới đỡ lo.

“Vừa rồi có việc giáo viên nghỉ ốm COVID-19 bị hạ điểm thi đua. Rõ ràng, bản thân các thầy cô dạy các con nhiều khi yêu các con, thương các con, coi các con như con mình thì bên cạnh đó là lương, cái ăn, cái mặc …

Nếu như trong lớp có 10 đến 20 bạn học dốt thì chắc chắn thầy cô sẽ không được thưởng. Do đó, giáo viên sẽ tạo áp lực lên học trò, lên phụ huynh” - ông Hoàng Anh Tú nhấn mạnh.

Qua trao đổi, có thể thấy các chuyên gia lo lắng áp lực học tập sau kỳ nghỉ dài COVID-19 sẽ tác động lớn lên tâm lý học sinh, nếu không điều chỉnh hậu quả có thể sẽ rất đau lòng.

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/sau-dai-dich-covid-19-neu-giao-duc-ro-ga-thi-se-nga-sap-mat-post188981.html