Sau dự thảo sửa đổi, giấy phép lái xe B1, A1 được điều khiển loại phương tiện nào?

Cách chuyển đổi bằng B1, A1... theo dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi đang gây nhiều tranh cãi và nhiều cách hiểu khác nhau.

Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi của Bộ GTVT đang được lấy ý kiến tiếp tục gây xôn xao dư luận với thông tin người có giấy phép lái xe (GPLX) hạng A1 sẽ không được điều khiển xe máy có dung tích động cơ 150cc và người có bằng B1 không được lái ô tô.

Quy định trên khiến nhiều người lo lắng bởi hiện có hàng triệu người đang sử dụng GPLX A1 sử dụng xe máy có dung tích 150cc như Honda SH, Honda Winner… và dùng bằng B1 điều khiển ô tô.

Trao đổi với phóng viên về những băn khoăn này, ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ Phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ - Bộ GTVT), khẳng định pháp luật Việt Nam không có quy định hồi tố. "Vì vậy không có chuyện những người có GPLX hạng A1, B1 bây giờ nay mai không được lái xe môtô dưới 175 cm3 và lái ôtô số tự động, khi luật mới có hiệu lực", ông Thống nói.

Học viên học lái xe ô tô tại một trung tâm đào tạo. Ảnh: Hoàng Giang

Học viên học lái xe ô tô tại một trung tâm đào tạo. Ảnh: Hoàng Giang

Theo ông Lương Duyên Thống, việc thay đổi các hạng GPLX để phù hợp chuẩn quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng GPLX của Việt Nam ở nước ngoài và của người nước ngoài tại Việt Nam; bảo đảm thực hiện các cam kết của Chính phủ Việt Nam khi tham gia Công ước Vienna 1968 về GTĐB.

Hạng GPLX theo Luật GTĐB năm 2008 được chuyển đổi sang giấy phép mới tương đương như việc chuyển đổi GPLX Việt Nam sang GPLX quốc tế đã được thực hiện từ năm 2015 theo quy định tại Thông tư số 29 năm 2015 của Bộ GTVT quy định về cấp và sử dụng GPLX quốc tế. Việc điều chỉnh phân hạng GPLX không ảnh hưởng và phát sinh thủ tục, chi phí cho người dân.

"Đối với người đã được cấp GPLX thì tiếp tục sử dụng cho đến khi hết thời hạn (hạng A1 không có thời hạn). Trường hợp hết hạn thì đổi sang giấy phép theo hạng mới (GPLX hạng A3 được đổi sang hạng B1, hạng B1 số tự động được đổi sang hạng B2, hạng B1, B2 số sàn được đổi sang GPLX hạng B…); còn những ai thi GPLX theo Luật GTĐB (sửa đổi) thì phải chịu sự điều chỉnh quy định tại luật mới", ông Thống phân tích.

Đặc biệt, người dùng sẽ không phải thi lại hay đổi GPLX hạng A1. Sau khi luật mới được thực hiện sẽ cấp giấy phép theo mẫu mới nếu người dân có nhu cầu. Hiện vẫn tồn tại giấy phép mà ngành công an cấp trước năm 1995; giấy phép bằng giấy bìa của ngành GTVT cấp từ năm 1995 đến 2012 vẫn tồn tại song song với giấy phép nhựa như hiện nay.

Bảng chuyển đổi hạng GPLX theo Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).

Bảng chuyển đổi hạng GPLX theo Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).

Tại dự thảo Luật GTĐB (sửa đổi), GPLX có 17 hạng gồm: A0, A1, A, B1, B2, B, C1, C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E và DE theo đúng với hệ thống GPLX của các nước tham gia Công ước Vienna. Điểm mới tại dự thảo là có thêm hạng A0 cấp cho người đi xe máy có dung tích động cơ dưới 50 cm3.

Lãnh đạo Vụ Quản lý phương tiện và người lái cũng nhấn mạnh, hiện ban soạn thảo và tổ biên tập vẫn tiếp tục tổng hơp, nghiên cứu ý kiến của người dân để tiếp thu điều chỉnh các nội dung trong dự thảo Luật cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Dự kiến, Luật GTĐB (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2020) và thông qua tại kỳ họp thứ 11 (cuối tháng 3/2021).

Theo các chuyên gia, khi những điều kiện để bảo đảm an toàn cho người giao thông chưa được thực hiện đồng bộ, việc thực thi pháp luật còn lỏng lẻo, tiêu cực, người học vẫn nặng tâm lý chống đối, qua loa... mà lại đưa ra những quy định mang tính nặng thủ tục hành chính có khi chỉ gây lãng phí, phiền phức, thậm chí chỉ mang tính hình thức, không cần thiết.

Điều quan trọng nhất là phải giáo dục kỹ năng tham gia giao thông cho người dân khi tham gia giao thông, nếu không với tâm lý qua loa, dễ dãi, lấy bằng để chống đối, hợp thức hóa thì nguy cơ tai nạn thậm chí còn đáng ngại hơn.

Nhật Tân

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/sau-du-thao-sua-doi-giay-phep-lai-xe-b1-a1-duoc-dieu-khien-loai-phuong-tien-nao-20200701095104771.htm