Sau Hancorp thoái vốn, cuộc chiến mới ở ICON 4 (CC4)
Việc tăng vốn tại CTCP Đầu tư và Xây dựng số 4 (ICON 4, mã chứng khoán CC4 – UPCoM) sẽ khiến cơ cấu cổ đông thay đổi. Điều này có thể tạo ra cuộc chiến mới tại ICON 4, sau khi Công ty mẹ Hancorp thoái vốn.
Tại Đại hội cổ đông bất thường 2020 vào ngày 15/10/2020 sắp tới đây, CTCP Đầu tư và Xây dựng số 4 (CC4 – UPCoM) dự kiến sẽ trình cổ đông thông qua phương án phát hành riêng lẻ thêm 160 tỷ đồng, qua đó nâng vốn điều lệ lên mức 320 tỷ đồng.
Tài liệu cổ đông chưa nói rõ việc phát hành riêng lẻ cho đối tượng nào, tuy nhiên, trong các nội dung đáng chú ý có thêm phương án đệ trình cổ đông thông qua việc cho CTCP Dịch vụ Hàng không Thăng Long (Taseco) và ông Nguyễn Kim Thành (thành viên HĐQT của CC4) lần lượt tăng tỷ lệ sở hữu lên mức tối đa 75% vốn và 51% vốn mà không phải thực hiện thủ tục chào mua công khai.
Với việc trình cùng lúc 2 nội dung này, nhiều khả năng đại hội cổ đông bất thường sắp tới của ICON4 sẽ gây nhiều sự chú ý của giới đầu tư bởi lẽ cả Taseco (thông qua công ty con) và ông Nguyễn Kim Thành đang là 2 trong số cổ đông lớn nhất của ICON 4.
Cụ thể, trước phiên đấu giá hơn 4.137.500 cổ phiếu ngày 1/9/2020, Taseco Land (công ty con của Taseco) đang nắm giữ 18% cổ phần của ICON4 trong khi riêng cá nhân ông Thành nắm giữ 2.815.885 cổ phiếu, tương ứng 17,6%.
Sau phiên đấu giá ngày 1/9/2020, ông Thành cũng đã mua gom thêm được 1.984.000 cổ phiếu, qua đó nâng tỷ lệ nắm giữ tại ICON4 lên gần 30%.
Danh sách 3 cá nhân còn lại được công bố cũng trúng đấu giá cổ phần bán ra từ phía Hancorp gồm bà Doãn Thị Thu Hương (mua 400.000 cổ phiếu), bà Nguyễn Diệu Linh (mua 553.500 cổ phiếu), ông Đỗ Tuấn Anh (mua 1.200.000 cổ phiếu). Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, bà Linh và bà Hương có mối quan hệ với Taseco Group khi đều đang nắm những vị trí quan trọng tại Tập đoàn này.
Ngoài ra, cũng lưu ý thêm rằng, trong quá khứ, Taseco đã mua vào hơn 6 triệu cổ phiếu CC4, tương ứng 37,6% vốn điều lệ ICON4 trước thời điểm Công ty đăng ký giao dịch cổ phiếu trên UPCoM.
Trong kế hoạch của mình, Taseco muốn nắm giữ tới 75% vốn điều lệ của ICON4, đồng thời tại Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2018, ICON4 đã trình cổ đông thông qua chủ trương cho Taseco tăng tỷ lệ sở hữu lên mức tối đa 75% mà không phải thực hiện thủ tục chào mua công khai. Dẫu vậy, tờ trình này đã không được thông qua khi có tới 78,1% tổng số cổ phần tham gia biểu quyết không tán thành.
Không lâu sau đó, tới cuối 2018, Taseco thông báo thoái toàn bộ số cổ phần CC4 đang nắm giữ.
Tuy nhiên, tham vọng với ICON4 của Taseco vẫn chưa chấm dứt, bởi trước khi Taseco thông báo thoái vốn, ngày 16/11/2018, Taseco Land, một công ty con chuyên về bất động sản của Taseco đã mua 920.636 cổ phiếu CC4 (tỷ lệ 5,75%) và trở thành cổ đông lớn tại ICON4.
Sau đó, đến cuối tháng 11/2018, Hội đồng quản trị ICON4 tiếp tục có tờ trình xin Đại hội đồng cổ đông thông qua nội dung cho Taseco Land nhận chuyển nhượng cổ phần của các cổ đông hiện hữu của CC4 để sở hữu lên mức 49% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết mà không phải thực hiện thủ tục chào mua công khai, nhưng vẫn không được đại hội thông qua.
Đến đầu năm 2019, trong khi Taseco thoái xong hết vốn tại ICON4, thì Taseco Land chỉ mua được thêm gần 2 triệu cổ phiếu, nâng tỷ lệ sở hữu lên 18% vốn của ICON4 và giữ nguyên tỷ lệ sở hữu cho tới nay.
Liên quan đến ICON4, từng là một trong những doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh hiệu quả nhất của Hancorp, nhưng vài năm trở lại đây, ICON4 hoạt động khá trì trệ với kết quả kinh doanh bết bát.
Trước đó, như Đầu tư Chứng khoán từng chia sẻ, ICON4 (mã chứng khoán: CC4 - UPCoM) từng là một trong những công ty có hoạt động kinh doanh hiệu quả nhất của Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp).
Tuy nhiên, sau khi Hancorp thoái vốn dần, không còn là công ty mẹ, cùng với đó là sự xuất hiện của nhóm cổ đông mới, hoạt động của INCO4 bắt đầu đi xuống, đặc biệt là từ giai đoạn từ 2017 trở lại đây, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bắt đầu thụt lùi nhanh chóng.
Lợi thế với ICON4 là đang nắm giữ nhiều lô đất vàng tại Hà Nội. Trong đó, đáng chú ý nhất là dự án "Nhóm nhà ở Đông Nam đường Tố Hữu" ngay gần Trung Văn, Hà nội.
Dự án được UBND TP. Hà Nội chấp thuận cho ICON4 làm chủ đầu tư từ năm 2008 với diện tích quy hoạch ban đầu khoảng 90.745 m2, sau điều chỉnh lên 91.720 m2, trong đó đất ở thấp tầng (nhà vườn) có tổng diện tích đất khoảng 15.795 m2, đất công trình hỗn hợp (ký hiệu: HH) có chức năng nhà ở, dịch vụ công cộng, văn phòng, khách sạn là 12.043 m2.
Tuy nhiên, dự án này tới nay vẫn vướng chưa thể triển khai được.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 vừa qua, Ban lãnh đạo của ICON4 cho biết, Công ty không đáp ứng được về năng lực tài chính để thực hiện dự án theo quy định của pháp luật (Luật Đầu tư, Luật đất đai và Luật Nhà ở), nên mặc dù được chấp thuận làm chủ đầu tư nhưng cho đến nay, công tác hoàn tất thủ tục pháp lý vẫn bế tắc. Thậm chí, việc thực hiện thủ tục này đã được thẩm định tới lần thứ 3 tại các sở, ban ngành của TP. Hà Nội.
Do đó, trong năm nay, ngoài việc tiếp tục hoàn thiện thủ tục pháp lý theo chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội tại Văn bản số 2834/UBND-ĐT ngày 22/6/2018, trước mắt, chủ đầu tư đang xin đề xuất được làm chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội tại ô đất quy hoạch HH:02A (diện tích 2.726,1 m2), thuộc quỹ đất 20% dự án phải bàn giao lại Thành phố theo cơ chế dự án.
Ngày 15/6/2020, HĐQT ICON4 đã ban hành Nghị quyết thông qua tờ trình của Tổng giám đốc Công ty về việc phê duyệt chủ trương để ký phụ lục số 06, 07 Hợp đồng hợp tác đầu tư dự án "Nhóm nhà ở Đông Nam đường Tố Hữu".
Tuy nhiên, đáng lưu ý, vốn góp liên danh nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội này, ICON4 chỉ góp vỏn vẹn 5%, còn Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng NHS (NHS) góp tới 95%.