Sau lớp 9 sẽ là gì?

Cuộc đua giành một suất vào lớp 10 trường công lập trên địa bàn các thành phố lớn, nhất là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, xem ra chẳng dễ chịu chút nào đối với các em vừa học xong trung học cơ sở (THCS) và phụ huynh, nếu như không muốn nói là quá căng thẳng.

Sự căng thẳng như càng tăng lên cùng cái nóng oi bức, ngột ngạt của tháng sáu. Bởi lượng học sinh dự thi vào lớp 10 các trường công lập rất nhiều so với chỉ tiêu đã được dự định. Chắc chắn có không ít em sẽ bị trượt trường công và mặc nhiên phải chọn trường tư nếu muốn học tiếp. Cứ nhìn sự lo âu thoáng hiện lên trên gương mặt non nớt của các em và hằn sâu trên gương mặt phụ huynh đội nắng gió đứng chờ đợi con cháu mình ngoài phòng thi, ta sẽ cảm nhận được áp lực không nhỏ của kỳ thi này. Một kỳ thi trĩu nặng âu lo; từ những ngày ôn luyện bài vở đến khi các sĩ tử bước vào cuộc đua tranh quyết liệt trong phòng thi và cuối cùng là thấp thỏm mong chờ báo điểm.

Nghĩ mà thương các em. Nếu như bây giờ, cho tôi ước mơ một điều, duy nhất một điều thôi thì chắc tôi sẽ nói rằng: Mong đất nước có đủ trường công cho các em tốt nghiệp THCS vào học. Không phải thi cử đua tranh gì cả, các em ở đâu thì vào học trường trung học phổ thông (THPT) ở đó, nhẹ nhàng biết bao. Tuy nhiên, ước mơ đó quá xa vời nếu như không muốn nói là hơi viển vông. Vì, hệ thống giáo dục phổ biến của nhiều nước trong đó có Việt Nam thường bao gồm cả trường công, trường tư. Cuộc thi này thực chất là để chọn lựa những học sinh khá, giỏi vào trường THPT công lập. Mục đích ấy chẳng có gì sai nhưng xét tổng thể trong một nền giáo dục thì hình như cũng chưa ưu việt lắm. Bởi một sự thật hiển nhiên như đã đề cập ở trên, chỉ tiêu dành cho học sinh lớp 10 vào trường công thường là ít hơn so với người dự thi. Rất nhiều học sinh lớp 9 phải vào trường tư với các chi phí hầu như cao hơn bội phần trường công. Đó là chưa nói tới chất lượng giáo dục, có phải trường tư nào cũng đủ điều kiện để dạy tốt, học tốt đâu. Ngay các trường công thì chất lượng cũng không đồng đều. Tại sao cũng là trường THPT của nhà nước trong một tỉnh, một thành phố mà nhiều khi chất lượng lại chênh lệch nhau đến thế? Chính điều này cũng tạo nên áp lực thái quá cho học sinh và phụ huynh.

Thiết nghĩ, để giảm bớt sự quyết liệt trong cuộc đua tranh vào lớp 10 công lập, xã hội ta nên có những thay đổi về nhận thức và tổ chức trong giáo dục. Thứ nhất, không nên xem lớp 12 là cái mốc hoàn thành chương trình học tập phổ thông của con em mình. Chỉ nên lấy lớp 9 làm cái mốc đó. Hết lớp 9, khi trong tay đã có bằng THCS, các em sẽ lựa chọn những hướng đi tiếp theo khác nhau. Ai có kết quả học tập khá, giỏi thì xét hoặc thi vào THPT công lập, hoặc trường tư. Tốt nhất là căn cứ vào kết quả học tập THCS để xét. Sau khi hoàn thành chương trình THPT, các em thi vào các trường cao đẳng, đại học. Đối với những em kết quả học tập chỉ mức trung bình hoặc gia đình khó khăn, sau khi tốt nghiệp THCS có thể đi học nghề để làm thợ phù hợp với năng lực của mình. Mô hình đào tạo liên thông từ trường dạy nghề, trung cấp-cao đẳng-đại học có lẽ chưa lỗi thời với giáo dục nước ta. Học để làm người là sự học suốt đời, đâu chỉ gói gọn lại trong nhà trường và nó phải bao gồm cả đạo đức, kỹ năng, kiến thức... Văn hóa con người là sự tổng hòa nhiều mặt không chỉ đo bằng mỗi học vấn và dường như để hoàn thiện nó chúng ta phải tự học trong cuộc sống nhiều hơn học ở trường lớp. Còn điều này nữa, giá trị của con người được đo bằng những cống hiến, đóng góp của họ cho xã hội. Do đó, vinh quang của một nhà khoa học và vinh quang của một người thợ khi họ có công với đất nước không có gì khác biệt. Giáo dục nên hướng tới cái đó chứ không phải là bệnh thành tích, là đề cao bằng cấp một cách vô lối, là vô tình mở đường cho lối sống thực dụng, là tạo kẽ hở cho gian dối trong thi cử được thực hành...

Câu chuyện giáo dục trong đó có thi cử ở nước ta còn nhiều điều cần bàn. Mong rằng trong thời gian tới, giáo dục sẽ có những chuyển biến tích cực, mạnh mẽ. Hy vọng, thi cử không trở thành áp lực quá nặng nề với học sinh và phụ huynh như câu chuyện ta vừa bàn luận về cuộc chạy đua vào lớp 10 công lập trong tháng sáu oi bức này.

NGUYỄN HỮU QUÝ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/sau-lop-9-se-la-gi-576548