Sau Pháp, Thụy Điển và Italia: Xu hướng cực hữu trỗi dậy tại Châu Âu

Ngày 25/9, các cử tri Italia đi bỏ phiếu để bầu ra một Quốc hội mới. Nếu kết quả thăm dò chính xác, bà Meloni sẽ là Nữ thủ tướng đầu tiên tại Italia và lần đầu tiên từ Chiến tranh Thế giới thứ 2, Italia có một nhà lãnh đạo theo đường lối cực hữu. Nhìn từ kết quả các cuộc bầu cử Quốc hội Pháp, Thụy Điển và Italia, các nhà phân tích nhận định xu hướng cực hữu đang trỗi dậy trở lại ở châu Âu.

Ngày 25/9, các cử tri Italia đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử lập pháp quan trọng để bầu ra một Quốc hội mới. Cuộc bầu cử diễn ra chỉ hơn 2 tháng sau khi chính phủ của Thủ tướng Mario Draghi tuyên bố từ chức.

Các cử tri đã tập trung khi các điểm bỏ phiếu mở cửa lúc 7h sáng (giờ địa phương), và dự kiến sẽ kết thúc lúc 23h (tức 4h sáng 26/9 giờ Việt Nam). Các cuộc thăm dò dư luận sớm sau bầu cử sẽ đưa ra dự báo kết quả cuối cùng.

Dự kiến có gần 51 triệu người dân đủ điều kiện bỏ phiếu, trong tổng dân số 59 triệu người tại Italia sẽ bỏ phiếu để bầu 200 thượng nghị sĩ và 400 hạ nghị sĩ. Theo các cuộc thăm dò mới nhất, một liên minh trung hữu có khả năng chiến thắng do đảng Anh em Italia của bà Giorgia Meloni có thể giành được nhiều phiếu bầu nhất.

Nếu kết quả thăm dò chính xác, bà

Meloni

sẽ là Nữ thủ tướng đầu tiên tại Italia, và lần đầu tiên kể từ Chiến tranh Thế giới thứ 2, nền kinh tế lớn thứ 3 trong Khu vực Đồng euro sẽ có một nhà lãnh đạo theo đường lối cực hữu. Nhìn từ kết quả các cuộc bầu cử Quốc hội Pháp, Thụy Điển gần đây và Italia bây giờ, các nhà phân tích nhận định: xu hướng cực hữu đang trỗi dậy trở lại ở châu Âu, khả năng tạo nhiều chuyển biến trong cục diện địa chính trị khu vực.

CHÍNH TRỊ “CỰC HỮU”

Hầu hết các nước Liên minh châu Âu hiện đều có một đảng cực hữu. Thuật ngữ “cực hữu” để chỉ những người có quan điểm khá nhất quán, bao gồm sự thù địch gay gắt đối với người nhập cư, đặc biệt là người Hồi giáo; luận điệu chống lại tầng lớp tinh hoa; ủng hộ các thuyết âm mưu; bảo thủ về văn hóa; theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan.
Và họ đang trỗi dậy trở lại.

SỰ TRỖI DẬY CỦA CÁC ĐẢNG CỰC HỮU Ở CHÂU ÂU

Ngày 20/6, kết quả chính thức cuộc bầu cử Quốc hội Pháp cho thấy Đảng cực hữu Tập hợp quốc gia của bà Marine Le Pen giành đến 89 ghế - là số ghế cao nhất mà đảng cực hữu giành được trong lịch sử các kỳ bầu cử Quốc hội Pháp, biến đảng này trở thành đảng đối lập lớn nhất trong Quốc hội Pháp.

Ngày 11/9, kết quả kiểm phiếu cuộc cuộc bầu cử lập pháp Thụy Điển cho thấy, liên minh cánh hữu đã giành đa số tại Hạ viện và được phép đứng ra thành lập chính phủ liên minh mới.

Hôm nay 25/9, Đảng Anh em Italia theo xu hướng cực hữu đứng trước khả năng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội Italia.

Người dân Italia: "Tôi hy vọng rằng cánh hữu sẽ giành chiến thắng. Cánh tả, từ những gì tôi biết, không có các tuyên bố nghiêm túc (để giải quyết các vấn đề của đất nước), trong khi cánh hữu ít nhất họ cũng đưa ra một số giải pháp".

Kết quả đã phản ánh rõ nét sự phức tạp và có chiều hướng gia tăng sự ủng hộ của dân chúng đối với chủ nghĩa dân túy và các đảng cực hữu. Nguyên nhân được cho là do những năm gần đây các tầng lớp trung lưu cảm thấy bị gạt ra khỏi việc giải quyết vấn đề xã hội, nhiều chính sách của châu Âu thời gian qua mang tính áp đặt, phần nào làm tổn hại chủ quyền quốc gia…

Phe cực hữu đang dần lớn mạnh và đặt nhiều chân hơn vào bộ máy lãnh đạo cả ở cấp quốc gia và khu vực, dẫn đến tương quan lực lượng trên chính trường châu Âu thời gian tới chắc chắn sẽ có những thay đổi sâu sắc. Nhưng dù có thế nào, phe nào lên lãnh đạo, người dân châu Âu vẫn trông đợi vào sự ổn định và phát triển của khu vực.

Người dân Italia: "Tôi hy vọng những điều tốt đẹp. Không quan trọng là cánh tả hay cánh hữu giành chiến thắng, điều quan trọng là những hành động cụ thể họ thực hiện được".

Thực hiện : Hồng Nhung Anh Tuấn

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/sau-phap-thuy-dien-va-italia-xu-huong-cuc-huu-troi-day-tai-chau-au