Sầu riêng Đắk Lắk trên con đường xuất khẩu chính ngạch
Vừa qua, quả sầu riêng của nước ta trong đó có tỉnh Đắk Lắk được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Đây là cơ hội lớn để đầu ra cho trái sầu riêng có tính bền vững.
Tuy nhiên, để có chỗ đứng lâu dài trên thị trường hơn tỷ dân này, người dân và doanh nghiệp (DN) Việt Nam phải duy trì và tuân thủ chặt chẽ các quy định của đối tác. Đặc biệt, các địa phương cần kiểm soát chặt chẽ mã số vùng trồng (MSVT) và cơ sở đóng gói (CSĐG) sầu riêng xuất khẩu.
Niềm vui mang tên sầu riêng
Những ngày qua, người dân tỉnh Đắk Lắk đã bước vào vụ thu hoạch sầu riêng. Sau hai năm bị mất giá do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá sầu riêng niên vụ 2022 tăng cao. Gia đình ông Lương Ngọc Hoàng ở xã Ea Tar (huyện Cư M’gar) có gần 4ha sầu riêng đang thu hoạch. Trao đổi với chúng tôi, ông phấn khởi và tin tưởng cho biết: “Giá sầu riêng thu mua tại vườn của gia đình năm nay đạt 45.000-55.000 đồng/kg, cao gần gấp đôi so với năm trước. Sau niên vụ này, chúng tôi càng thêm tự tin sản xuất quả sầu riêng đẹp hơn, chất lượng cao hơn để có thể đưa sang thị trường nước ngoài”.
Gia đình bà Trần Thị Hải (xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc) có 1ha sầu riêng hạt lép Dona đang vào kỳ thu hoạch cuối nên giá đạt tới 72.000 đồng/kg. Theo nhiều chủ vườn, mặc dù năm nay thời tiết bất lợi, thời điểm sầu riêng kết hoa gặp mưa kéo dài, sâu bệnh bùng phát nhưng với kinh nghiệm trồng lâu năm nên các vườn cơ bản đều bảo đảm được năng suất. Theo đó, 1ha sầu riêng tại Đắk Lắk năng suất bình quân năm nay đạt trên dưới 20 tấn quả. Trừ tất cả chi phí, chủ vườn thu lãi từ 600 triệu đến 1 tỷ đồng.
Nhận định về xu hướng xuất khẩu sầu riêng trên địa bàn, bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó chủ tịch UBND huyện Krông Pắc cho biết: "Huyện Krông Pắc có diện tích sầu riêng lớn với sản lượng bình quân khoảng 50.000 tấn/năm. Người trồng sầu riêng luôn lo lắng về đầu ra và giá mỗi khi vào vụ thu hoạch. Từ khi những diện tích sầu riêng đầu tiên được cấp MSVT và công nhận đạt chuẩn xuất khẩu thì đã được các DN thu mua ổn định với giá hơn 70.000 đồng/kg khiến bà con rất vui mừng. Nếu các khâu phía chúng ta-đơn vị xuất khẩu đều làm tốt thì chắc chắn quả sầu riêng sẽ trở thành nguồn thu lớn và ổn định cho người dân trong những năm tới”.
Khi những container sầu riêng đầu tiên từ Đắk Lắk lên đường xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, người dân, DN đã đặt nhiều kỳ vọng vào thị trường tiêu thụ lớn bậc nhất thế giới này. Các DN thu mua lớn tại Đắk Lắk như Công ty Cổ phần thương mại xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn, Công ty TNHH xuất nhập khẩu Vạn Xuân Phát... cho biết đã nhận được những đơn hàng “khủng” nhưng sản lượng hiện nay chưa thể đáp ứng được nhu cầu của đối tác phía Trung Quốc. Do đó, ngoài bảo đảm chất lượng của các diện tích sầu riêng đang cho thu hoạch, địa phương cùng người dân và DN phấn đấu trồng mới thêm hàng nghìn héc-ta sầu riêng trong thời gian tới.
Cần siết chặt quản lý mã số vùng trồng
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk), diện tích sầu riêng của tỉnh hiện đạt hơn 15.100ha (chiếm 17,6% diện tích cả nước) và con số này đang tăng dần. Ước tính sản lượng thu hoạch năm 2022 khoảng 170.000 tấn và đến năm 2025 là hơn 300.000 tấn. Các giống sầu riêng được trồng tại Đắk Lắk chủ yếu là Dona, Ri6... phân bố hầu hết tại các huyện Krông Năng (hơn 4.100ha), Krông Pắc (khoảng 3.800ha). Các huyện: Ea H'Leo, Krông Búk, Cư M’gar và thị xã Buôn Hồ... với diện tích từ 1.100ha đến hơn 2.000ha.
Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã phê duyệt 51 MSVT và 25 mã CSĐG sầu riêng của Việt Nam được phép xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong đó, Đắk Lắk được cấp 4 mã CSĐG và 23 MSVT (chiếm 45% MSVT của cả nước được phê duyệt), với diện tích 1.500ha chủ yếu tại huyện Krông Pắc (chiếm 18,3% diện tích sầu riêng cho thu hoạch của tỉnh năm nay). Như vậy, tổng diện tích sầu riêng được cấp MSVT tại Đắk Lắk chỉ chiếm khoảng 1,7% so với tổng diện tích sầu riêng cả nước (gần 100.000ha). Do nhu cầu của thị trường Trung Quốc rất lớn nên việc kiểm soát MSVT, CSĐG cho sầu riêng xuất khẩu sẽ đặt ra những thách thức không nhỏ. Tình trạng cạnh tranh không minh bạch có thể sẽ xuất hiện dưới hình thức như gian lận, đánh tráo MSVT (đưa sầu riêng từ nơi khác gắn MSVT của địa điểm được cấp để tiêu thụ). Điều này sẽ dẫn đến nguy cơ mất thị trường xuất khẩu nếu đối tác phát hiện.
Theo ghi nhận của chúng tôi, mới đây một số hộ dân tại thôn Tân Bắc, xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc đã phát hiện nhiều vườn sầu riêng của họ bị Công ty TNHH Thương mại nông sản Thiện Tâm làm thủ tục cấp MSVT mà chủ vườn không hề hay biết. Các hộ khẳng định quá trình làm hồ sơ cấp MSVT, DN đã không thông báo với chủ vườn và cũng không đề nghị thu mua sầu riêng. Theo chính quyền địa phương, DN trên trước đây có đến gặp người dân để thống kê diện tích sầu riêng. Tuy nhiên, DN không nói rõ mục đích kê khai. Đến thời điểm sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch, một số DN khác đề nghị liên kết làm hồ sơ MSVT, thu mua và bao tiêu sản phẩm. Trong quá trình làm hồ sơ mới phát hiện MSVT của nhiều vườn sầu riêng tại thôn Tân Bắc đã được cấp cho Công ty TNHH Thương mại nông sản Thiện Tâm (MSVT VN-ĐLOR 0072). Đây có thể coi là bất cập ban đầu trong quản lý MSVT. Theo ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, các DN, hợp tác xã và người dân cần ý thức được tầm quan trọng của MSVT, tuân thủ quy định về quản lý MSVT. Các trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm minh để bảo vệ uy tín cho ngành hàng sầu riêng.
Để duy trì và tiếp tục gia tăng MSVT, CSĐG trong thời gian tới, tỉnh Đắk Lắk cần tiếp tục đẩy mạnh hướng dẫn, đào tạo, giám sát để nâng cao năng lực cũng như vận động người dân và DN tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu mà nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc đặt ra.