Sầu riêng núi Dài
Phát triển các mô hình trồng cây ăn trái nói chung, cây sầu riêng nói riêng ở khu vực núi Dài (huyện Tri Tôn) dù còn nhiều khó khăn nhưng đã có những tín hiệu tích cực. Loại cây trồng này đã giúp nhiều nông dân nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên Ngọa Long Sơn.
Hội Nông dân huyện Tri Tôn tham quan mô hình trồng sầu riêng trên núi Dài
Phụ thuộc vào thiên nhiên
Núi Dài (còn gọi là Ngọa Long Sơn) cao trên 500m, thuộc địa phận 4 xã, thị trấn của huyện Tri Tôn, gồm: Châu Lăng, Lương Phi, Ba Chúc và Lê Trì. Những năm qua, được sự tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương, nông dân ở đây đã thay đổi tập quán canh tác, chuyển đổi từ đất vườn tạp sang canh tác các loại cây ăn trái, trong đó có cây sầu riêng. Nhờ loại cây trồng này, đời sống người dân ngày càng phát triển, diện tích cũng không ngừng tăng lên.
Ông Đào Văn Đua (xã Lê Trì) là một trong những nông dân định cư lâu năm ở khu vực núi Dài. Ông Đua cũng là người đầu tiên đưa cây sầu riêng về với vùng đất núi. Ông Đua cho biết, trước đây, gia đình ông trồng rừng phòng hộ xen với các loại cây trồng, như: Xoài, bơ, mít, mãng cầu… Sau nhiều năm khai thác, các loại cây trồng này không còn mang lại giá trị kinh tế cao, ông Đua quyết định tìm kiếm giống cây trồng mới để thay thế. Được sự hỗ trợ của ngành chuyên môn, ông đã mạnh dạn thay thế những cây trồng cũ để trồng sầu riêng, chủ yếu là giống Ri 6 và Monthong.
Thời gian đầu, việc canh tác gặp nhiều khó khăn. Do chưa có kinh nghiệm nên cây giống chết khá nhiều. Tuy nhiên, những cây còn lại đã sinh trưởng và phát triển khá tốt. Điều này chứng tỏ thổ nhưỡng địa phương phù hợp với loại cây trồng này. Ông Đua cho biết, sầu riêng trồng ở đây cho hoa và kết trái rất tốt. Do đó, mỗi vụ, ông phải tỉa bớt trái non, chỉ chừa vài chục trái mỗi cây. Điều này giúp cây đủ dinh dưỡng để nuôi trái và tránh tình trạng gãy nhánh về sau. Cũng theo ông Đua, sầu riêng núi Dài cho chất lượng không thua kém so với những địa phương khác trong tỉnh và các “vựa” trái cây của các tỉnh miền Tây...
Tuy nhiên, theo ông Đua, điều kiện canh tác của người dân ở đây còn gặp nhiều khó khăn. Nguồn nước tưới tiêu phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên nên người dân khó chủ động được thời vụ. Mặt khác, cây sầu riêng khá “khó tính”, nước dư hoặc thiếu cũng ảnh hưởng đến năng suất. Vì vậy, năm nào “mưa thuận, gió hòa” thì “có ăn”, những năm mưa ít hoặc mưa nhiều thì lợi nhuận không nhiều. “Năm trước ít mưa, nắng nhiều nên sầu riêng bị bung lá. Năm nay thì ngược lại, mưa liên tục nên cây dư nước, dẫn đến tình trạng rụng bông, rụng trái non. Cũng may là năm nay giá cả ổn định nên lợi nhuận được đảm bảo” - ông Đua chia sẻ.
Đổi thay vùng đất núi
Theo các nông dân ở núi Dài, do phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nước mưa nên những tháng nắng (từ tháng 10 đến tháng 4 âm lịch), hầu hết các nhà vườn đều gặp tình trạng thiếu nước tưới. Để khắc phục, nông dân ở đây thường xây dựng hồ ở những nơi đất trũng trong vườn để tích trữ nước suối, nước mưa. Bên cạnh đó, nông dân còn sáng tạo, xây dựng những chiếc bồn chứa hình trụ, bằng xi-măng, đặt rải rác khắp vườn. Nhờ vậy, nông dân chủ động được nguồn nước tưới trong thời gian thiếu nước. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Khi đã hết nước tích trữ, họ vẫn phải trông chờ những cơn mưa đầu mùa đến sớm.
Nhờ thổ nhưỡng thích hợp nên chất lượng sầu riêng ở núi Dài khá cao, được nhiều người ưa chuộng. “Gia đình tôi canh tác 7 công đất vườn, trong đó có khoảng 60 cây sầu riêng cùng nhiều loại cây trồng khác. Giá sầu riêng năm nay khá ổn định, từ 80.000-90.000 đồng/kg. Cũng nhờ cây sầu riêng, mỗi năm gia đình tôi thu lợi nhuận trên 100 triệu đồng” - ông Đào Văn Đua chia sẻ.
Năm nay, vườn sầu riêng của gia đình ông Đua được nhiều người tìm đến, với mong muốn thưởng thức trái chín tại vườn. Thấy được hiệu quả cao, nhiều nông dân khu vực núi Dài đã và đang nhân rộng loại cây trồng này. Những ngày qua, đường lên núi Dài trở nên nhộn nhịp khi các thương lái, du khách tấp nập đổ về mua sầu riêng. Nhiều tuyến đường lên núi đã được bê-tông hóa nên rất thuận lợi cho việc di chuyển; xe máy dễ dàng đến tận vườn để vận chuyển nông sản nên nông dân đỡ vất vả, tốn kém khi thuê người gánh trái cây xuống núi như trước đây. Hiện tại, người dân đang tiến hành mở rộng đường núi để đảm bảo cho việc đi lại, vận chuyển được an toàn, thuận lợi hơn.
Nhờ canh tác sầu riêng đã giúp đời sống người dân khu vực núi Dài ngày càng được cải thiện. Những vườn cây ăn trái không những đem lại hiệu quả kinh tế cao mà còn thu hút một lượng lớn du khách đến tham quan, thưởng thức tại vườn. Điều này mang lại tiềm năng lớn trong việc phát triển du lịch của địa phương.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/sau-rieng-nui-dai-a336785.html