Sau thượng đỉnh Mỹ - Triều là gì?
Không ai trong hai nhà lãnh đạo muốn trắng tay rời cuộc gặp, do đó họ có thể đưa ra một nhượng bộ mang tính biểu tượng
Sau hội nghị lịch sử tại Singapore ngày 12-6, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể sớm gặp lại vào tháng 7 tới và lần này là ở Bình Nhưỡng.
Bốn kịch bản
Báo JoongAng Ilbo của Hàn Quốc hôm 11-6 dẫn một nguồn tin ở Singapore cho biết ông Kim đã mời Tổng thống Trump tới Triều Tiên để dự hội nghị thượng đỉnh tiếp theo vào tháng tới. Lời mời này được đưa ra trong bức thư của nhà lãnh đạo Triều Tiên gửi tới tận tay ông chủ Nhà Trắng qua tướng Kim Yong-chol.
Sự đồng thuận về cuộc gặp thượng đỉnh thứ 2 cũng đạt được trong hàng loạt cuộc gặp giữa hai bên, bao gồm các cuộc thảo luận giữa chuyên gia cấp cao về Triều Tiên của Bộ Ngoại giao Mỹ Sung Kim và Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui. Các nguồn tin nói rằng thượng đỉnh tại Bình Nhưỡng, nếu diễn ra, sẽ bàn nhiều hơn về nội dung phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Thậm chí, những người trong cuộc còn tính xa hơn nữa với một cuộc gặp thượng đỉnh thứ ba tại Washington vào tháng 9.
Dĩ nhiên là tất cả còn tùy thuộc vào kết quả của thượng đỉnh Mỹ - Triều đầu tiên. Theo các chuyên gia, có 4 kịch bản có thể diễn ra, mang đến những kết quả tốt xấu tiềm tàng khác nhau.
Trước tiên, kịch bản có khả năng cao nhất là hai nhà lãnh đạo đi đến nhất trí một khung thỏa thuận hạt nhân, rồi để các nhóm đàm phán đi sâu vào chi tiết. Theo trang Vox, không ai trong hai nhà lãnh đạo muốn trắng tay rời cuộc gặp, do đó họ có thể đưa ra một nhượng bộ mang tính biểu tượng để kích hoạt một quá trình dài hơn. Tổng thống Trump có thể "hạ đô" các lệnh trừng phạt cứng rắn trong khi Bình Nhưỡng phá hủy vài tên lửa của mình nhưng không đụng đến loại có thể vươn tới lãnh thổ Mỹ.
Trong kịch bản thứ hai, hai bên có những nhượng bộ lớn hơn, chẳng hạn Triều Tiên đóng băng hoặc giảm bớt kho vũ khí hạt nhân, đổi lại Mỹ rút một phần binh sĩ khỏi Hàn Quốc. Theo cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nghiên cứu về Triều Tiên Mintaro Oba, một thỏa thuận như vậy có thể làm suy giảm đáng kể sức mạnh quân sự cũng như mối đe dọa của Bình Nhưỡng đối với các đồng minh của Mỹ như Hàn Quốc và Nhật Bản. Có điều, một thỏa thuận như thế không có nghĩa toàn bộ chương trình hạt nhân của Triều Tiên sẽ bị dỡ bỏ.
Như vậy, rốt cục ở kịch bản này, mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên mà chính quyền của ông Trump kiên quyết theo đuổi sẽ không đạt được. Chưa hết, việc ông Trump chịu rút quân khỏi Hàn Quốc có thể gây tổn hại tới mối quan hệ đồng minh giữa hai nước. Dù vậy, nếu vượt qua tất cả những thiệt hơn đó để đi đến thỏa thuận, đây vẫn có thể là thắng lợi ngoại giao cho cả Mỹ và Triều Tiên.
Kịch bản thứ 3, cũng là tồi tệ nhất, là không có thỏa thuận nào đạt được và hai bên sẽ phí phạm một cơ hội giải quyết đối đầu hạt nhân bằng con đường ngoại giao. Tổng thống Trump đã ít nhất 1 lần hủy cuộc gặp và thậm chí tuyên bố ngay cả khi ngồi vào bàn họp mà cuộc gặp không tới đâu thì ông cũng không ngại bỏ ngang. Nếu kịch bản này xảy ra, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên sau đó có thể quay lại những đe dọa chiến tranh đầy thảm khốc.
Chiến thuật
Kịch bản cuối cùng là Triều Tiên chịu dỡ bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân theo yêu cầu của Mỹ. Các chuyên gia cho tới nay xem đây là kịch bản ít khả năng nhất. Cả Lầu Năm Góc và CIA đều thống nhất rằng Triều Tiên coi vũ khí hạt nhân là biện pháp răn đe đối với các cuộc xâm lược từ bên ngoài và do đó sẽ không kiềm chế chương trình hạt nhân của mình.
Sau 6 năm tự cô lập khỏi chính trường quốc tế, ông Kim Jong-un đã bất ngờ phô diễn tài năng ngoại giao tại cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong 2 tháng qua.
Điều dư luận quan tâm là nhà lãnh đạo trẻ sẽ sử dụng chiến thuật đàm phán nào khi mặt đối mặt với vị tổng thống khó lường của Mỹ. Ít nhất, sức hút của một lãnh đạo đang nổi đã là một công cụ đáng kể. Bên cạnh đó, ông Kim vẫn có thể sử dụng yếu tố bất ngờ từng mang lại hiệu ứng tích cực trong hai cuộc gặp nói trên. Sự chuẩn bị kỹ càng cũng là thế mạnh của phía Triều Tiên trước một ông chủ Nhà Trắng bị đánh giá là thiếu kiên nhẫn. Thậm chí ông Kim được cho là nắm nhiều hơn về Mỹ và lịch sử Mỹ so với những gì ông Trump biết về Triều Tiên.
Không những vậy, chiến thuật giữ bí mật tới phút chót của Triều Tiên được đánh giá cao. Trong khi những phát ngôn dồn dập của ông Trump về thượng đỉnh khiến người ta có cảm giác ông đang "trao rất nhiều", những toan tính bên phía Triều Tiên lại có phần kín kẽ khi ông Kim lặng thinh tới cùng, nhất là về chủ đề phi hạt nhân hóa.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/sau-thuong-dinh-my-trieu-la-gi-20180611215417944.htm