Sau tiếng kêu xẹt, người đàn ông đi cấp cứu trong đau đớn

Hai người đàn ông trẻ ở Phú Thọ được đưa vào cấp cứu trong tình trạng bỏng nặng do điện giật khi đang làm việc, câu cá.

Anh N.V.D. (35 tuổi, Cẩm Khê, Phú Thọ) đang làm việc gần đường điện thì bất ngờ thấy ánh sáng lóe lên kèm theo tiếng "xẹt". Sau đó, anh D. bất tỉnh, mọi người xung quanh đã lấy nước dội lên toàn thân bệnh nhân và đưa anh vào trạm y tế cấp cứu trong tình trạng bỏng rát, đau đớn. Sơ cứu xong, anh D. được chuyển tới cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) tiếp tục theo dõi và điều trị.

Trường hợp thứ 2 là anh M. (25 tuổi trú tại huyện Cẩm Khê, Phú Thọ) vào cấp cứu với tổn thương điện giật. Theo người nhà, anh câu cá gần đường điện trung thế và bị điện giật, choáng váng ngã xuống nước, được người đi cùng đưa vào viện cấp cứu. Tại bệnh viện, nam thanh niên được xác định tổn thương bỏng do điện, đặc biệt là vùng mặt, cổ.

Nam bệnh nhân cấp cứu trong bệnh viện. Ảnh: BVCC.

Nam bệnh nhân cấp cứu trong bệnh viện. Ảnh: BVCC.

Bác sĩ Nguyễn Thị Diện, Khoa Cấp cứu, Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê, cho biết 2 bệnh nhân đều có tổn thương bỏng độ I, II, III tại nhiều vùng cơ thể do tia lửa điện. Ngoài điều trị, chăm sóc tổn thương bỏng, người bệnh phải theo dõi hội chứng tiêu cơ vân. Đây là tình trạng thường gặp sau chấn thương, sập hầm, đổ nhà, động đất, bỏng diện tích lớn, bỏng do điện giật hoặc sét đánh... gây tình trạng rối loạn điện giải, toan chuyển hóa, sốc giảm thể tích và suy thận cấp.

Bác sĩ Diện cho biết thêm các trường hợp bị điện giật, kể cả không tìm thấy tổn thương bằng mắt thường, cũng cần đến cơ sở y tế để bác sĩ khám và tư vấn.

Để phòng điện giật, người dân nên chú ý quan sát và tránh xa các dây điện, đặc biệt là đường dây điện trần và dây điện cao thế, để không bị điện giật.

- Khi nạn nhân bị điện giật, gia đình hoặc người xung quanh cần xử trí nhanh, dùng vật cách điện như cây khô, đồ nhựa, mũ tách dòng điện ra khỏi nạn nhân hoặc ngắt cầu dao điện, rút chui điện… sau đó nhận định tình trạng và xử trí cấp cứu tại chỗ cho nạn nhân.

- Nếu nạn nhân ngừng tuần hoàn nên đặt nạn nhân nằm ngửa chỗ khô ráo thoáng khí, sau đó nới rộng quần áo, dây thắt lưng, tiến hành lấy đờm nhớt trong miệng và hồi sức tim phổi. Nếu nạn nhân có nhịp tim trở lại, nhanh chóng đưa đi cấp cứu ở cơ sở y tế gần nhất.

- Nạn nhân tỉnh táo cần chuyển tới nơi khô ráo, thoáng khí, để tự hồi tỉnh, sau đó giữ ấm và nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.

Phương Thúy

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/sau-tieng-keu-xet-nguoi-dan-ong-di-cap-cuu-trong-dau-don-2323307.html